Bản tin MXV 23/5: Giao dịch sôi động ở nhóm kim loại và năng lượng
Kết thúc tuần giao dịch 16 – 22/5, chỉ số MXV-Index phục hồi trở lại và lấy lại phần lớn mức giảm của tuần trước đó.
Đáng chú ý nhất là mức tăng đến gần 4% của nhóm kim loại, đã giúp MXV-Index đóng cửa tuần với mức tăng 0,9% lên 3.001,25 điểm.
Theo Khối Quản lý Giao dịch của MXV, diễn biến tích cực của thị trường đã giúp cho giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần vừa rồi tăng gần 20% lên mức 7.200 tỉ đồng mỗi phiên. Đây cũng là tuần giao dịch sôi động nhất của thị trường nội địa kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Các mặt hàng kim loại đồng loạt bứt phá
Sắc xanh phủ kín toàn bộ các mặt hàng kim loại trong tuần vừa rồi. Giá vàng tăng 1,91% sau 4 tuần giảm liên tiếp, đóng cửa ở mức 1.845,68 USD/ounce. Giá bạc tăng 3,2% và đang dần lấy lại mốc 22 USD/ounce sau khi đánh mất khoảng 18% trong một tháng qua. Trong khi đó, nhờ vùng hỗ trợ cứng 900 USD/oune, giá bạch kim đã khôi phục sắc xanh với mức tăng 1,12% lên 941 USD/ounce.
Nhóm kim loại quý được hưởng lợi chủ yếu do đồng Dollar Mỹ ghi nhận tuần suy yếu đầu tiên kể từ cuối tháng 3 năm nay, đã làm giảm áp lực đối với chi phí nắm giữ vật chất. Lo ngại về lạm phát xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và sự không chắc chắn về những hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai đã thúc đẩy vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp phong toả và nỗ lực của Chính phủ trong việc khôi phục nền kinh tế cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của bạc và bạch kim, vốn là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của các ngành công nghiệp ô tô và năng lượng tái tạo.
Nhóm kim loại cơ bản cũng có một tuần tích cực khi cả đồng COMEX và quặng sắt đều khôi phục sắc xanh sau 4 tuần giảm liên tiếp, với mức tăng lần lượt là 2,4% lên 4,27 USD/pound và 5,59% lên 134,07 USD/tấn. Tương tự như nhóm kim loại quý, đồng USD suy yếu cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại cơ bản.
Ngoài ra, tình dịch dịch bệnh có phần tích cực tại Trung Quốc và các chính sách kích thích kinh tế đang hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng và quặng sắt. Tồn kho đồng khu vực ngoại quan giảm 12.300 tấn trong tuần vừa qua, trong khi tồn kho đồng tại các thị trường lớn của Trung Quốc giảm 6.900 tấn.
Mặc dù dịch vụ hậu cần vận chuyển bên ngoài thành phố Thượng Hải vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nhưng lượng đồng nhập khẩu tại đây cũng đã tăng lên. Điều này phản ánh nhu cầu cho sản xuất đang dần được cải thiện và tâm lý tích cực của các nhà đầu tư đối với thị trường kim loại cơ bản trong tương lai.
Giá dầu giữ vững mốc 110 USD
Giá dầu cũng tăng trở lại trong tuần giao dịch kết thúc 22/05, khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung một lần nữa trở thành yếu tố chủ đạo dẫn dắt thị trường trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Nga gia tăng. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,52% lên 110,28 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 0,9% lên 112,55 USD/thùng.
Việc ngày càng nhiều quốc gia EU ủng hộ các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga trở thành yếu tố quan trọng nhất để hỗ trợ cho giá dầu trong thời gian vừa qua. Theo ước tính từ số liệu có được năm 2019, điều này có thể làm ảnh hưởng tới khoảng 3 triệu thùng dầu thô/ngày và 2 triệu thùng sản phẩm lọc dầu/ngày từ Nga, tương đương gần 7% nguồn cung dầu thế giới.
Dù Nga đang tích cực chuyển hướng các sản phẩm sang khách hàng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tuy nhiên hầu hết giới phân tích cho rằng sản lượng dầu của Nga có thể sụt giảm 2-3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Tuy vậy, một lệnh cấm vận nặng nề như vậy nếu thực sự được áp dụng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế của Nga, và có thể khiến cho nước này thực hiện một số biện pháp “trả đũa”. Sau 5 gói trừng phạt kinh tế từ EU, Nga đã ngừng cấp khí tự nhiên cho Phần Lan trong cuối tuần trước, với lý do nước này không chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp như Nga yêu cầu.
Nguồn cung sụt giảm từ Nga khó có thể được bù đắp từ các quốc gia khác. Các thành viên tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+, mặc dù liên tục gia tăng hạn ngạch sản xuất dầu qua các cuộc họp hàng tháng, tuy nhiên năng lực sản xuất hạn chế lại khiến cho sản lượng thực tế thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày so với kế hoạch.
Trong khi đó, tại Mỹ, theo dữ liệu của hãng cung cấp dịch vụ Baker Hughes, dù số giàn khoan dầu khí tại nước này tăng liên tục 9 tuần lên 728 chiếc, cũng khó có thể giúp cho sản lượng tại đây bù đắp được lượng thiếu hụt từ Nga.
Mặt khác, nhu cầu có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên khi nước Mỹ sắp bước vào mùa lái xe bắt đầu vào ngày Lễ Tưởng niệm 30/05, khi nước Mỹ bước vào đợt nghỉ cuối tuần kéo dài. Tại Trung Quốc, chính phủ Thượng Hải kỳ vọng sẽ tiến hành dỡ bỏ phong tỏa để trở về “cuộc sống bình thường” kể từ ngày 01/06.
Bắt đầu từ tuần này, một số hoạt động như xe cá nhân và taxi, vài phương tiện giao thông công cộng được bắt đầu vận hành trở lại, khi thành phố nới lỏng một số biện pháp kiểm dịch. Thượng Hải đã bắt đầu tiến hành hạn chế đi lại kể từ ngày 27/03. Với vai trò là 2 quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, gần 34 triệu thùng dầu/ngày, các tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ khởi sắc là một yếu tố tích cực lớn thúc đẩy giá dầu gia tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận