Bangkok Post: Kinh tế Việt Nam sẵn sàng vực dậy khỏi "vũng lầy" mang tên Covid-19
Nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức kháng cự mạnh mẽ và đã sẵn sàng để tái khởi động lại hậu Covid-19.
Theo trang Bangkok Post, đại dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu và mức độ lây nhiễm ngày càng cao. Việt Nam cũng không nằm ngoài trong số đó, khi đang phải gồng mình đối phó với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 sau ba tháng cả nước không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng.
Ngày 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 10 ngày tiếp theo sẽ là thời kỳ quan trọng để chống dịch của Việt Nam - một quốc gia từng nhận được "cơn mưa" lời khen của quốc tế về khả năng ngăn chặn dịch trước đó.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới bắt đầu từ ngày 25/7 tại Đà Nẵng, làm dấy lên lo ngại rằng, du lịch và nhiều ngành kinh tế trọng điểm khác có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đó không hẳn là tin xấu đối với Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã nhận định rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sẽ đạt tăng trưởng dương trong năm nay. Điều đó phụ thuộc vào sự hồi sinh của thương mại toàn cầu - vấn đề vốn đã được định hình rõ từ trước đó.
Đầu tiên, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) chính thức đi vào hiệu lực kể từ ngày 1/8. Đây được xem như một đòn bẩy lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường với nhiều mặt hàng xuất khẩu mới, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Trang Reuters phân tích, Hiệp định EVFTA sẽ xoá bỏ 99% thuế quan đối với các mặt hàng trao đổi giữa hai bên, giúp các nhà xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường trị giá 18 nghìn tỷ USD.
Chính phủ Việt Nam dự báo, xuất khẩu sang EU sẽ tăng 42,7%, trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết, thỏa thuận lịch sử này có khả năng đưa tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam thêm 2,4% và nâng tổng xuất khẩu của Việt Nam tăng 12% vào năm 2030. Theo đó, Việt nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan tại EU theo Chương trình ưu đãi chung (GSP). Ngoài ra, EU còn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng một nửa tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một trong số những mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là may mặc, chiếm khoảng 10% xuất khẩu của cả nước. EU là thị trường may mặc lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc vào năm ngoái.
"EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu", trang Bangkok Post khẳng định.
Bên cạnh đó, EVFTA là FTA thứ hai được EU ký với một quốc gia ASEAN, sau Singapore. Nhìn tổng thể, Đông Nam Á là đối tác thương mại quốc tế lớn thứ ba của EU, sau Mỹ và Trung Quốc. Với FDI tích lũy đạt 374 tỷ USD vào ASEAN khoảng cuối năm 2017, EU mong muốn theo đuổi một FTA với khối ASEAN nói chung, song chưa đạt được kết quả đáng mong đợi. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2007 và kết thúc vào năm 2009 khi các quốc gia thành viên chọn hướng đi riêng, thúc đẩy tiến trình đàm phán song phương.
Theo nhiều chuyên gia, Hiệp định được ký kết giữa EU với Việt Nam và giữa EU với Singapore có thể gây bất lợi cho các nước thành viên trong khối ASEAN. Bởi lẽ, nếu EU tăng đầu tư vốn vào Singapore hay Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, sẽ tạo ra thế cạnh tranh với Thái Lan, khi quốc gia này đang dẫn đầu khu vực về lĩnh vực trên.
Tuy nhiên, EVFTA cũng mở ra cho EU tầm nhìn mới về những cơ hội ngày càng tăng tại Đông Nam Á, Hiệp định có khả năng trở thành chất xúc tác cho những cuộc đàm phán mới giữa EU và ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi lớn từ chiến lược “China Plus One” (chiến lược kinh doanh tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc và đa dạng hóa kinh doanh sang các nước khác). Theo đó, các nhà đầu tư ở Trung Quốc chuyển nhượng và mở rộng sang các nước khác (trong đó có Việt Nam) để giảm chi phí lao động, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Một số công ty đa quốc gia như Apple, Samsung và Nintendo đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Có thể thấy rõ, các khu công nghiệp lớn về thiết bị điện tử và hàng tiêu dùng của Việt Nam đang là "miếng bánh ngon" cho các nhà sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với hai thách thức. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng tại cảng biển của Việt Nam còn kém phát triển hơn so với các nước trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao. Song, với sự chỉ đạo cùng những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, Việt Nam tự tin sẽ tận dụng tốt những cơ hội, đồng thời biến những khó khăn thành thời cơ, để tiến tới hội nhập sâu rộng hơn vào thương mại quốc tế, góp phần phục hồi nền kinh tế quốc gia sau đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận