menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vũ Lương

Bán trộm nền nhà phố biệt thự giữa TP.HCM: Bất chấp vì được “hà hơi tiếp sức”

Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Ngô Xuân Trường, để điều tra hành vi cầm cố và “bán trộm” nền nhà phố, biệt thự ở Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh.

Giám đốc vui vẻ… nhận tội

Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh được cơ quan chức năng phê duyệt năm 2001 cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải, gọi tắt là Công ty Đại Hải) làm chủ đầu tư. Tiếp đó, Công ty K&N và Chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP.HCM (nay là Công ty cổ phần Ani) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh và bán nền đất cho dân tự xây nhà, theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Sau khi xây nhà và dọn về ở tới 10 năm mà vẫn không nhận được sổ đỏ, người dân kêu cứu và báo chí vào cuộc thì mới “vỡ” chuyện Công ty Đại Hải đã đem hàng trăm nền dự án cầm cố “trộm”. Chưa hết, sau cầm cố, chủ đầu tư đã “âm thầm” giải chấp, nhưng thay vì trả sổ đỏ cho dân, công ty này lại đem nhiều nền đất đi bán cho người khác và những người này tiếp tục mang đi thế chấp ngân hàng.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải bị khởi tố bắt tạm giam để điều tra hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, Công an TP.HCM sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân sinh sống tại Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã phối hợp với các cơ quan chức năng cấm xuất cảnh đối với ông Ngô Xuân Trường. Cuối tháng 4/2021, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Điều đáng nói, không phải đến khi bị “mời” lên cơ quan công an thì mới thú nhận hành vi, ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty Đại Hải đã rất thản nhiên nhận và “ký tuốt” các văn bản thừa nhận bán trộm đất nền của người dân.

Minh chứng, sau khi phát hiện ông Trường bán trộm lô đất số 25 của mình cho người khác, ông N.Q.Đ (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã tới gặp và ông Trường… sẵn sàng lấy bút ký xác nhận… làm sai.

Không chỉ với riêng ông N.Q.Đ, ông Trường cũng chẳng hề nao núng, e ngại khi ký giấy xác nhận việc mình làm sai là bán trộm lô đất gần 180 m2 của bà Nguyễn Thị Mai cho bà Bồ Thanh Phương vào năm 2018, cùng lời hứa sẽ trả mọi khoản vay liên quan đến ngân hàng và làm thủ tục sang tên lại cho bà Mai. Tuy nhiên, mọi sự vẫn chỉ là tờ giấy trắng.

Tương tự, bán xong lô đất số 26 của vợ chồng ông Lê Kim Biên - Phạm Thị Hồng Phượng, ông Trường còn… vui vẻ ký giấy nhận tội với ông Biên khi nạn nhân tìm tới.

Liệu có vô can?

Mỏi mòn đòi quyền lợi và quá ngạc nhiên trước thái độ thản nhiên, “bất cần” kỳ lạ của Giám đốc Công ty Đại Hải, các nạn nhân lần theo manh mối rồi làm đơn tố ông Lưu Quang Lãm (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hải). Khi mua đất, họ chỉ biết đến ông Trường và ông Lãm, nên mới tố cáo đích danh ông Trường và ông Lãm.

Liên quan nội dung này, hồi tháng 9/2020, trao đổi với báo chí, ông Lãm cho rằng, từ năm 2015, ông đã chuyển nhượng cổ phần, bàn giao hồ sơ, pháp lý dự án cho ông Trường. Mọi vấn đề về pháp lý, thủ tục liên quan đến đất đai cho cư dân sẽ do ông Trường giải quyết. Ông Lãm cũng nói, với tố cáo của dân, ông có làm việc với cơ quan công an và cũng trình bày rõ là đã về Hà Nội 5 năm, hồ sơ mọi việc đã bàn giao, không còn liên quan.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một nạn nhân trong vụ này, thì từ trước năm 2015, tức trước khi ông Lãm “bàn giao” như lời trình bày, Công ty Đại Hải đã đem nhiều nền đất cầm cố tại nhiều ngân hàng. Tới năm 2016, trước đơn tố cáo của dân, chính quyền quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức) đã làm việc với Công ty Đại Hải, yêu cầu thực hiện các thủ tục để cấp sổ đỏ cho dân.

Tới năm 2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức làm việc với Công ty Đại Hải, kết quả là: trong 419 nền dự án, Công ty Đại Hải mới chỉ hoàn tất thủ tục cấp sổ đỏ cho khoảng 200 lô đất. Số còn lại, chủ đầu tư đã đem sổ đỏ của hàng loạt lô đất ký hiệu P, E, J, H, M, N… thế chấp tại nhiều ngân hàng.

Cần lưu ý rằng, ông Lãm không chỉ giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hải, mà cũng công tác tại Tổng công ty Sông Đà, có đơn vị là Chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP.HCM liên kết với Công ty Đại Hải thực hiện Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh.

Năm 2003, Chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP.HCM và Công ty Đại Hải đã ký kết hợp tác phân chia nền đất thụ hưởng: Chi nhánh Tổng công ty Sông Đà được hưởng 96 nền biệt thự, 143 nền nhà liên kế (tương đương 60% diện tích đất ở của Dự án), phần còn lại do Công ty Đại Hải thụ hưởng. Quá trình thực hiện dự án kinh doanh, các nền đất đã được 2 công ty bán cho nhiều cư dân thông qua hợp đồng góp vốn.

Sau này, Chi nhánh Tổng công ty Sông Đà đổi tên thành Công ty cổ phần Ani với lãnh đạo mới. Và chính Công ty cổ phần Ani (mới) cũng tố luôn Công ty Đại Hải với nội dung: Dự án đã hoàn thành và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định từ năm 2008. Nhưng đến năm 2019, khi người dân mua nền tố cáo bị bán trộm, bị cầm sổ đỏ, chưa được giao sổ, Công ty cổ phần Ani mới hối hả đi tìm hiểu và phát hiện, Công ty Đại Hải thay vì thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ cho cư dân theo đúng thỏa thuận, lại lợi dụng tư cách chủ đầu tư, gian dối và tự ý âm thầm thế chấp các lô đất dự án đã bán cho khách hàng tại nhiều ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay của tổ chức nào đó hoặc cá nhân nào đó mà Công ty Ani không hề hay biết.

Các bên liên quan không thể đứng ngoài

Ở vụ việc này, những bức xúc và nội dung tố cáo của dân không chỉ ở việc bán trộm nền nhà phố, biệt thự, mà còn là hành vi cầm cố, thế chấp tài sản đáng lẽ phải giao cho khách hàng.

Tháng 6/2019, Công ty Đại Hải đã cử người đại diện theo ủy quyền là N.H.Khởi đến khai báo với Tòa án Nhân dân quận Thủ Đức nội dụng: có 15 nền thuộc lô D, công ty này đang thế chấp tại Vietcombank chi nhánh TP.HCM; 12 nền khác cũng thuộc lô D đã giải chấp và đang làm sổ đỏ; 11 nền lô E đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Á; 13 nền lô H đang thế chấp tại Agribank Nhà Bè; 11 nền lô J thế chấp tại Agribank Nhà Bè và Vietcombank chi nhánh TP.HCM; 7 nền lô M thế chấp tại Sacombank TP.HCM; 14 nền lô N thế chấp tại Ngân hàng Đông Á; 39 nền lô O thế chấp tại Agribank Nhà Bè…

Lời khai trên sẽ khiến nhiều cán bộ ngân hàng liên quan khâu thẩm định “toát mồ hôi”. Bởi việc xác minh tài sản đảm bảo, cụ thể là khảo sát hiện trường, thu thập thông tin là một trong những bước bắt buộc không thể thiếu trong quy trình thẩm định giá tài sản, bao gồm tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng.

Thế nhưng, theo nhiều hộ dân bị cầm cố tài sản ở Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh, suốt một thời gian dài, không có bất kỳ ngân hàng (bên nhận thế chấp) nào liên hệ, tìm hiểu, xác minh tình trạng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng các lô đất với họ, trong khi họ đã và đang là những người trực tiếp quản lý, sử dụng, thậm chí đã xây dựng nhà và sinh sống ổn định trên đất từ trước đến nay.

Đó là chưa nói, có ngân hàng vẫn nhận cầm cố thế chấp chủ quyền lô đất đang tranh chấp.

Điển hình, năm 2019, sau khi mua nền “bán trộm” từ Công ty Đại Hải, bà B.T.Phương đã thế chấp được với ngân hàng sổ đỏ lô đất mà vợ chồng ông Nguyễn Khoa mua, quản lý từ năm 2017. Tháng 1/2019, Agribank Xuyên Á (quận 12) nhận thế chấp sổ đỏ mang tên ông N.V.Minh đối với lô D26 của vợ chồng ông Lê Kim Biên và bà Phạm Thị Hồng Phượng. Cũng tháng 1/2019, Agribank Xuyên Á nhận thế chấp sổ đỏ mang tên D.T.Trung đối với nền đất D18, dù bà Nguyễn Thị Vinh đã mua nền này từ năm 2016. Tháng 3/2018, Agribank chi nhánh Bình Thạnh nhận thế chấp sổ đỏ nền đất lô D25 mang tên ông N.V.Minh, trong khi nền này đã được bà Bùi Thị Hồng Bình mua từ năm 2005.

Cần phải nói thêm rằng, ngân hàng không thể cho vay nếu những người cầm cố, thế chấp không được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp sổ đỏ. Tức là, cơ quan này cũng không thể đứng ngoài vụ việc. Đơn cử, nền đất thuộc lô D17 do Công ty Đại Hải bán cho ông N.Q.Đạt, nhưng năm 2018, lô đất đó lại được cấp sổ đỏ đứng tên ông D.N.Trung; nền số 4, lô P do vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai và ông Nguyễn Khoa đứng tên trên hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, thì ngày 22/6/2018 lại được cấp sổ đỏ cho bà B.T. Phương. Trong khi đó, người dân mua nền từ lâu thì không có sổ đỏ.

Tất cả dẫn tới hậu quả, không chỉ hàng trăm cư dân Khu dân cư Hiệp Bình Chánh mất ăn, mất ngủ vì lo mất tài sản, mà đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, khi đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa cư dân và những người đòi đất. Đó là chưa nói, số tiền thiệt hại trong vụ việc này theo xác minh ban đầu đã lên tới hơn 500 tỷ đồng, buộc Công an quận Thủ Đức (cũ) phải chuyển hồ sơ lên Công an TP.HCM để điều tra xử lý vì quá thẩm quyền.

Cư dân Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh viết thư cảm ơn Báo Đầu tư

Sau khi Công an TP.HCM bắt ông Ngô Xuân Trường, mới đây cư dân Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh đã viết thư cảm ơn cơ quan chức năng, báo chí nói chung và Báo Đầu tư nói riêng về việc dũng cảm phanh phui sai phạm. Bức thư còn khẩn thiết nói: “Chúng tôi mong các cơ quan bảo vệ pháp luật mở rộng điều tra làm rõ hành vi của các ông L.Q.L, L.H.B (xin được viết tắt tên), Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải, Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà, các ngân hàng liên quan để chúng tôi không còn là “con tin” của các ngân hàng và tránh thất thoát tiền của Nhà nước tại các ngân hàng”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại