Bản tin hàng hóa ngày 08/12: Giá đậu tương sụt giảm khi không có đơn hàng mới sang Trung Quốc
Thị trường hàng hóa tiếp tục có một phiên hồi phục tâm lý khá ấn tượng với sự dẫn đầu của giá các HĐTL dầu thô, ngoài ra việc đồng đô la Mỹ hồi phục cũng hỗ trợ cho giá dầu.
Giá đường tiếp tục tăng theo đà tăng của giá dầu thô bên cạnh tin đồn về việc Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu. Nhóm nông sản vẫn giao dịch khá thận trọng khi phần lớn giới phân tích trên thị trường nhận định mức tồn kho trong báo cáo sắp tới sẽ khá “bearish” cho thị trường. Đối với HĐTL đậu tương, mức giá trong phiên hôm qua sụt giảm thể hiện sự thất vọng khi không ghi nhận xuất bán lô lớn nào sang Trung Quốc.
- Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 22% so với năm trước, đạt mức kỉ lục 325.5 tỉ đo la Mỹ vào tháng 11, giảm mạnh so với mức tăng 27.1% hồi tháng 10. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tăng mạnh 31.7% lên mức 253.8 tỉ đô la Mỹ, so với mức tăng 20.6% của tháng 10. Thặng dư xuất-nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức 71.7 tỉ đo la Mỹ, giảm 12.8 tỉ $ so với tháng 10.
- Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ xuống 25 điểm. Theo đó, lãi suất cho vay 3 tháng, 6 tháng và 1 năm dành cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ sẽ lần lượt là 1.7%, 1.9% và 2%.
- Trong khi đó tại Mỹ, báo cáo thương mại tháng Mười cho biết quốc gia này ghi nhận thâm hụt thương mại 67.1 tỷ đô la Mỹ, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021. Xuất khẩu tăng 8.1% lên mức thấp kỷ lục là 223.6 tỷ USD, nhập khẩu khá trái chiều đạt mức 290.7 tỷ, tăng nhẹ 0.9% so với tháng trước.
- Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý 3 năm 2021 sụt giảm 3.6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn cả so với các ước tính đầu tiên là sụt giảm 3%. Khu vực tư nhân đã bị tác động mạnh bởi sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19. Các số liệu chính từ Văn phòng Nội các Nhật Bản tiêu cực hơn cả so với khảo sát từ Reuters. Trên cơ sở hàng quý, GDP Nhật Bản giảm 0.9%.
1. NHÓM NĂNG LƯỢNG
Ngày hôm qua Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO). Nội dung bản báo cáo cho thấy các dự đoán vẫn đang khá hỗ trợ cho giá. Trong báo cáo tháng này EIA hạ dự báo tiêu thụ xăng dầu xuống còn 96.9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2021, thấp hơn 620,000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Tiêu thụ quý 4 ước tính giảm từ 100.1 triệu thùng/ngày xuống còn 99.63 triệu thùng/ngày do bao gồm tác động từ biến chủng Omicron. Tuy nhiên, EIA cũng hạ dự báo sản lượng xăng dầu giảm từ 99.4 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng này xuống còn 98.7 triệu thùng/ngày. Nhìn chung, nguồn cung vẫn duy trì mức thấp hơn nhất định so với tiêu thụ, là một yếu tố hỗ trợ cho giá trong ngắn- trung hạn.
Tồn kho xăng dầu trên thế giới được ước tính giảm 1.7 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, và đà giảm sẽ chậm lại trong quý 4 với -0.9 triệu thùng so với quý 4 năm 2020. Tồn kho xăng dầu sẽ bắt đầu tăng trở lại từ quý 2 đến quý 4 năm 2022 với tăng trưởng +0.5 triệu thùng so với cùng kỳ năm 2021. Nếu các số liệu trên là đúng thì giá có thể tìm lại được mức cân bằng hơn từ quý 2 năm 2022 trở đi.
Về các yếu tố ngắn hạn, các số liệu trong báo cáo API sáng nay về tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 3.09 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 3.7 triệu thùng so với tuần trước. Các số liệu này ủng hộ cho xu hướng tăng giá của thị trường và có thể được xem là một chỉ báo sớm cho xu hướng các số liệu trong báo cáo EIA tối nay.
Đánh giá: Tích cực
2. ĐƯỜNG
Với nguồn cung dự kiến thắt chặt tại Brazil khiến cho cán cân cung cầu trên thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm trong vụ 2021/22, lượng đường từ Ấn Độ vẫn đang được chú ý, đặc biệt hiện tại đang nổi lên các tin đồn về việc quốc gia này sẽ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu.
Ấn Độ dự kiến sẽ có lượng đường kỷ lục trong năm nay nhưng việc chuyển nhiều đường hơn sang sản xuất ethanol có thể kéo lượng đường quốc gia này giảm đi 3 triệu tấn, tức là chỉ còn khoảng 31 triệu tấn đường cho vụ 2021/22. Chính vì điều này, để đáp ứng nguồn cung trong nước, Ấn Độ sẽ có thể thi hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, đã có 3.5 triệu tấn đường được ký hợp đồng xuất khẩu vụ hiện tại 2021/22 và hầu như ký kết vào lúc mức giá thế giới đang dao động từ 21-22 cents/pounds đường thô, nhưng khi mức giá thế giới giảm xuống dưới 20 cents/pounds thì các nhà máy đường Ấn Độ không ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu nữa. Nếu các thông tin về việc hạn chế xuất khẩu là đúng, thì đây sẽ là tin tác động tích cực đến giá.
Đánh giá: Tiêu cực
3. ĐẬU TƯƠNG
Trong ngày hôm qua thị trường đậu tương xoay quanh hai câu chuyện có thể khiến cho rủi ro giảm giá đối với đậu tương gia tăng. Đầu tiên là các thông tin liên quan đến các đề xuất về lượng nhiên liệu sinh học pha trộn xăng dầu trong năm 2021 và 2022 trong hôm nay sau thời gian dài trì hoãn, các đề xuất này được thực hiện bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
Nhưng theo nguồn tin từ Reuters, chính phủ cân nhắc cắt giảm mức pha trộn tối thiểu trong thời gian tới, nếu các thông tin trên là đúng, điều này sẽ mang tính chất hỗ trợ cho giá dầu thô và tác động tiêu cực tới giá đậu tương. Câu chuyện thứ hai là động lực nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, trong tối hôm qua thị trường không ghi nhận các đơn hàng lô lớn nào từ Trung Quốc, làm lo ngại rằng các đơn hàng trong thời gian gần đây chỉ là việc tận dùng mức giá thấp để thu mua.
Ngoài ra, Tổng Cục thống kê Trung Quốc công bố lượng nhập khẩu đậu tương Trung Quốc trong tháng 11 tăng 67.7% so với tháng trước lên mức 8.57 triệu tấn, so với mức 5.11 triệu tấn trong tháng 11. Tuy nhiên số lượng này vẫn ít hơn 10.6% so với tháng 11 năm ngoái (9.59 triệu tấn).
Trước thềm báo cáo WASDE tháng 12, thị trường vẫn đang đặt niềm tin về việc tồn kho đậu tương Mỹ và thế giới sẽ cao hơn so với báo cáo trước và cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này cùng với những thông tin cơ bản đã được đề cập phía trên sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường ít nhất là cho đến khi công bố báo cáo WASDE từ bộ Nông nghiệp Mỹ.
Đánh giá: Tiêu cực
4. LÚA MÌ
Thị trường lúa mì thế giới về cơ bản vẫn là một thị trường ủng hộ cho xu hướng tăng giá khi sản lượng sản xuất vẫn đang thấp hơn so với tiêu thụ. Sản lượng sản xuất tăng lên ở một số quốc gia vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở những nhà xuất khẩu chính như Nga và Mỹ.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Ukraine, lượng lúa mì xuất khẩu quốc gia này tính đến hết tuần trước đạt 14.6 triệu tấn, tăng 21% so với năm ngoái, nhờ vào sản lượng được cải thiện so với vụ trước (6.2 triệu hecta lúa mì vụ đông đã được gieo trồng cho mùa vụ 2022/2023, chiếm 94% tổng diện tích trồng lúa mì dự đoán (6.7 hecta). Tại Pháp, dự kiến diện tích trồng lúa mì cho mùa vụ 2022 của nước này sẽ giảm nhẹ. Cụ thể, diện tích trồng lúa mì mềm vụ đông của Pháp sẽ giảm 0.8% xuống còn 4.92 triệu hecta, còn đối với lúa mì cứng vụ đông thì diện tích gieo trồng sẽ giảm 1.8% xuống mức 279 nghìn hecta.
Còn Trung Quốc, sau một năm thu mua ồ ạt trên thị trường, quốc gia này đã giảm tốc độ nhập khẩu lúa mì. Tổng lượng lúa mì nhập khẩu của Trung Quốc tính từ đầu năm đến nay (tháng 11) đạt 87.65 triệu tấn, thấp hơn 5.5% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện các thông tin liên quan đến việc Trung Quốc sẽ đáp ứng hạn ngạch nhập khẩu lúa mì lần đầu tiên do việc gia tăng sử dụng lúa mì dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng vọt.
Đánh giá: Tích cực
5. NGÔ
Ngô Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn so với ngô Argentina trong thời gian gần đây, với đơn hàng 1.45 triệu tấn ngô của Hàn Quốc đặt từ Argentina cho quý 1 năm 2022- thời điểm thường là mùa bận rộn xuất khẩu cho ngô Mỹ. Xuất khẩu ngô Mỹ tính từ đầu năm đạt 9.37 triệu tấn, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm trước dù ước tính sản lượng trong niên vụ này lại cao hơn. Điều này được lí giải bằng việc mùa vụ cũ của Argentina đã kéo dài hơn mọi năm (thông thường mùa cao điểm xuất khẩu ngô của nước này là tháng 11-12 cho đến khi thu hoạch vụ mới vào tháng 3), và ngô của Argentina lại là lựa chọn ưu tiên hơn so với Mỹ đối với các nước như Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Điều này có thể tác động đến giá ngô trong ngắn-trung hạn, tuy nhiên không quá tiêu cực cho giá do vẫn nhận được sự hỗ trợ từ nhu cầu tăng cao trong việc gia tăng sản xuất ethanol ở Mỹ và Brazil.
Đánh giá: Tiêu cực
6. NHÓM KIM LOẠI
Giá đồng được kỳ vọng sẽ được hỗ trợ trong ngắn-trung hạn khi các nhà sản xuất đồng có thêm động lực gia tăng nhập khẩu, nhờ tin tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm mức dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tài chính trong nước, đồng nghĩa thị trường nội địa sẽ được bơm khoảng 188 tỷ USD để phục hồi kinh tế. Đồng thời, mức tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Thượng Hải cũng giảm 3.74% trong tuần trước, và Trung Quốc cũng nhập khẩu 510,402 tấn đồng trong tháng 11, mức cao nhất kể từ tháng 3 sau khi lượng nhập khẩu đã dần gia tăng trong 2 tháng gần đây, nhờ các chính sách nới lỏng phân bổ điện.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm tháng thứ năm liên tiếp xuống mức 4.361 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 13 tháng trở lại đây.Tuy nhiên xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại vào quý 1 năm 2022 so với quý 4 năm 2021, do chính sách xuất khẩu không còn bị thắt chặt trong thời gian tới.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận