Bán ròng kỷ lục sau 8 tháng, khối ngoại có giảm nhiệt sau kỳ nghỉ lễ 2/9?
Thị trường mới đi được 2/3 chặng đường của năm 2021 nhưng khối ngoại đã ghi nhận con số bán ròng khủng, vượt xa mức kỷ lục được xác lập trong năm 2020. Liệu xu hướng này có còn tiếp diễn sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 2/9?
Thị trường đã đảo chiều hồi phục sau tháng 7 điều chỉnh. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, VN-Index đứng ở mức 1.331,47 điểm, tăng 1,64% so với thời điểm cuối tháng 7 và tăng 20,62% so với đầu năm 2021. HNX-Index tăng 27,96 điểm, tương ứng tăng 8,88% lên 342,81 điểm.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường trong tháng 8 cũng cải thiện hơn so với tháng trước đó với tổng giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn đạt 30.177 tỷ đồng/phiên, tăng 15,3% so với tháng 7.
Đặc biệt, đây cũng là tháng ghi nhận phiên giao dịch có thanh khoản đạt kỷ lục, cao nhất trong 21 năm thị trường chứng khoán hoạt động. Đó là phiên giao dịch ngày 20/8 với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị đạt hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HOSE đạt 38.349 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối ngoại lại có diễn biến thiếu tích cực khi trở lại trạng thái bán ròng sau tháng 7 mua ròng mạnh nhất trong năm.
Cụ thể, trên cả 3 sàn giao dịch, khối ngoại trong tháng 8 đã thực hiện mua vào hơn 777,51 triệu cổ phiếu, trị giá gần 34.626 tỷ đồng, trong khi bán ra 898,85 triệu cổ phiếu, trị giá gần 41.180 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 121,34 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng gần 6.554 tỷ đồng; trong khi tháng 7 mua ròng 135,47 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt gần 5.310 tỷ đồng.
Đáng chú ý, biến động lớn của giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8 chủ yếu đến từ sàn HOSE. Trong khi trên HNX và UPCoM, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng thì trên sàn HOSE, đây là tháng bán ròng mạnh thứ 3 kể từ đầu năm.
Trong đó, trên tổng số 22 phiên giao dịch của tháng, chỉ có 7 phiên khối này thực hiện mua ròng, còn lại có tới 15 phiên bán ròng và phần lớn các phiên đều bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt là phiên 17 - 18/8 bán ròng hơn 1.383 tỷ đồng và gần 1.882 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên 3 sàn trong 8 tháng đầu năm
Trong đó, khối này chỉ mua ròng vào tháng 4 và tháng 7, còn lại 6 tháng đều bán ròng mạnh, với giá trị bán ròng mạnh nhất là vào tháng 5 đạt 11.567 tỷ đồng, tiếp theo là tháng 3 bán ròng 11.214 tỷ đồng.
Danh mục bán ròng mạnh trong 8 tháng đầu năm chủ yếu vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip. Trong đó, HPG là cổ phiếu bị khối ngoại mạnh tay bán ròng với giá trị đạt gần 12.940 tỷ đồng, tiếp theo là CTG bị bán ròng hơn 7.210 tỷ đồng.
Dường như trong thời gian gần đây, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã không còn tác động mạnh tới tâm lý thị trường khi lượng nhà đầu tư F0 trong nước không ngừng gia tăng mạnh, đã giúp vốn nội “cân” hết vốn ngoại.
Điển hình như trong những tháng bán ròng kỷ lục vào tháng 3/2021 và tháng 5/2021 với giá trị bán ròng vượt xa 11.000 tỷ đồng, thì chỉ số VN-Index lần lượt ghi nhận mức tăng 1,97% và 7,15% so với tháng trước đó.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho biết, cũng như nhiều thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị nhà đầu tư ngoại bán ròng.
Tuy vậy, so với quy mô rút ròng tại một số thị trường trong khu vực trong 7 tháng đầu năm 2021 như Malaysia, Philippines, Thái Lan thì tỷ trọng bán ròng tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Theo ông Phúc, kể cả khi nhà đầu tư ngoại bán ròng liên tiếp 15 phiên với quy mô lớn thì dòng tiền trong nước vẫn rất mạnh. Tiền luôn sẵn trong tài khoản chực chờ cơ hội cho thấy dòng vốn trong nước đang dần ít bị chi phối bởi động thái bán ròng của khối ngoại.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, từ đầu năm 2021 đến nay, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng hơn 80% trên tổng khối lượng giao dịch. Không nghi ngờ gì khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đóng một vai trò rất quan trọng đối với thanh khoản cũng như xu hướng chung trên thị trường.
Về dự báo, ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán Mirrae Asset, đà rút ròng của khối ngoại chỉ có thể chững lại khi họ giải quyết xong những vấn đề và mục tiêu cơ cấu. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể còn bị bán ròng. Vì vậy, nhà đầu tư nên tập làm quen với xu thế này và có chiến lược đầu tư, phân bổ danh mục sao cho hợp lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận