Bán tháo phiên đầu năm, vốn hóa thị trường “bốc hơi” 124.000 tỷ đồng ngày đầu xuân
VN Index giảm xuống dưới ngưỡng 960 điểm. Đây cũng là phiên giao dịch hiếm hoi ghi nhận mức giảm lên tới hơn 3%. Trụ rụng lả tả, cổ phiếu ngành hàng không và các nhóm đã tăng mạnh thời điểm trước Tết đều quay đầu giảm sâu. Vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 5,3 tỷ USD.
Sắc đỏ phủ trên diện rộng trong phiên giao dịch đầu xuân năm Canh Tý. Trên sàn chứng khoán TP HCM, chỉ số VN Index đã có thời điểm giảm sâu nhất hơn 37 điểm, đóng cửa ở mức 959,58 điểm, giảm 31,89 điểm (-3,32%). Tương tự, HNX Index cũng giảm 2,17 điểm (-2,04%), về còn 104,11 điểm. Không nhiều phiên giao dịch chỉ số chứng khoán Việt Nam giảm trên 3%.
Tuy nhiên, đây cũng là phiên đầu tiên sau một tuần nghỉ lễ. Áp lực bán tháo dồn lại khi một loạt yếu tố tiêu cực tác động lên thị trường toàn cầu những ngày trước đó. Trong nhận định được đưa ra gần đây, Fed cho rằng dịch cúm do virus Corona sẽ gây tổn thương nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn và sẽ theo dõi quyết định của WHO trong việc có đưa dịch bệnh vào loại khẩn cấp toàn cầu hay không.
Tổng giá trị vốn hóa ba sàn hiện ở mức 4,35 triệu tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 124.000 tỷ đồng (tương đương hơn 5,3 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày 30/1. Trừ cổ phiếu VIC của Vingroup, các cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số đều lao dốc. Trong đó, cổ phiếu VCB là nguyên nhân chính kéo thị trường sụt giảm trong phiên khi giá giảm 4,82% (4.500 đồng/cp). Trước kỳ nghỉ lễ, cổ phiếu này cũng đã giảm khá mạnh. Vốn hóa thị trường của Vietcombank hiện chỉ còn tỷ đồng, trong khi đạt tỷ đồng ở thời kỳ đỉnh cao.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm mạnh như BID (giảm 5,05%), TCB (giảm 5,37%), CTG (giảm 4,88%),VPB (giảm 3,81%)… Các cổ phiếu “trụ cột” khác cũng giảm sâu, trong đó có hai doanh nghiệp hàng tiêu dùng là Sabeco và Vinamilk giảm lần lượt 6,24% và 3,88%.
Ngoài các cổ phiếu ngân hàng tăng giá khá tốt thời gian trước, nhóm ngành tôn thép đã cũng quay đầu giảm mạnh. Hai hãng hàng không niêm yết cổ phiếu trên sàn là Vietnam Airline (mã HVN) và Vietjet Air (mã VJC) cũng giảm mạnh, trong đó HVN giảm kịch sàn, VJC cũng bốc hơi 4,44% giá trị. Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không cũn giảm 5,29%, bất chấp kết quả kinh doanh công bố gần đây cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 lên tới 35%. Số lượng các cổ phiếu đi ngược dòng thị trường không nhiều, tập trung ở nhóm cổ phiếu phòng thủ như ngành dược và năng lượng.
Giá trị giao dịch phiên khai xuân đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 28,4% so với phiên liền trước. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng các giao dịch khớp lệnh, giá trị giao dịch đã tăng gấp rưỡi. Khối ngoại bán ròng 184 tỷ đồng trên sàn HOSE, rút mạnh nhất ở cổ phiếu VNM (78,7 tỷ đồng) và MSN (42,3 tỷ đồng),… Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG và CTG đứng đầu trong nhóm được mua ròng.
Không riêng chứng khoán Việt Nam, thị trường cổ phiếu – hàn thử biểu của nền kinh tế cũng nhanh chóng phản ứng trước lo ngại về tác động của dịch bệnh. Chỉ số Dow Jones có thời điểm giảm sâu nhất 2,89% kể từ mức kỷ lục xác lập hôm 24/1, hiện đã điều chỉnh hồi phục nhẹ. Trong khi sàn chứng khoán Trung Quốc chưa mở cửa trở lại, chỉ số chứng khoán Kospi, Nikkei 225 đã mở cửa trở lại từ vài ngày trước và đều giảm hơn 3% so với thời điểm trước kỳ nghỉ lễ. Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho biết phiên giảm sâu ngày hôm nay đưa P/E của VN Index về mức 15,3 lần. Đây cũng là mức hấp dẫn nhất trong vòng một năm qua.
Các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng thu hút dòng vốn các nhà đầu tư. Giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn cuối ngày 30/1 ở mức 44,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với thời điểm trước Tết. Cập nhật tình hình dịch viêm phổi cấp do virus nCoV, số lượng người tử vong trong ngày 30/1 cao kỷ lục khi có thêm 38 trường hợp. Số lượng ca nhiễm bệnh cũng tăng lên 7.711 người và 81.000 người trong diện nghi ngờ nhiễm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận