24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bán dầu dự trữ ‘chưa có tiền lệ’, Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến OPEC+

Trung Quốc khiến giới quan sát ngạc nhiên khi mới đây tuyên bố sẽ bán bớt dầu thô từ kho dự trữ chiến lược, bước can thiệp được cho là “chưa có tiền lệ” của Bắc Kinh.

Thực tế, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới quyết định bán dầu dự trữ chiến lược, dù quy mô kho dầu dự trữ cũng như lượng dầu bán ra chưa được công bố chi tiết. Lý do khiến Trung Quốc ra tay can thiệp đương nhiên là về giá.

Với mức giá trên 70 USD/thùng, mặt hàng dầu thô trở nên quá đắt với Bắc Kinh sau khi mức lạm phát giá sản xuất (PPI) trong tháng 8 vừa qua lên mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Thông tin của Reuters cho biết, Tổng cục Dự trữ hàng chiến lược và thực phẩm quốc gia Trung Quốc (NFSRA) coi quyết định xuất bán kho dầu dự trữ này là nhằm “ổn định hiệu quả cung-cầu trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Nền kinh tế được mệnh danh là đầu tàu sản xuất lớn nhất của thế giới đã phải đối mặt với xu hướng giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao trong nhiều tháng trở lại đây. Đó là thách thức mà phần còn lại của thế giới đều gặp phải, điểm khác có chăng chỉ là việc Trung Quốc có sức mạnh, điều kiện để ra tay can thiệp khi nhận thấy đến ngưỡng nào và ở thời điểm nào là trong biên độ phù hợp, chấp nhận được.

Theo Amrita Sen, chuyên gia của công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, Trung Quốc trước đây cũng từng một số lần xuất bán dầu từ kho dự trữ chiến lược. Nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cho công bố công khai thông tin này. “Bán dầu [từ kho chiến lược] không mới, nhưng cách ra thông báo thì lại mới và tôi cho rằng đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế giá trong nước”, ông Sen nói.

Một điểm đáng chú ý khác chính là thời điểm. Tuyên bố của NFSRA được đưa ra ngay sau khi kết thúc cuộc gặp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Tại bàn đàm phán, OPEC+ quyết định giữ nguyên lộ trình sản lượng đã được đồng thuận trước đó, bất chấp việc Mỹ và nhiều bên yêu cầu tăng nhanh sản lượng để kiềm chế giá dầu tăng. Thông báo về bán dầu từ kho dự trữ của Bắc Kinh có ý nghĩa ở thông điệp, chứ không phải là sản lượng bán ra.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, những nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới ngày càng nhạy cảm trước độ biến thiên của giá dầu, nhất là ở chiều giá tăng. Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Đồ Dharmendra Pradhan là một trong số nhiều nhân vật luôn phản đối mạnh mẽ, tức thời trước bất kỳ động thái nào của OPEC nhằm đẩy giá dầu lên cao, vượt ngưỡng mà New Delhi cho là hợp lý.

Bán dầu dự trữ ‘chưa có tiền lệ’, Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến OPEC+
Toàn cảnh một cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia ở Vịnh Jubail. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ đáp trả OPEC bằng cách yêu cầu các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước kiểm soát, hạn chế mua dầu từ các nhà xuất khẩu ở Trung Đông. Trung Quốc cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Ấn Độ còn đi trước Trung Quốc trong việc bán dầu từ kho dự trữ.

“Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan ngại về lạm phát. Vì thế họ đang can thiệp, điều hành trên biên độ rộng để kiểm soát lạm phát. Trung Quốc đang bán ra nhiều mặt hàng nguyên liệu thô từ kho dự trữ chiến lược”, chuyên gia Sen cho biết. Theo ông, lạm phát là mối lo không riêng của Trung Quốc. Một số nước đã bơm kho dự trữ các mặt hàng để trung hòa hiệu ứng tăng giá. Nhưng ẩn sau quyết định bán dầu dữ trữ kia là lời cảnh báo đối của Bắc Kinh với OPEC+.

Giá dầu tăng là một trong những nhân tố chi phối nhiều nhất đến leo thang lạm phát. Tuy nhiên OPEC+ đến thời điểm này vẫn bảo lưu quan điểm duy trì kế hoạch sản lượng như cam kết ban đầu, không để lượng dầu tăng thêm vượt quá 400.000 thùng/ngày cho đến khi cầu tiêu thụ dần trở lại ngưỡng tiền đại dịch COVID-19. Báo cáo mới nhất của OPEC cho thấy đến năm 2022 tổng cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ trở về mức bình thường.

Khi mà OPEC+ còn chưa quan tâm đến đề nghị nâng sản lượng, giá dầu thô có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới. Xu hướng này sẽ khiến vấn đề lạm phát thêm trầm trọng ở những nền kinh tế vốn là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới như Trung Quốc hay Ấn Độ. Bởi dù có lớn đến mức nào thì kho dự trữ cũng có giới hạn nhất định, không phải là vô tận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả