24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Nam Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bàn cờ địa chiến lược của Joe Biden và Tập Cận Bình

Người kế nhiệm Trump, Tổng thống Joe Biden, đã thành công trong việc tập hợp các quốc gia phát triển nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga, kể cả những quốc gia “ở xa” cuộc xung đột tại Ukraine. Điều này không chỉ đúng với Nhật Bản, mà còn với Australia, Hàn Quốc, hòn đảo Đài Loan và ở mức độ hạn chế hơn là Singapore.

Kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, những xáo trộn trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng với cuộc thập tự chinh kinh tế chống lại Trung Quốc càng diễn biến với tốc độ chóng mặt.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập về cuộc xung đột, song về cơ bản, một mặt không đồng tình với các đòn trừng phạt của các nước phát triển, mặt khác Bắc Kinh có vẻ như đang củng cố luận điệu chống Mỹ bằng cách ngày càng có xu hướng tiếp cận một cách nguy hiểm lập trường của Nga. Do đó, thực tế là bất đồng trong quan điểm của phương Tây và Trung Quốc ngày càng nới rộng, và kể từ xung đột tại Ukraine, thế giới ngày càng giống như một bàn cờ địa chính trị, nơi Joe Biden và Tập Cận Bình theo đuổi mục tiêu bá quyền toàn cầu.

Từ góc độ châu Âu, cuộc chiến ở Ukraine và tác động của nó đối với “Cựu Thế giới” là yếu tố then chốt song một cái nhìn toàn cầu hơn về tình hình hiện tại dẫn đến những kết luận rất khác mà châu Âu không thể bỏ qua.

Trên thực tế, Biden cho thấy rõ ràng rằng chiến lược mà ông theo đuổi không nhằm tập trung vào châu Âu trong trung hạn mà là tập trung vào châu Á. Với việc ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU), rõ ràng Mỹ muốn có không gian và thời gian để tái tập trung vào châu Á, dồn nguồn lực an ninh và chính sách cho khu vực này và “giao phó” Ukraine cho EU. Có 2 ví dụ rõ ràng gần đây cho thấy tầm quan trọng của châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ:

Đầu tiên là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Nhà Trắng hồi tháng 5 vừa qua. Ngoại trừ Singapore, hội nghị thượng đỉnh nhằm khích lệ các nước ASEAN tiến gần hơn đến lập trường trung lập về cuộc xung đột Ukraine, không đạt được gì nhiều ngoài những tuyên bố chung chung và ít kết quả như Mỹ trông đợi. Washington hoài nghi về áp lực từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư và cũng là nhà thầu chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô của khu vực.

Tiếp đó, không bỏ cuộc, Tổng thống Biden đã khởi hành ngay sau hội nghị và có chuyến đi chính thức đầu tiên đến châu Á, tập trung vào Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh lớn của Mỹ trong khu vực. Sau những thành công hạn chế của Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN, không có nhiều kỳ vọng về chuyến đi của Biden và người ta cũng có những nhận thức khác về sự ủng hộ của 12 quốc gia châu Á đối với đề xuất của Biden về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Có rất ít thông tin chi tiết về những yêu cầu trong thỏa thuận và những lợi ích kinh tế mà các thành viên sẽ được hưởng, song Trung Quốc có thể xem là yếu tố dẫn đến sự ủng hộ gần như vô điều kiện của nhiều nước châu Á trong khu vực, hay nói cách khác là mối quan tâm của họ trong việc tìm kiếm đối trọng với sự thống trị kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài sức nặng kinh tế của khu vực châu Á, mục tiêu khi chính quyền Mỹ thúc đẩy IPEF còn là Đài Loan, nền kinh tế thậm chí còn không được mời tham gia sáng kiền này. Trước các mục tiêu thống nhất của Trung Quốc, việc duy trì hiện trạng cho Đài Loan là điều quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ Nhật Bản đến Australia và Singapore. Duy trì hiện trạng cho Đài Loan cũng đồng nghĩa với duy trì lợi thế của hòn đảo dân chủ này trên phương diện kinh tế và an toàn cho ngành sản xuất chất bán dẫn. Nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, Mỹ có thể dễ dàng mất quyền kiểm soát Thái Bình Dương.

Xét từ nhiều góc độ, không khó hiểu hay vô lý khi Mỹ “gạt” Đài Loan khỏi các cuộc thảo luận về IPEF bởi Washington muốn thúc đẩy hơn mối quan hệ kinh tế song phương với hòn đảo này, thay vì phải có những điều chỉnh linh hoạt đòi hỏi cân nhắc thận trọng, hoặc nói đơn giản là đưa vào một khuôn khổ như IPEF.

Nói ngắn gọn, chuyến công du châu Á của Biden là một dấu hiệu quan trọng cho thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với Mỹ dù nước này phải dồn sức cho châu Âu để đối phó với các diễn biến tại Ukraine. Thêm vào đó, sự hình thành của IPEF cũng cho thấy châu Á không chỉ liên quan đến chính sách an ninh của Mỹ mà còn liên quan đến trật tự kinh tế.

Nếu Biden xem châu Á như một thị trường thì Tập Cận Bình cũng đang thay đổi chiến lược bằng một bàn cờ lớn thể hiện quyền bá chủ toàn cầu. Thống trị về kinh tế dường như đã nhường chỗ cho những ưu tiên khác, cũng có lẽ vì Trung Quốc đã đạt được mục tiêu không chỉ là công xưởng toàn cầu, mà còn là yếu tố kích hoạt đầu tư của các công ty đa quốc gia nước ngoài.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia, đặc biệt là tại châu Á. Xung đột tại Ukraine dường như đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Tập Cận Bình, cụ thể là nhu cầu cần thiết cần phải bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc bằng cách đưa nước này trở thành một cường quốc an ninh lớn.

Việc Mỹ tăng cường sức mạnh của các liên minh Mỹ để đối phó với cuộc tấn công của Nga sẽ càng kích động Trung Quốc. Nhìn từ góc độ đó, người ta không nên bỏ qua những ẩn ý khi Tập Cận Bình công bố Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) tại Diễn đàn Bác Ngao hồi tháng 4, những điều đã được tiết lộ tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây. Rõ ràng, Tập Cận Bình có ý định tạo ra một đối trọng đối với Mỹ và các đồng minh an ninh của nước này. Cả Biden và Tập Cận Bình dường như đều đang tập trung vào các chiến lược thống trị toàn cầu. Biden cần một cách ít tốn kém hơn để hỗ trợ liên minh an ninh mà ông muốn xây dựng. Ngược lại, Tập Cận Bình cần đưa ra các phương án an ninh để duy trì ảnh hưởng kinh tế bành trướng của Trung Quốc. Câu hỏi lớn là ai có thể làm điều đó một cách dễ dàng? Gót chân Achilles của Biden là những vấn đề trong nước, yếu tố hạn chế nghiêm trọng khả năng hành động. Tập Cận Bình cũng có những vấn đề nội bộ liên quan đến bối cảnh kinh tế có nhiều biến động hơn thực tế những gì thể hiện ở bên ngoài. Thêm vào đó, hình ảnh của Trung Quốc trong dư luận quốc tế đang bị tổn hại nghiêm trọng và chắc chắn sẽ cản trở lời kêu gọi của ông về việc thành lập một liên minh an ninh.

Nói tóm lại, cả Biden và Tập Cận Bình đều khó thắng trong trò chơi này, song có một điều rõ ràng là cả hai đều không ngừng di chuyển các quân cờ của mình và “át chủ bài” của họ đều nằm ở châu Á, chứ không phải châu Âu.

Theo asiapolitik.com

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả