Bán lẻ tăng “sức đề kháng” với Covid-19
Những lần bật nhảy hậu Covid của thị trường bán lẻ trong hơn 1 năm qua được đánh giá là sự lặp lại tất yếu khi thị trường có đầy đủ các yếu tố cung - cầu để tăng trưởng.
3 lần vượt sóng lớn của "tay chèo" bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt đang vẽ nên sơ đồ hình sóng với biên độ rung lắc hẹp dần, bất chấp sự quay trở lại liên tiếp của dịch bệnh. Thậm chí, các giai đoạn hậu Covid-19 về sau còn chứng kiến sức mua và mức độ tăng trưởng về quy mô, thương hiệu còn lớn hơn trước đó.
Nhìn lại đợt dịch Covid-19 đầu tiên vào quý I/2020 tại Việt Nam, doanh thu ngành bán lẻ sụt giảm mạnh, lên tới gần 30% ở một số ngành nghề. Lượng người tới mua sắm tại nhiều nơi giảm tới 80%, theo quan sát của CBRE Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay trong quý II/2020, khi tình hình dịch bệnh đỡ căng thẳng, các siêu thị, trung tâm thương mại lại tấp nập cùng với hàng loạt chiến dịch bán hàng sôi động. Thống kê của Google Mobility Index cho thấy, ngay trong tháng 6/2020, số lượng người tới các trung tâm thương mại và mua sắm đã phục hồi tới 80% so với tháng 1/2020. Điều quan trọng, con số 80% trên là so sánh với thời điểm chưa có dịch bệnh của tháng đầu năm, khi người dân mua sắm sôi động để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Điều ấy chứng tỏ thị trường bán lẻ không những lại sức mà còn "bật cao".
Làn sóng dịch thứ 2 đến vào khoảng cuối tháng 7/2020. Tuy nhiên, lực ảnh hưởng trong đợt này bị tiêu trừ lớn khi cả người dùng, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và niềm tin lớn vào các biện pháp phòng dịch. Đánh giá từ Colliers International Vietnam cho thấy, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại tại Việt Nam vẫn rất cao. Thậm chí, hàng loạt thương hiệu quốc tế như Uniqlo, Fila hay Haidilao Hot Pot còn đua mở rộng hệ thống cửa hàng trong năm 2020. Điểm nóng nhất tập trung tại hệ thống trung tâm thương mại Vincom.
Ngay trong đợt Covid thứ 3 gần đây nhất (tháng 1-3/2021), thị trường một lần nữa chứng kiến sự phục hồi gần như không có độ trễ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 lên tới hơn 409.000 tỷ đồng, tăng mạnh 30,92% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, doanh thu bán lẻ vẫn tăng trưởng khoảng 9,8%.
Thêm một chỉ dấu tích cực nữa, như phân tích của bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Việt Nam, dù khó khăn, tổng nguồn cung bất động sản bán lẻ quý I/2020 vẫn ổn định và tăng 2% theo năm. Giá thuê trung bình cũng tăng khoảng 2% theo quý và 1% theo năm.
Các chuyên gia cho rằng kỳ vọng vào sức bật của thị trường sau khi đợt dịch thứ 4 lắng xuống là điều tất yếu. "Quy mô thị trường dễ tăng trưởng tốt, song hành cùng lực cầu được bung mạnh sau mỗi đợt Covid, tạo nên một thị trường bán lẻ vững chãi", ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Công ty Khai thác và Phân tích dữ liệu kinh tế Việt Nam nhận định.
Cơ hội lớn cho thị trường bán lẻ bật xa
Hiện tại, đợt dịch thứ 4 đang diễn ra với quy mô và tốc độ lớn hơn 3 lần trước đó. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thị trường bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục bật tăng giống như các lần trước đó khi làn sóng dịch này được đẩy lùi.
Cơ sở cho niềm tin này bắt nguồn từ lực cầu của thị trường, với cộng hưởng bởi 3 dòng chảy. Dòng chảy thứ 1, như phân tích của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, với tính chất thiết yếu của các sản phẩm phục vụ đời sống, ngay khi thu nhập người dân được phục hồi, sức mua sẽ tăng mạnh.
Yếu tố thứ 2, góp thêm vào sức mua là nhóm đối tượng mới đang gia nhập thị trường. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam, khi hoạt động du lịch, khám phá bị hạn chế, nhóm khách hàng trung – cao cấp chuyển hướng ưu tiên cho hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi tại địa phương, lựa chọn những điểm đến an toàn. Đây sẽ là nguồn tiền chất lượng đổ vào thị trường bán lẻ.
Dòng cộng hưởng thứ 3 theo các chuyên gia là tâm lý và thói quen tiêu dùng. Tâm lí hoang mang, lo lắng đang dần bị xóa bỏ, thay vào đó là thói quen tiêu dùng an toàn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine cũng tạo tâm lý cởi mở hơn cho nhiều hoạt động. Mặt khác, nhiều chuyên gia dự báo sức mua sẽ tăng vọt do tâm lý “mua sắm trả thù” - điều đã diễn ra tại Trung Quốc và các nước châu Âu sau khi mở cửa trở lại. Đây là hiệu ứng tâm lý khi người tiêu dùng gia tăng nhu cầu chi tiêu, hưởng thụ bù lại cho quãng thời gian giãn cách.
Cơ sở cho một bức tranh bán lẻ sáng màu hậu Covid còn đến từ nguồn cung. Cụ thể là sự đầu tư ngày một quy mô của các doanh nghiệp. Các chuyên gia của CBRE đã chỉ ra thực tế này khi một loạt tên tuổi vừa gia nhập và hâm nóng thị trường như Pandora, Haidilao Hot Pot, Weekend Max Mara... "Dự kiến, trong các quý tới, các nhãn hàng thời trang, ẩm thực và siêu thị sẽ tiếp tục ra mắt tại Hà Nội, giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn", đại diện CBRE cho hay.
Theo lý giải của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là "mảnh đất vàng" với gần 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ. Tiềm năng theo ông còn ở việc người Việt đang sẵn sàng chi nhiều tiền cho sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp. Minh chứng là ngay cả trong năm khó khăn như 2020, báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV chỉ ra, người Việt có mức chi tăng 3,3% so với năm 1 năm trước đó. Với năm 2021, mức tăng trưởng chi tiêu có thể lên tới gần 10%.
Bổ sung thêm, yếu tố giúp sôi động nguồn cung thời gian tới theo CBRE là những dự án tầm cỡ. Đáng kể nhất là Vincom Mega Mall Smart City tại khu vực phía Tây Hà Nội với hàng chục nghìn mét vuông mặt bằng cho thuê, dự kiến sẽ khai trương trong quý III năm nay.
Cùng một số tên tuổi lớn khác tại đây, theo ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Công ty Khai thác và Phân tích dữ liệu kinh tế Việt Nam, khu vực phía Tây Hà Nội sẽ là đầu tàu cả cả thị trường bán lẻ, nơi tập trung nguồn cung cực lớn. Điều này theo ông là cần thiết cho thị trường bởi những "thung lũng" bán lẻ như tại phía Tây sẽ giúp người dùng tận hưởng trải nghiệm mua sắm với quy mô lớn chưa từng có.
"Thị trường bán lẻ Việt đang là điểm gặp gỡ của nguồn cung tốt và sức mua đặc biệt tốt. Cơ hội để bật nhảy là rất lớn", ông Nhân phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận