Bamboo qua mặt 'anh cả' Vietnam Airlines ở đường bay Hà Nội - TP.HCM?
Mấy hôm nay, trên mạng có thông tin hãng bay 3 năm tuổi Bamboo Airways lần đầu tiên có 1 tuần bay vượt tần suất khai thác "anh cả" Vietnam Airlines tại "đường bay vàng" Hà Nội - TP.HCM.
Thông tin được đưa nhiều trên mạng xã hội, nội dung khá giống nhau như "có hẹn".
Bamboo thực sự vượt Vietnam Airlines?
Chỉ trong 1 tuần dịp tết, từ ngày 8 đến 14-2 ở tuyến Hà Nội - TP.HCM, Vietnam Airlines khai thác được 113 chuyến, còn Bamboo Airways bay 130 chuyến. Đường bay Hà Nội - TP.HCM rất quan trọng với các hãng hàng không vì có lượng khách ổn định, thường có lãi hơn. Tuy nhiên, vấn đề là tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay của hai hãng trên thì vẫn chưa rõ.
Thực tế, chênh lệch về tần suất khai thác đường bay này chỉ trong 1 tuần không đánh giá được xu hướng. Bởi lẽ Vietnam Airlines hay Vietjet đã phủ khắp các mạng bay nội địa, không chỉ tập trung vào đường bay duy nhất là Hà Nội - TP.HCM. Hơn nữa, do bùng phát COVID-19 ngay thời điểm tết khiến tần suất bay giảm rất mạnh.
Theo thống kê mới nhất tháng 1-2021, các hãng bay khai thác 19.295 chuyến. Trong đó Vietnam Airlines, Vietjet khai thác đến 6.000 - 7.000 chuyến, gấp đôi so với Bamboo Airways.
Dẫu biết đường dài mới biết sức kẻ chạy đua, song với một hãng bay mới như Bamboo Airways đang nhận được nhiều phản hồi tích cực của hành khách về dịch vụ và sự việc bay vượt tần suất ở đường bay vàng so với "người cao tuổi hơn" Vietnam Airlines cũng là tín hiệu tốt trong cuộc cạnh tranh.
Với 6 hãng hàng không đang khai thác thương mại (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và Vasco), hàng không VN đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần khốc liệt với nhiều màn rượt kịch tính. Điều này buộc các hãng phải cạnh tranh về dịch vụ và giá cả, thậm chí cả truyền thông.
Nhiều khuyến mãi
Đường bay quốc tế chưa khai thông, hiện các hãng hàng không buộc phải đẩy mạnh chiến dịch bán hàng (pre-sale) các chuyến bay trong năm 2021 bằng cách mạnh tay khuyến mãi. Đặc biệt là Vietjet Air với đợt pre-sale kéo dài và không giới hạn, giá vé hạng phổ thông chỉ còn 85.460 đồng tuyến TP.HCM - Hà Nội cho toàn bộ năm 2021.
Vietnam Airlines và Bamboo Airways cũng tham gia với nhiều khuyến mãi, nhưng thường đưa ra các đợt sale ngắn và nhiều giới hạn hơn. Hoạt động này cho phép các hãng thu về nguồn tiền nhất định để "cầm hơi".
Đảm bảo người tiêu dùng có lợi
Cùng với Vietjet, sự chuyển mình của Bamboo cho thấy sự vươn lên của các hãng bay tư nhân sau một thời gian ngắn, đã tỏ rõ vị thế trước Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.
Thực tế Vietnam Airlines không chỉ bị Vietjet vượt qua để dẫn đầu thị phần bay nội địa, ngay cả đường bay nhỏ độc quyền khai thác như TP.HCM - Côn Đảo, Rạch Giá - Cà Mau... vốn là lợi thế của Vasco nay cũng cạnh tranh vô cùng vất vả với Bamboo Airways khi hãng tư nhân này khai thác dòng máy bay phản lực hiện đại Embraer 195 (124 chỗ) thay vì dòng máy bay ATR72 (68 chỗ).
Đó là giữa bối cảnh các hãng bay tư nhân cơ bản tự cố gắng, làm mọi cách để duy trì hoạt động khai thác, còn Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tại VN được Chính phủ tung khoản "giải cứu" mạnh sau khi lỗ 14.000 tỉ. Vietjet và Bamboo phải đàm phán giãn nợ, bán tài sản... để lần lượt lãi 70 tỉ và gần 400 tỉ đồng (chưa phải doanh nghiệp niêm yết, số lãi của Bamboo Airways mới chỉ được công bố từ phía công ty).
Trong lúc rất khó khăn này, một doanh nghiệp được ưu ái, lợi thế hơn trong khai thác cũng dễ khiến hãng bay khác rơi vào tình trạng suy yếu. Cho nên việc của Nhà nước là tạo cạnh tranh bình đẳng, từ chính sách tới hành động hỗ trợ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, để người tiêu dùng hưởng lợi từ cạnh tranh, tránh giảm cạnh tranh, khó cả ngành hàng không và quyền lợi lâu dài của người dân.
Vietnam Airlines xin cơ chế ưu tiên đầu tư hạ tầng sân bay Long Thành
Vietnam Airlines vừa đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đối với hãng này và các đơn vị trong Vietnam Airlines Group có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines cho biết sân bay Long Thành tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển và vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, sân bay này cần phải có sự hiện diện và hình ảnh rõ nét của hãng hàng không quốc gia với hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ.
Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được giảm tải, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất. Vietnam Airlines cho biết trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, hãng này và các đơn vị thành viên đã ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tại sân bay Long Thành. Hãng sẽ cung ứng dịch vụ: nhiên liệu hàng không, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, dịch vụ phòng chờ, bán hàng miễn thuế...
Nhấn mạnh việc duy trì và phát triển hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ của các công ty con của Vietnam Airlines tại sân bay Long Thành sẽ giúp công ty mẹ giảm bớt gánh nặng từ các hỗ trợ của Nhà nước, hãng đề xuất nhu cầu đất đai để đầu tư cơ sở hạ tầng là 65,9ha cho các dịch vụ: kỹ thuật hàng không, dịch vụ nhà ga hàng hóa, giao nhận hàng hóa, phục vụ mặt đất, nhiên liệu hàng không, suất ăn hàng không, dịch vụ thương mại hàng không.
Hãng này ước tính tổng mức đầu tư các hạng mục trên dự kiến là 9.902 tỉ đồng, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay.
Với những nội dung trên, Vietnam Airlines đề nghị các bộ ngành báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hãng và các đơn vị trong Vietnam Airlines Group có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng; xem xét bố trí nhà ga, cánh nhà ga riêng cho hãng hàng không quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận