Bản tin hàng hóa ngày 02/12: Ép dầu đậu tương Mỹ tăng 20% thúc đẩy giá đậu tương hồi phục
Thị trường hàng hóa tiếp tục có một phiên giao dịch đầy biến động mà các chủ đề được tập trung quan tâm vẫn là chủng Coivd-19 Omicron. Trong đó, chịu sức ép lớn nhất vẫn các HĐTL dầu thô, mức sụt giảm tồn kho thương mại của Mỹ trong tuần trước không đem đến nhiều sự hỗ trợ cho thị trường.
Giá đường biến động khá đáng kể trong phiên, nhưng nhìn chung mức giá đóng của không có sự thay đổi lớn so với ngày trước đó, tâm lý thị trường vẫn còn tương đối giằng co. Ngược lại, giá các HĐTL nhóm nông sản có sự hồi phục nhẹ, cho thấy tâm lý thị trường đã có sự cải thiện.
Một số tin tức đáng chú ý:
- Trường hợp đầu tiên được biết đến của biến thể Omicron ở Mỹ được xác định là ở một cư dân San Francisco mới trở về từ Nam Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDD) và các quan chức y tế California cho biết. CDC cho biết hôm thứ Tư rằng bệnh nhân này trở lại California vào ngày 22/11 và đã được tiêm phòng đầy đủ trước đó. Điều này đã dẫn đến một phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Tư trên thị trường chứng khoán Mỹ
- Chỉ số PMI sản xuất thế giới đạt mức 54.2 so với mức 54.3 của tháng trước. Sản lượng sản xuất đã tăng trong tháng thứ mười bảy liên tiếp. Tỷ lệ mở rộng tăng nhanh ở Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản. Trong khi khó, Trung Quốc cũng đã quay trở lại tăng trưởng sau chuỗi ba tháng giảm. Triển vọng đối với lĩnh vực sản xuất toàn cầu cũng vẫn còn tích cực trong tháng 11. Các công ty được khảo sát dự báo rằng sản lượng sẽ cao hơn trong một năm kể từ bây giờ.
- Khối OECD nâng dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2022 so với dự báo đưa ra tháng 9, dự báo lạm phát của Mỹ sẽ là 4.4% và khu vực Châu Âu là 2.7%. Điều này khiến cho thị trường càng tin chắc vào công cuộc nâng lãi suất của FED sẽ sớm xảy ra, hỗ trợ cho giá đồng USD và ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường
- Báo cáo Thay đổi Việc làm Phi nông nghiệp Mỹ ADP công bố 1/12 là 534,000, cao hơn nhẹ so với con số 525,000 dự báo từ thị trường nhưng thấp hơn so với con số 571,000 tháng trước, điều này tác động tiêu cực lên đồng USD tuy nhiên không quá sâu do được hỗ trợ mạnh từ niềm tin Mỹ sắp sửa tăng lãi suất và đẩy mạnh cắt giảm thu mua trái phiếu.
1. NHÓM NĂNG LƯỢNG
Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp OPEC đã nhóm họp hôm nay lần thứ 57 để thảo luận về các diễn biến thị trường dầu thô để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 35 của JMMC và Hội nghị Cấp Bộ trưởng lần thứ 23 dự kiến diễn ra vào ngày mai 02/12/2021. Biến thể mới đã làm phức tạp quá trình ra quyết định của nhóm OPEC +, việc họp trong tuần này để sẽ quyết định xem liệu nhóm này có tiếp tục bổ sung 400,000 thùng/ngày cung cấp cho các thị trường hay không. Một số chuyên gia suy đoán rằng OPEC+ có thể tạm dừng việc gia tăng trong nỗ lực làm chậm tăng trưởng nguồn cung, hiện dự kiến sẽ dư 3.8 triệu thùng/ngày vào tháng 03/2022, theo một báo cáo nội bộ của Reuters.
Bên cạnh đó, ngày hôm qua Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố mức tồn kho tuần kết thúc ngày 26/11 năm 2021 giảm 0.91 triệu thùng so với tuần trước. Trong khi đó, mức tồn kho tại cụm cảng Cushing tăng 1.16 triệu thùng/ngày, tương đương với mức tăng 4.23%, con số này không tạo nhiều sự hỗ trợ cho giá.
2. ĐƯỜNG
Xuất khẩu đường của Ấn Độ vẫn tăng trưởng khá mạnh trong hai vụ vừa qua bất chất sự bùng phát và lan rộng của Covid-19. Trong vụ 2019/20, Ấn Độ đã xuất khẩu tổng cộng là 5.95 triệu tấn đường, trong khi đó vụ 2020/21 con số này 7.1 triệu tấn đường.
Hiện tại, ngành công nghiệp đường của Ấn Độ cũng đang thận trọng với mức xuất khẩu tốt bất chấp các báo cáo mới nhất về sự xuất hiện của chủng Omicron. Phần lớn các quốc gia châu Phi đều nhập khẩu đường từ Ấn Độ, nhưng đa số đường được chuyển sang khu vực Bắc Phi chứ không phải là Nam Phi – nơi mà chủng virus mới đang lan rộng. Trong vụ hiện tại, ngành công nghiệp đường của Ấn Độ kỳ vọng sẽ xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn đường.
3. ĐẬU TƯƠNG
Bất chấp những lo ngại liên quan đến La Niña vào đầu năm tiếp thị, Brazil dường như đang trên đà giao vụ đậu tương lớn nhất trong lịch sử của mình, ước tính đạt 142 triệu tấn theo CONAB và 144 triệu tấn theo USDA. Một số nông dân trồng đậu tương ở những vùng như Rio Grande do Sul, Santa Catarina, và Paraná, cho biết tình trạng có phần khô, hiện không có tín hiệu nào về việc khả năng mất mùa đậu tương trong khu vực. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phải được theo dõi trong thời gian tới. Bản đồ thời tiết phạm vi dài gợi ý về thời tiết khô hơn trên khắp Nam Brazil và Argentina.
Báo cáo Fats and Oils tháng 12 của USDA ghi nhận sản lượng ép dầu đậu tương tháng 10 của Mỹ đạt 5.91 triệu tấn, tăng đến 20% so với tháng trước đồng thời tăng 0.2% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho dầu đậu tương đạt 2.39 tỷ pounds, tăng 11.9% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
4. DẦU ĐẬU TƯƠNG
Reuters ghi nhận Ấn Độ tăng khối lượng dầu đậu tương và dầu hướng dương trong khi giảm nhập khẩu dậu cọ do giá cao trong tháng vừa qua, gần như ngang với mức giá dầu đậu (1,415 USD/tấn- giá bao gồm cả chi phí, bảo hiểm và giao hàng CIF) với chênh lệch giá chỉ cách 20 USD/tấn trong khi con số ghi nhận trong một năm trước là 120 USD. Trong tháng 11, lượng dầu cọ nhập khẩu giảm 18.46% còn 585,000 tấn so với tháng trước, còn dầu đậu nhập khẩu tăng 84.33% lên 400,000 tấn. Theo ước tính, trong tháng 12, nhập khẩu dầu cọ sẽ tiếp tục ở mức dưới 600,000 tấn và nhập khẩu dầu đậu sẽ có thể tăng trên 400,000 tấn. Lưu ý rằng spread chênh lệch giá giữa dầu đậu và dầu cọ chỉ nhỏ cho các hợp đồng tháng 12 và tháng 1 nên các hợp đồng dầu đậu kỳ hạn gần sẽ được hỗ trợ đà tăng hơn, điều này một phần cũng do tính chất của dầu, vào mùa đông dầu cọ thường bị cứng lại do thời tiết lạnh.
Các nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia đưa ra cảnh báo việc Covid Omicron có thể khiến cho sản lượng sụt giảm đáng kể, từ mức thấp nhất trong 5 năm ở giai đoạn hiện tại do thiếu nhân công, chỉ có 70% lượng nhân lực cần thiết để sản xuất trước các chỉ thị hạn chế đi lại của chính phủ. Lượng nhân lực còn lại đến từ các nước khác sẽ tiếp tục bị bổ sung chậm trễ hơn so với mức dự kiến trước đó là quý 1-2 năm 2022 với sự xuất hiện của biến chủng mới, khiến cho CEO của FGV Holdings Bhd- doanh nghiệp nông sản thuộc top đầu Malaysia cho rằng sản lượng dầu cọ sẽ không thể phục hồi vào đầu năm sau. Tin tức này góp phần hỗ trợ khá tốt cho giá dầu đậu lẫn đậu tương.
5. LÚA MÌ
USDA hiện ước tính tồn kho lúa mì của thế giới đạt gần 275 triệu tấn, tức cao hơn so với ước tính của vụ trước là 287 triệu tấn. Các chuyên gia nhận định rằng vào ngày 09/12 sắp tới, trong báo cáo hàng tháng của mình USDA sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lượng tồn kho lúa mì của thế giới đi 4 – 5 triệu tấn. Thêm vào đó, một số chuyên gia còn cho rằng xuất khẩu của Nga vào tháng 12 có thể giảm và thế giới sẽ không có nguồn bán lúa mì vào tháng 1. Mặt khác, phần lớn vùng trồng lúa mì đỏ cứng vụ đông của Mỹ đang có ít hoặc không có mưa vào tháng 11, bao gồm phần lớn vùng Texas Panhandle và đông nam Colorado. Tình trạng khô hạn ở các khu vực sản xuất phía Tây đã trở nên tồi tệ hơn và tình hình không có nhiều sự chuyển biến trong tháng 12
6. NGÔ
Sản lượng ethanol trong tuần kết thúc vào ngày 26/11 giảm nhẹ 44,000 thùng, xuống mức trung bình hàng ngày là 1.035 triệu thùng, theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Mức sụt giảm sản lượng khá trái ngược với các kỳ vọng từ thị trường trong khoảng từ 5,000 đến 10,000 thùng. Trong khi đó, tồn kho tăng nhẹ, đạt mức 20.301 triệu thùng. Tỷ suất lợi nhuận, được tính toán từ mô hình của Đại học bang Iowa cho thấy chi phí vận hành trung bình đối với các nhà máy tại Trung Tây đã tăng từ 1.39 đô la Mỹ lên 1.51 đô la Mỹ. Trong khi đó giá ngô đã có sự hồi phục đến 13 cent (trung bình từ 5.7 đô la Mỹ lên 5.83 đô la Mỹ), còn giá ethanol tăng 15 cent lên 3.44 đô la Mỹ/gallon.
Trong báo cáo Grain and Crushing từ USDA công bố tháng 12 cho thấy sản lượng ngô dùng cho nhiên liệu cồn đạt 469 triệu giạ, tăng hơn 15% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng bã rượu khô (DDGs) đạt 1.95 triệu short tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Các số liệu này rất tích cực và có thể góp phần tạo nền hỗ trợ cho giá, nhưng mức độ hỗ trợ sẽ hạn chế vì điều này không quá bất ngờ đối với thị trường. Mỹ vẫn đang trong quá trình gia tăng sản lượng các loại nhiên liệu xanh, trong khi đang chờ chính phủ công bố mức nhiên liệu tái tạo bắt buộc RVO áp dụng cho sau ngày 31/1/2022. Dự kiến sẽ có thông tin về mức RVO mới vào cuộc họp của EPA ngày 3/12.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0286 686 0068
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận