24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì tăng trưởng dương

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy một số địa phương thực hiện giãn cách theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những khu vực phát sinh dịch nên tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 956,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký Công văn số 4045 hỏa tốc gửi đến Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chiều ngày 8/7, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc số 4032/BCT-TTTN gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, đề nghị tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho cung ứng hàng hóa thiết yếu. Từ đó, kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa và không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá.

Các kênh phân phối cũng tích cực vào cuộc nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho địa phương. Đơn cử, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn. Tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3-5 lần.

Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TPHCM. Trang https://cooponline.vn có khoảng 7.000 mặt hàng của đầy đủ tất cả 5 ngành hàng để người dân dễ dàng lựa chọn, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm may mặc và đồ dùng nhà bếp.

Từ nay đến hết năm, Bộ Công Thương tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã giao, tập trung mạnh công nghiệp, thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tập trung đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên tất cả các kênh thương mại điện tử. Trong thời gian qua, bán hàng qua thương mại điện tử là một kênh bán hàng được Bộ Công Thương phối hợp với các phát huy tích cực, có hiệu quả nên đây sẽ là kênh phân phối được Bộ Công Thương đẩy mạnh.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để chống đầu cơ, găm hàng tích trữ, nhất là với nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá nguyên liệu đầu vào, kể cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả