24HMONEY đã kiểm duyệt
27/12/2021
Bản tin hàng hóa ngày 27/12: Thị trường hàng hóa chìm trong sắc xanh tuần Giáng sinh
Thị trường hàng hóa có một tuần lễ đón Giáng sinh chìm ngập trong sắc xanh với mức tăng điểm vượt trội đến từ các hàng hóa như khô đậu tương và lúa mì nhờ vào các yếu tố cơ bản đóng vai trò là lực hỗ trợ chính.
Điều kiện thời tiết khô hạn tại các khu vực trồng đậu tương và ngô chính tại Nam Mỹ cũng đẩy giá ngô và giá đậu tương tăng hơn 2%. Thông tin về biến chủng Omicron không còn là mối lo ngại chính đối với thị trường dầu thô, giá đường cũng được hỗ trợ lớn từ giá dầu thô mặc dù các thông tin cơ bản không hỗ trợ. Các đơn hàng thu mua dầu đậu tương của Ấn Độ đã tạo lực đỡ cho giá dầu đậu tương trong tuần vừa qua.
Một số tin tức đáng chú ý:
- Chỉ Số Giá Cả của Chi Phí Tiêu Dùng Cá Nhân (PCE) tại Mỹ tháng 11, được công bố trong tháng 12 là + 0.5% so với tháng trước đó. Con số này cao hơn dự kiến là 0.4% và bằng mức tăng trưởng trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm trước, con số tăng trưởng là 4.7%, cao hơn dự báo là 4.5% và cao hơn mức của chỉ số tháng trước so với cùng kỳ năm trước (+4.2%). Điều này đã tạo nên động lực cho đồng USD tăng giá, do thể hiện mức lạm phát tăng cao so với tháng trước.
- Các đội ngũ nghiên cứu từ Châu Phi, Scotland và Anh đã đưa ra kết luận rằng các ca nhiễm Omicron thường sẽ nhẹ hơn và để lại ít biến chứng hơn các chủng virus khác. Các nhà chính quyền Nam phi đã tuyên bố rằng giai đoạn đỉnh điểm của các ca lây nhiễm từ chủng này đã qua đi.
- Lần đầu tiên sản lượng kinh tế thế giới sẽ vượt trên 100 nghìn tỷ đô la vào năm tới và Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến trước đây để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Công ty tư vấn Cebr của Anh dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới tính theo đồng đô la vào năm 2030. Ấn Độ có vẻ sẽ vượt qua Pháp vào năm tới và sau đó là Anh vào năm 2023 để giành lại vị trí là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
- Hôm thứ Bảy, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp của người mua nhà và cam kết thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nước này. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp của ủy ban chính sách tiền tệ quý IV, là dấu hiệu mới nhất cho thấy các cơ quan quản lý Trung Quốc đang nới lỏng một chút các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản để ngăn chặn các khó khăn hiện tại.
1. NHÓM NĂNG LƯỢNG
Các chuyên gia nhận định rằng người tiêu dùng ở Anh – quốc gia đã và đang áp dụng chính sách giá trần cho các dịch vụ tiện ích, sẽ có thể phải trả hoá đơn điện cao hơn 50%, sau khi các thay đổi về luật lệ giá trần được áp dụng vào đầu năm sau. Trong tháng này, giá khí tự nhiên giao ngay ở Châu Âu đã tăng gấp đôi và gấp 15 lần mức giá ở Mỹ. Giá hợp đồng ký trước 1 tháng cho khí tự nhiên ở Hà Lan chạm mốc đỉnh điểm 184.95 euros/Megawatt giờ vào thứ ba, tăng 800% so với con số đầu năm 2021, trong khi mức tăng ở Đức rơi vào khoảng 500% trong cùng kỳ.
Trong Bản Báo Cáo Dầu Thô hằng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu sử dụng xăng và nhiên liệu hóa lỏng toàn cầu sẽ tăng thêm 3.3 triệu thùng một ngày lên mức 99.5 triệu trong năm sau. Bất chấp biến chủng Omicron đang lan rộng. OPEC sẽ không thay đổi dự báo nhu cầu năm 2022 trong báo cáo tháng này và cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trên toàn thế giới năm tới, dẫn đầu bởi các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống Nord Stream 2 dưới Biển Baltic sẽ dẫn đến việc giảm giá khí đốt ở châu Âu. Nord Stream 2 sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2022, bất chấp sự phản kháng từ Mỹ và một số quốc gia bao gồm Ba Lan và Ukraine, những nước cho rằng việc này sẽ làm tăng đòn bẩy chính trị của Nga đối với châu Âu.
2. ĐƯỜNG
Sau 2 mùa vụ khô hạn liên tiếp, những cơn mưa đang trở lại những vùng trọng điểm sản xuất đường trong mùa vụ 2021/22. Cụ thể, trong thời gian cây mía đường phát triển, lượng mưa tại các vùng sản xuất đường đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vào thời tiết thuận lợi, sản lượng đường của Thái Lan được dự đoán sẽ tăng khoảng 1.5 triệu tấn (16.7%) lên mức 10.5 triệu tấn. Xuất khẩu đường của Thái cũng được dự đoán sẽ tăng gấp đôi (từ 3.7 triệu tấn lên 7.5 triệu tấn) do sản lượng tăng và giá đường thế giới đang ở mức cao.
Tại Banglasdesh, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp là Minister Nurul Majid Mahmud Humayun cho biết sẽ không có nhà máy đường nào đóng cửa mãi mãi, các nhà máy đường sẽ sớm được hoạt động trở lại. Trong năm trước, chính phủ quốc gia này đã đóng cửa 6 trong số 15 nhà máy đường do nhà nước quản lý để giảm bớt các thiệt hại cho chính phủ. Trong thời gian tới các nhà máy được sẽ được mở cửa trở lại sau khi được hiện đại hóa và chính phủ sẽ cung cấp các hỗ trợ tối đa tới các nhà sản xuất mía đường.
3. ĐẬU TƯƠNG
Giá khô đậu tương CBOT tăng cao trong tuần vừa qua, chạm mốc cao nhất kể từ tháng 6 do hỗ trợ mạnh từ nhu cầu nội địa của các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Mỹ tăng cao vào cuối năm, cộng thêm việc các nhà máy nghiền đậu tương ở Argentina chỉ hoạt động dưới công suất yếu khoảng 51% do biên lợi nhuận âm kéo dài. Đồng thời, giá thịt lợn kỳ hạn hồi phục mạnh trong hai ngày qua và việc thiếu hụt lysine tiếp tục kéo dài cũng là lí do góp phần cho giá khô đậu tương bị đẩy lên cao.
Bên phía các nhà xuất khẩu của Argentina dự kiến sẽ xuất xưởng tổng cộng 7.3 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 2021/22, tăng gần 33% so với lượng xuất khẩu 5.5 triệu tấn trong niên vụ trước, nó cũng tăng 9% so với mức trung bình 6.7 triệu tấn trong 5 năm qua, theo báo cáo của Rosario Grain Exchange (BCR). BCR dự kiến tổng sản lượng đậu tương trong niên vụ 2021/22 sẽ đạt 49 triệu tấn, tăng so với 45 triệu tấn trong chu kỳ 2020/21. Ngoài ra BCR cũng cho biết ngành công nghiệp trong nước sẽ hấp thụ tổng cộng 38.5 triệu tấn đậu tương trong cả chu kỳ, giảm so với 39.5 triệu tấn của chu kỳ trước.
Bên cạnh đó, thiếu hụt lysine trên thị trường cũng đẩy giá khô đậu tương tăng cao. Theo ghi nhận từ Cục hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc- thị trường xuất khẩu lysine lớn nhất của Mỹ, chỉ cung cấp được 31,759 tấn lysine cho quốc gia này do nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã ngừng việc cung cấp sản phẩm trên, tương đương giảm 13.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho đến khoảng đầu năm 2022, giá khô đậu tương được tin rằng sẽ còn tiếp tục được hỗ trợ, do nhu cầu nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng cao ở các quốc gia chuyên nhập khẩu như Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan.
4. LÚA MÌ
Xuất khẩu lúa mì của Argentina sẽ đạt 14.7 triệu tấn trong chu kỳ hiện tại, tăng so với xuất khẩu lúa mì là 10.8 triệu tấn trong niên vụ 2020/21 và cũng tăng so với mức xuất khẩu trung bình là 11.7 triệu tấn trong 5 năm qua. Ban thương mại Rosario (BCR) thuộc Argentina cũng dự báo sản lượng lúa mì là 22.1 triệu tấn, tăng 30% so với 17 triệu tấn của năm 2020/21. Báo cáo dự kiến xuất khẩu nông nghiệp sẽ đạt 37.5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 536 triệu USD so với ước tính tháng 11.
Chính phủ Nga đã tăng thuế xuất khẩu cho 2 tuần 29/12 đến 11/01/2022 lên mức 94.9 USD/tấn,tăng 0.90 USD/tấn so với mức của tuần này. Mức thuế được ước tính bởi Hội đồng xuất khẩu và công bố bởi Sơ giao dịch Ngũ cốc Moscow (MOEX), dựa trên chênh lệch giá sàn và giá của chỉ số thả nổi. 70% mức thuế sẽ được trả bởi các nhà xuất khẩu lúa mì ở Nga.
5. NGÔ
Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA điều chỉnh ước tính nhập khẩu ngô của Philippines thêm 500,000 tấn, đạt tổng cộng 1.2 triệu tấn cho niên vụ 21/22 sau khi khảo sát chất lượng gieo trồng nội địa tại nước này.
Còn tại Argentina, BCR dự báo xuất khẩu ngô tổng thể của Argentina là 41.1 triệu tấn trong vụ mùa hiện tại, chỉ tăng 3% so với mức 39.9 triệu tấn trong năm niên vụ trước nhưng cao hơn đáng kể so với 32.3 triệu tấn trung bình 5 năm. Sản lượng ngô dự kiến sẽ đạt 57.1 triệu tấn vào năm 2021/22, cao hơn mức 52 triệu tấn trong vụ trước và cũng cao hơn đáng kể so với mức trung bình 45.6 triệu tấn của 5 năm. Trong khi đó, các ngành công nghiệp trong Argentina được dự báo sẽ chế biến tổng cộng 3.5 triệu tấn ngô trong chu kỳ 2021/22, gần như không đổi so với niên vụ trước.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
Bình luận