24HMONEY đã kiểm duyệt
24/01/2022
Bản tin hàng hóa ngày 24/01: Kỳ vọng sự trở lại của Trung Quốc, giá ngô CBOT tăng mạnh vào cuối tuần
Trong ngày 21/01 hàng hóa có một phiên giao dịch giảm mạnh giữa các mặt hàng ngoại trừ ngô.
Giá lúa mì gặp áp lực bán mạnh sau nhiều phiên tăng vọt, nhưng các căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn là yếu tố rủi ro tăng giá. Trong khi đó, các thách thức về thời tiết tại khu vực Brazil và Argentina có thể sẽ giảm bớt vào cuối tháng 1 đã tạo áp lực lên giá ngô và đậu tương. Tuy nhiên các thông tin về việc Trung Quốc quay trở lại thị trường nông sản Mỹ đã tạo lực đỡ cho giá không giảm sâu, giá ngô thậm chí tăng cao. Giá dầu cũng có phiên điều chỉnh khi OPEC+ tiếp tục đấu tranh để nâng sản lượng dầu, kép theo sự sụt giảm nhẹ đối với giá đường.
Một số tin tức chung đáng chú ý:
- Các nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ hướng thị trường tới mức tăng lãi suất tháng Ba lên 0.25%. Nền kinh tế cũng sẽ là trọng tâm với cái nhìn đầu tiên về GDP quý IV vào thứ Năm và dữ liệu chỉ số tiêu dùng cá nhân của ngày thứ Sáu. Các nhà đầu tư sẽ tập trung lắng nghe để biết Fed lo lắng như thế nào về lạm phát khi Chủ tịch Jerome Powell tóm tắt trước giới truyền thông vào chiều thứ Tư sau khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đưa ra tuyên bố. Lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục cao hơn một bậc vào đầu tuần trước nhưng đã giảm trở lại vào cuối tuần. Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã chạm 1.9% vào giữa tuần trước khi giảm trở lại 1.76% vào thứ Sáu.
- Thủ tướng Trung Quốc ông Lý Khắc Cường cho biết sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế một các hợp lý khi quốc gia này đang đối diện với những áp lực mới nhưng sẽ có kiểm soát. Cố vấn nội các Trung Quốc - Zhu Guangyao cho biết tăng trưởng kinh tế 2022 của nước này có thể đạt 5.5%.
- Cuộc đối thoại Nga và Mỹ chưa đi đến hồi kết. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sẽ tiếp tục hội đàm với Mỹ về các yêu cầu an ninh của Moscow và họ vẫn chờ các phản hồi từ phía Nhà trắng vào tuần tới.
1. NHÓM NĂNG LƯỢNG
Reuters cho biết, sự tuân thủ của OPEC + đối với việc cắt giảm sản lượng dầu đã tăng lên khoảng 122% trong tháng 12, cho thấy một số thành viên tiếp tục đấu tranh để nâng sản lượng. Con số tháng 12 là 117% so với tháng 11. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, tập đoàn này đã bỏ lỡ mục tiêu sản xuất 790,000 thùng / ngày (bpd) trong tháng 12 khi các thành viên như các nhà sản xuất Tây Phi Nigeria và Angola gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ EIA cho biết trong báo cáo tuần này là các nhà sản xuất đã khoan được 635 giếng và hoàn thành 876 giếng trong các lưu vực đá phiến lớn nhất trong tháng Chín. Điều đó khiến tổng số giếng khoan nhưng chưa hoàn thành giảm 241 xuống còn 5,385, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2017. Nhìn chung, sản lượng dầu thô từ các thành tạo đá phiến chính sẽ tăng 105,000 thùng / ngày lên 8.54 triệu thùng vào tháng 2, cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Ngoài ra, trong khi các quốc gia khác đang bị kẹt lại trong cuộc đàm phán hạt nhân với Iran thì Trung Quốc đã tăng cường mua dầu Iran. Trung Quốc đang chuyển gần 4 triệu thùng dầu thô của Iran và kho dự trữ quốc gia tại thành phố cảng Trạm Gaing trong vài tuần qua, các chuyên gia theo dõi tàu Vortexa Analytics đã cho biết thông tin trên. Động thái cũng diễn ra trước kế hoạch giải phóng kho dầu dự trữ trong nỗ lực phối hợp với Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn khác nhằm hạ nhiệt giá dầu, nhưng Trung Quốc không có bình luận chính thức.
2. ĐƯỜNG
Mùa ép mía ở Maharashtra đang ở đỉnh điểm với 193 nhà máy đường tham gia vào hoạt động ép mía. Có tổng cộng 96 nhà máy hợp tác và 97 nhà máy tư nhân đang hoạt động ở Maharashtra trong mùa này. Các nhà máy đã sản xuất 629,82 vạn tạ đường bằng cách ép 633,77 vạn tấn mía với tỷ lệ thu hồi 9.94%, tính đến ngày 20 tháng 1 năm 2022.
3. ĐẬU TƯƠNG
Báo cáo mới nhất của cơ quan nhà nước Emater/RS-Ascar cho thấy việc gieo hạt đậu tương ở Rio Grande do Sul của Brazil đã tăng 2 điểm phần trăm trong tuần kết thúc vào ngày 20 tháng 1 và đạt 97%. Việc trồng trọt đã được hoàn thành vào cùng kỳ năm ngoái, nhưng sự chậm trễ là do đất thiếu độ ẩm do hạn hán. Thời tiết cực kỳ nóng, khô và bức xạ mặt trời cao trên toàn tiểu bang đã làm trầm trọng thêm những khó khăn trong việc phát triển cây trồng và khiến việc trồng trọt không thể tiến triển. Diện tích gieo sạ dự kiến đạt 6.3 triệu ha, tăng 3.6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng dự kiến đạt 19.9 triệu tấn, giảm 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái.
4. LÚA MÌ
Các lo ngại liên quan đến tình hình chính trị giữa Nga và Ukraine đã tác động lên giá lúa mì trong trong tuần qua, khiến giá biến động mạnh trong các phiên giao dịch. Có thể thấy, trong các tuần tiếp theo, giá lúa mì vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ rủi ro này. Một nhà kinh doanh lúa mì ở Biển Đen đã cho biết rằng lo ngại về cuộc xung đột đã làm tăng thêm sự do dự của các nhà thầu thương mại khi mở các hợp đồng kỳ hạn (forward) liên quan đến việc giao/nhận hàng thật trên thị trường lúa mì Nga.
Thuế xuất khẩu lúa mì Nga cho tuần từ ngày 26/01 đến ngày 01/02 tiếp tục giảm so với tuần trước từ mức 97.5 USD/tấn xuống còn 95.8 USD/tấn. Mặc dù thuế xuất khẩu giảm liên tiếp 2 tuần liền nhưng vẫn còn cao đến hơn 240% so với thời điểm mới áp dụng vào tháng 6.
Trong khi đó tại Mỹ, tình trạng khô hạn đối với khu vực trồng lúa mì cứng vụ đông (HRW) vẫn đem đến nhiều nỗi lo với gần như 100% khu vực đều chịu tác động của khô hạn chỉ trong ngày 21/01. Ngoài ra, Hiệp hội của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Philippines cũng đã thông báo mở thầu mua 36,000 tấn lúa mì thức ăn chăn nuôi từ Úc trong phiên hôm thứ 6 tuần vừa qua.
5. NGÔ
Thời tiết khô ráo cho phép thu hoạch ngô đạt 27%, tăng 7 điểm trong tuần ở Brazil. Cùng thời điểm này năm ngoái và trung bình trong 5 năm qua, 18% diện tích đã được thu hoạch. Trong khi việc thu hoạch được thúc đẩy, việc gieo hạt ngô tiến triển chậm và đã hoàn thành 96%, một lần nữa tăng 1% điểm hàng tuần. Trong cùng kỳ năm 2021, 97% diện tích đã được gieo sạ trong khi bình quân của giai đoạn này trong 5 năm qua là hoàn thành 99%. Emater giữ nguyên ước tính sản lượng ở mức 6.1 triệu tấn, tăng 39.2% so với năm ngoái. Diện tích dự kiến đạt 834,000 ha, cao hơn 6.9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại vẫn tiếp tục gây chú ý đến căng thẳng Nga và Ukraine trong khi đưa ra dự báo rằng các thách thức về thời tiết tại khu vực Brazil và Argentina có thể sẽ giảm bớt vào cuối tháng 1. Thị trường cũng xuất hiện tin đồn rằng Trung Quốc có lẽ đã mua 1 triệu tấn ngô từ Mỹ, nhưng thông tin chính thức vẫn chưa xác nhận.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.
Bình luận