Bản tin hàng hóa ngày 07/12: Tâm lý thị trường đường cải thiện, giá dầu thô bật tăng mạnh
Thị trường hàng hóa ngày hôm qua chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu với khá nhiều tin tức mang tính hỗ trợ trên thị trường. Giá các hợp đồng tương lai được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính, bao gồm việc Ả Rập Xê-út công bố tăng giá xuất khẩu cho hai thị trường lớn Châu Á và sự thiếu hụt nhân lực cũng như đầu tư trên thị trường Mỹ.
Trong khi đó, nhóm nông sản vẫn đang chịu áp lực khá lớn trước thềm báo cáo WASDE tháng 12 mà các dự đoán có trước báo cáo tương đối “bearish” cho thị trường. Giá đường cũng có sự hồi phục mạnh nhờ động lực tăng từ giá dầu.
Một số tin tức đáng chú ý:
- Tại phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng thêm 731 điểm lên mức 35,311 điểm, đi đầu là nhóm ngành sản xuất công nghiệp và hàng không, do mối quan ngại về biến chủng Omicron của các nhà đầu tư đã dần qua đi. Đồng Dollar vẫn tiếp tục giữ giá.
- Thứ sáu tuần trước, các quỹ đầu tư là người mua ròng hợp đồng tương lai ngô (+4,000), đậu tương (+11,000), khô đậu (+6,500) và dầu đậu (+5,000), nhưng bán ròng hợp đồng tương lai lúa mì (-6,500)
- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến hành một sự thay đổi lớn để bắt đầu loại bỏ các chính sách nới lỏng trước trận đại dịch lớn và ngân hàng trung ương có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với định giá của thị trường. Nhận định của các quan chức Fed cho thấy Fed có khả năng sẽ quyết định tăng gấp đôi tốc độ lên 30 tỷ USD/tháng tại cuộc họp vào tháng 12 vào tuần tới. Các cuộc thảo luận ban đầu cũng có thể bắt đầu ngay sau cuộc họp tháng 12 về thời điểm tăng lãi suất và mức tăng trong năm tới với các quan chức Fed sẽ đệ trình một vòng dự báo kinh tế mới và dự đoán lãi suất huy động vốn.
- James Bullard – Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang cho biết ông muốn việc mua tài sản kết thúc trong quý đầu tiên để Fed để kiểm soát tình hình lạm phát. Dữ liệu kinh tế trong tháng 11 đóng một vai trò lớn trong sự thay đổi của Fed. Chỉ số giá tiêu dùng cho thấy lạm phát cao hơn và phổ biến hơn. Điều đó làm tăng thêm lo ngại về việc giá nhà ở cao hơn có thể làm tăng CPI trong những tháng tới.
1. NHÓM NĂNG LƯỢNG
Công ty dầu quốc gia Saudi Aramco tăng giá bán tháng 1 đến các khách hàng ở châu Á và Mỹ. Động thái này được coi như một dấu hiệu về niềm tin đối với nhu cầu cơ bản về dầu thô, bất chấp việc biến chủng Covid Omicron có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu thế giới. Biến động giá này theo sau cuộc họp ngày 2 tháng 12 của OPEC+, khi khối này đồng ý tăng sản lượng dầu thô theo kế hoạch thêm 400,000 thùng/ngày trong khi vẫn đảm bảo cán cân cung-cầu. Bên cạnh đó, các thỏa thuận đàm phán hạt nhân đối với Iran vẫn chưa đi đến hồi kết, do đó việc trì hoãn gia tăng nguồn cung trở lại thị trường từ quốc gia này cũng tạo nên sự hỗ trợ cho giá dầu.
2. ĐƯỜNG
Tại Ấn Độ, chính quyền địa phương bang Gujarat cho biết sẽ sớm thông báo chính sách sản xuất ethanol, năm 2021 tại bang này, hầu như cả người nông dân và các nhà sản xuất ethanol đều nhận được lợi tích từ việc giá ethanol tăng cao. Các chính sách sẽ hướng tới việc gia tăng các tiện ích, sự phát triển và thúc đẩy việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào nội địa bằng các sản phẩm về nông nghiệp trong đó nhấn mạnh việc sử dụng ngô. Chính phủ Ấn Độ cũng thiết lập mục tiêu sẽ tăng tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng lên mức 20% trong năm 2025.
Một số thông tin khác quan trọng cũng được ghi nhận tại Ấn Độ về tiến độ mùa vụ. Ép mía đường tại Ấn Độ đang đi nửa chặn đường với phần lớn các nhà máy đường đã đi vào hoạt động. Theo Hiệp hội Các nhà máy đường Ấn Độ, các nhà máy đường tại bang Uttar Pradesh đã sản xuất được 1.039 triệu tấn đường tính đến tuần kết thúc ngày 30/11. Tại thời điểm này ghi nhận có 101 nhà máy đường hoạt động, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 111 nhà máy đường, sản lượng đường cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 1.265 triệu tấn. Còn tại bang Maharashtra tình hình có sự trái ngược với 172 nhà máy đường đi vào hoạt động và sản xuất đường 2.034 triệu tấn đường, cao hơn so với mức 1.579 triệu tấn đường mà 158 nhà máy tại bang này sản xuất đường trong vụ trước. Tại Maharashtra, sản lượng đường cao hơn là nhờ vào các nhà đường hoạt động sớm hơn và lượng mía có sẵn cũng cao hơn trong vụ hiện tại.
3. ĐẬU TƯƠNG
Trong tối ngày hôm qua, giới phân tích nhận thấy các số liệu giao hàng đậu tương của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 02/12 giảm 0.5% so với tuần trước, xuống mức 82.6 triệu giạ. Mức này vẫn cao so với dự báo từ các nhà đầu tư trong vùng từ 68 triệu đến 85.4 triệu giạ. Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu của đậu tương Mỹ trong tuần trước, với 53.8 triệu giạ. Lượng đậu tương xuất khẩu tích luỹ 866.0 triệu giạ, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tối qua thị trường cũng ghi nhận doanh số đậu tương 130,000 tấn sang Trung Quốc.
Ngoài ra, giới phân tích cũng dành sự quan tâm nhất định tới vụ đậu tương 2021/22 đang diễn ra khá nhanh đã hoàn thành 94%, so với 90% cùng kì năm ngoái. Mặc dù lượng mưa có thấp hơn tại một số vùng trồng trọt, nhưng sản lượng dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục. Các nhà phân tích trên thị trường cũng nhận định lượng đậu tương từ Brazil sẽ khá dồi dào trong vụ 2021/22. Trước thềm báo cáo WASDE, các nhà phân tích ước tính sản lượng đậu tương của Brazil mùa vụ 2021/22 đạt mức 5.283 tỉ giạ, Argentina đạt mức 1.815 tỉ giạ.
Với yếu tố trên cùng với chi phí vận chuyển đang cạnh tranh hơn sẽ khiến cho các chuyến hàng đậu tương Mỹ sang Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong năm nay so với năm ngoái phần lớn là do Brazil phục hồi sau vụ chậm trễ thu hoạch năm ngoái. Nguyên nhân chính là do sự chậm trễ vận chuyển ra khỏi các cảng của Mỹ vào đầu mùa hè này sau thiệt hại của cơn bão Ida.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại thương Brazil, lượng đậu tương xuất khẩu trong 3 ngày đầu tiên của tháng 12 đạt mức 11.53 triệu giạ, nhiều hơn lượng xuất khẩu của cả tháng 12/2020 (10.07 triệu giạ). Điều này khẳng định nhu cầu đậu tương Brazil từ các nước khác, đặc biệt là từ Trung Quốc đang rất cao.
4. LÚA MÌ
Trong tối qua, báo cáo giao hàng lúa mì của Mỹ giảm 37% so với tuần trước ở mức 9.0 triệu giạ. Hàn Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất, 9.0 triệu giạ. Hàn Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất, với 2.7 triệu giạ. Lượng lúa mỳ xuất khẩu tích luỹ của năm 2021/2022 đạt mức 409.6 triệu giạ, thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Nhìn chung xu hướng bán và giao hàng lúa mì của Mỹ không có sự cải thiện. Đặc biệt là lực mua từ Trung Quốc không còn mạnh như niên vụ trước khi Bắc Kinh chủ động hơn trong việc cung ứng nội địa bằng nhiều biện pháp gia tăng sản lượng khác nhau.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng lúa mì năm 2021 đạt 136.9 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước với diện tích trồng lúa mì tăng 0.8% so với năm trước ở mức 23.6 héc-ta và năng suất cũng tăng mạnh 1.2% so với năm trước ở mức 5,811 kg/ha.
Các vấn đề về xuất khẩu lại quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Nga cũng đang thu hút được sự chú ý từ giới đầu tư. Theo Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Nga thì tính đến ngày 02/12, xuất khẩu lúa mì Nga tiếp tục ổn định ở mức 800 nghìn tấn, đưa xuất khẩu lúa mì từ đầu vụ đạt 18.8 triệu tấn, thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài. Trước khi có các dữ liệu chính thức, Sovecon, tổ chức tư vấn và nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp ở biển Đen, cho rằng xuất khẩu lúa mì của Nga trong tháng 11 thấp hơn khoảng 6.3% so với tháng 10.
5. NGÔ
Giao hàng ngô Mỹ ghi nhận trong tối qua giảm 6% so với tuần trước, đạt 29.8 triệu giạ, lượng giao hàng ngô phù hợp với dự đoán từ thị trường trong vùng từ 23.6 đến 39.4 triệu giạ. Mexico là nước nhập khẩu nhiều nhất, với 15.0 triệu giạ. Lượng ngô xuất khẩu tích luỹ của năm 2021/2022 đạt mức 369.2 triệu giạ, ngày càng thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Lượng xuất bán ngô Mỹ tiếp tục sụt giảm mà nguyên nhân chính có thể thấy là Trung Quốc không còn mặn mà trong việc thu mua ngô Mỹ, thay vào đó Bắc Kinh chuyển sang thu mua từ Ukraine, việc phân tích báo cáo bán hàng từ Mỹ sẽ cho thấy rõ điều này.
Bên cạnh đó, các động thái giảm nhập khẩu từ Trung Quốc khi quốc gia này đang dần tự chủ nguồn cung nội địa hơn về ngũ cốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bằng nhiều biện pháp khuyến khích. Cục thống kê của chính phủ Trung Quốc thông báo sản lượng ngô nước này sẽ tăng thêm 4.6% trong năm 2021 lên mức 272.6 triệu tấn. Diện tích trồng ngô nước này tăng thêm 5% trong năm nay, tuy nhiên năng suất lại giảm 0.4% do lũ lụt tại một số vùng sản xuất ngô quan trọng.
Giá ngô tiếp tục tăng trên thị trường Brazil, được thúc đẩy bởi tình hình thời tiết khô hạn ở các khu vực sản xuất vụ mùa. Ngoài ra, việc đồng đô la Mỹ tăng giá so với đồng Real đã củng cố giá ngô tại các cảng của Brazil trong những ngày qua. Trong tháng 11, Brazil đã xuất khẩu 2.4 triệu tấn ngô, nhiều hơn 41% so với lượng ngô xuất khẩu trong tháng 10, nhưng giảm 51% so với tháng 11, theo Secex. Trong vụ mùa hiện tại (tháng 2 - tháng 11), Brazil đã xuất khẩu 14.72 triệu tấn ngô, giảm 48% so với vụ trước. Mặt khác, nhập khẩu tổng cộng tháng 11 đạt 621 nghìn tấn, nhiều hơn 23% so với tháng 10 và tăng 197% so với tháng 11/20. Trong niên vụ hiện tại, Brazil đã nhập khẩu 2.42 triệu tấn, nhiều hơn nhiều so với mức 929 nghìn tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận