Băn khoăn nguồn vốn 65.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt số 5
Tuyến đường sắt đô thị số 5 của TP Hà Nội được dự kiến chạy từ phố Văn Cao đến Hòa Lạc, tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng.
Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hà Nội (MRB) cho hay, UBND TP vừa trình Chính phủ báo cáo về việc thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Theo đó, tuyến đường sắt này dài 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi); tổng mức đầu tư dự kiến 65.400 tỷ đồng. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, metro số 5 sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.
Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Dự án trên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ làm hai giai đoạn, 2016 đến 2020 và 2020 đến 2030. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn 4 năm và mục tiêu giai đoạn 2016 đến 2020 không còn khả thi, nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, phần lớn chiều dài metro số 5 chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên "có thể tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng". Hàng chục km của dự án đi nổi trên đại lộ Thăng Long cũng nằm ở giữa dải phân cách, "ít phải làm cầu, hầm và không ảnh hưởng đến các công trình liên quan nên thời gian thi công sẽ rút ngắn đáng kể".
Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm: vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15 nghìn tỷ đồng; nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (từ 18 nghìn đến 20 nghìn tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10 nghìn tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Trao đổi với DĐDN, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp ĐH GTVT từng khẳng định, đường sắt số 5 Văn Cao - Hòa Lạc đã nằm trong quy hoạch và là nhu cầu cấp bách trong bối cảnh tăng trưởng phương tiện cá nhân dẫn đến ùn tắc ở nội đô khoảng 10-15%/năm. Hiện, tuyến Hoà Lạc luôn trong tình trạng ách tắc giờ cao điểm, do đó, thực hiện hai tuyến đường sắt cấp thiết này càng nhanh càng tốt.
Mặc dù khẳng định nếu thành phố Hà Nội tự chủ được vốn thì dự án sẽ tiến hành nhanh chóng và thuận lợi, việc không sử dụng vốn ODA giúp không chịu sự phụ thuộc của nhà tài trợ, công tác giải ngân cũng kịp thời và chủ động hơn. Tuy nhiên, chuyên gia cũng băn khoăn việc sắp xếp mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng của dự án này.
Chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý bài học chậm trễ, đội vốn từ các dự án đường sắt trước đây cho dự án lần này. Theo đó, bài học Cát Linh - Hà Đông chưa sử dụng đã phải trả nợ là bài học đau xót phải chấn chỉnh trước khi thực hiện dự án mới.
Chuyên gia nhấn mạnh, dự án phải được tham vấn công chúng, có bài toán về những lợi ích khác nhau, lợi ích liên ngành không phải lợi ích nhóm, phải thoả mãn mong muốn của người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận