Bản tin thị trường hàng hóa ngày 29/04/2022
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/04 nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng vẫn giữ được sắc xanh trong khi nhóm kim loại giảm giá mạnh trước các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc.
Nhóm Nông sản
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 5, giá ngô tăng nhẹ 0,15% và dầu đậu tương tăng 2,22% trước sự khan hiếm chung trên toàn cầu. Trái ngược với đó giá các mặt hàng còn lại của họ đậu và lúa mì đều chứng kiến mức giảm giá. Nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine và ảnh hưởng từ báo cáo xuất khẩu ngày hôm qua.
Giá đậu tương giảm ở mức vừa phải do các thương nhân kỳ vọng diện tích trồng đậu tương tăng trong năm nay, cùng với đó dữ liệu xuất khẩu mờ nhạt từ USDA hôm qua đã tác động lên giá mặt hàng này. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 8,25 cent xuống 16,8450 USD.
Sản lượng xuất khẩu của Lúa mì trong niên vụ 2021-2022 đạt thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích so với năm ngoái, với 620,8 triệu giạ.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cáo buộc Nga ăn cắp ngũ cốc tại các khu vực mà nước này đã chiếm đóng. “Việc cướp bóc ngũ cốc từ khu vực Kherson, cũng như việc chặn các chuyến hàng từ các cảng của Ukraine và việc khai thác các tuyến đường vận chuyển đang đe dọa an ninh lương thực của thế giới”.
Theo Bill Biedermann, chiến lược gia phòng ngừa rủi ro của AgMarket.Net, báo cáo cung và cầu tháng 5 sắp tới có thể là “báo cáo giảm giá nhất mà chúng ta sẽ thấy trong năm nay trừ sự kiện Thiên nga đen về phía cầu”.
Nhóm Nguyên liệu công nghiệp
Dữ liệu từ hiệp hội thương mại UNICA cho thấy sản lượng đường ở Trung tâm phía Nam của Brazil trong hai tuần đầu tiên của niên vụ 2022-23 giảm 79,99% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 126.627 tấn. Con số này thấp hơn kỳ vọng 278,900 tấn từ các nhà phân tích được khảo sát bởi S&P Global Commodity Insights.
Cũng theo UNICA, các nhà máy ở CS Brazil đã nghiền 5,19 triệu tấn mía trong nửa đầu tháng 4, giảm 66,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Những yếu tố này đã hỗ trợ cho đà tăng của giá đường tiếp tục trong phiên giao dịch hôm qua 28/04.
Các mặt hàng khác trong nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng đồng loạt tăng giá trong phiên giao dịch ngày 28/04.
Nhóm Kim loại
Giá vàng và giá bạch kim đã lấy lại sắc xanh, đóng cửa tăng lên lần lượt là 1.894,3 USD/ounce và 911,1 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc giảm mạnh 1,4% về 23,1 USD/ounce.
Có thể thấy, các mặt hàng kim loại quý dù khôi phục được sắc xanh nhưng mức tăng cũng có phần rất khiêm tốn, bởi sức ép kép đến từ thị trường chứng khoán Mỹ và việc đồng USD mạnh lên. Dòng vốn đang phân bổ lại vào các thị trường rủi ro khiến cho cả ba chỉ số chính là S&P500, Nasdaq và Dow Jones đồng loạt tăng điểm. Đồng Bitcoin cũng đang tiến về mức 40.000 USD.
Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng USD với một rổ gồm các đồng tiền lớn khác, cũng tăng lên 103,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017, thời điểm đầu trong chu kỳ tăng lãi suất kéo dài tới năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Triển vọng của thị trường kim loại quý trở nên khá tiêu cực vì vai trò trú ẩn bị thất thế trước tính thanh khoản cao của đồng bạc xanh và mức lợi nhuận hấp dẫn đến từ thị trường chứng khoán.
Trong phiên hôm qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích khác của FED, tăng 7% so cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ số PCE (lõi) trừ thực phẩm và năng lượng chỉ tăng 5,2% và thấp hơn so với dự báo. Đây vẫn là một mức đáng báo động và có thể sẽ củng cố quan điểm thắt chặt tiền tệ của FED.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm 1% về 4,41 USD/ounce, trái lại, giá quặng sắt tăng 0,8% lên 142,05 USD/tấn. Mức tăng này có phần khiêm tốn với giá quặng sắt và không nói lên nhiều điều về khả năng hồi phục của thị trường sau khi đánh mất mốc 150 USD.
Trong bối cảnh nhà tiêu thụ số một thế giới Trung Quốc vẫn đang chống chọi với dịch bệnh, triển vọng tiêu thụ của đồng và quặng sắt đều thiếu khả quan. Nhiều thành phố lớn như Hàng Châu, hay thành phố cảng Tần Hoàng Đảo cũng tiến hành siết chặt các biện pháp kiểm soát để ngăn kịch bản bùng phát dịch như ở Thượng Hải.
Ngoài ra, việc GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, tăng trưởng âm trong quý I, làm dấy lên lo ngại về áp lực giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cũng là một yếu tố khác kìm hãm sức mua với các mặt hàng kim loại cơ bản.
Nhóm Năng lượng
Dầu thô tăng giá mạnh, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng gần 3,3% lên 105,36 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,2% lên 107,26 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho biết sẽ nỗ lực để nâng sản lượng bù đắp cho sự sụt giảm từ Nga, tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, trong ngắn hạn, chắc chắn thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Đà tăng cũng được hỗ trợ trước các nguồn tin cho biết các thành viên OPEC+ dự định duy trì mức tăng sản lượng ở mức thấp, chỉ 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến hết tháng 9. Dù vậy, nhiều khả năng OPEC+ cũng sẽ không thể đạt được con cả con số khiêm tốn này, khi mà trong tháng 3 nhóm vẫn đang sản xuất thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với hạn mức đặt ra. Các vấn đề về bảo trì, bất ổn nội địa cũng khiến việc sản xuất dầu của các thành viên trở nên khó khăn.
-------------------------------
Công ty CP đầu tư và công nghệ FTV – Thành viên Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam
Tầng 11, tòa nhà ViwaSeen, 48 Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Website: hanghoa24.com
Hotline: 0983.668.883
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận