'Bấm nút' chuyển tiền cho lao động
Bắt đầu từ hôm nay (1/10), cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành “bấm nút” chuyển tiền qua tài khoản cá nhân cho hàng chục triệu lao động trong diện được hưởng gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng.
Tạm nghỉ việc, nhận hỗ trợ ra sao?
Bắt đầu từ ngày 1/10, Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bắt đầu có hiệu lực. Các trường hợp được thụ hưởng từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ này là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm 2020 đến hết 30/9/2021. Đây là khoảng thời gian người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH và cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sẽ có gần 13 triệu lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này. Vấn đề đặt ra là NLĐ sẽ được nhận tiền hỗ trợ bằng những cách thức cụ thể nào? Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định, các quy trình, thủ tục hỗ trợ lần này sẽ “nhanh gọn, thuận tiện, chính xác nhất” cho người thụ hưởng. Lãnh đạo cơ quan bảo hiểm cũng khẳng định, là đơn vị được giao triển khai chi trả gói hỗ trợ này đến người lao động, BHXH Việt Nam đã sẵn sàng về mọi mặt để thực hiện.
Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để thực hiện tốt chủ trương này, cơ quan chức năng sẽ chia ra thành ba nhóm đối tượng. Trước tiên, sẽ thực hiện chi hỗ trợ NLĐ qua tài khoản ngân hàng. Qua đó, các DN phải cung cấp tài khoản cá nhân của từng NLĐ và cơ quan bảo hiểm sẽ gửi thẳng tiền vào tài khoản cho họ.
Trường hợp thứ hai là với những người chưa có tài khoản cá nhân, nếu có nhu cầu, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với bốn ngân hàng thương mại lớn, mở tài khoản cho NLĐ và sẽ chuyển thẳng tiền cho họ. Còn trường hợp thứ ba, không qua tài khoản ngân hàng, thì cơ quan bảo hiểm sẽ chuyển tiền hỗ trợ cho DN và họ có trách nhiệm chuyển tiền trực tiếp cho NLĐ của mình.
“Đối với gần 13 triệu NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ tiền mặt, chúng tôi sẽ đối chiếu trên dữ liệu, để tính toán thời gian tham gia, số tiền được hưởng. Tất cả các thông tin này đã có sẵn trên hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành”, ông Sơn lý giải.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, khó khăn trong giải ngân chỉ nằm ở nhóm 2,5 triệu NLĐ đang tạm nghỉ việc bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, vì nhiều người đã về quê, việc chi trả phụ thuộc vào sự chủ động của NLĐ. Theo ông Sơn, nhóm lao động này có thể tới bất kỳ cơ quan BHXH nào gần nhất để làm thủ tục nhận hỗ trợ.
Xét kỹ khả năng cân đối quỹ
Ông Lê Hùng Sơn thông tin, hiện tại, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 90 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền quỹ chi theo Nghị quyết 116 dự kiến khoảng 38 nghìn tỷ đồng (chi cho NLĐ 30 nghìn tỷ và người sử dụng lao động khoảng 8 nghìn tỷ).
“Trước khi quyết định mức hỗ trợ gắn với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Quốc hội và Chính phủ đã xem xét rất kỹ khả năng cân đối quỹ trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo nguồn chi trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng như cân đối quỹ trong dài hạn”, ông Sơn khẳng định.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá, do quỹ bảo hiểm hoạt động hiệu quả, có tích lũy mới đưa ra được các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Đặc biệt, theo ông Dung, Nghị quyết 116 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng là “quyết định chưa có tiền lệ”.
“Vài năm trước, lo lắng lớn nhất là vấn đề an toàn quỹ. Nhiều người cứ nói về nguy cơ vỡ quỹ, thông tin rất nhiều chiều. Nhưng đến giờ có thể khẳng định, các quỹ bảo hiểm rất bền vững. Vì thế chúng ta mới có một lượng tiền rất lớn như vậy từ kết dư quỹ để hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động”, Bộ trưởng Dung cho hay.
Điểm đáng chú ý khác là vấn đề thời gian hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ cho NLĐ. Theo dự kiến ban đầu, thời gian thực hiện gói hỗ trợ này kéo dài trong vòng 3 tháng (từ 1/10 đến 31/12/2021). Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định với PV Tiền Phong, sẽ quyết tâm rút ngắn ít nhất 50% thời gian, qua đó sẽ giảm xuống chỉ còn tối đa 45 ngày.
Ông Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, trên cơ sở chuẩn bị tốt các cơ sở dữ liệu, đến đúng ngày 1/10, quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, cơ quan bảo hiểm thực hiện “bấm nút” chuyển tiền ngay cho người lao động. “Tinh thần là cố gắng làm sao chuyển tiền qua tài khoản cho NLĐ, đi liền với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định, đối với 8.000 tỷ đồng mà gần 386.000 DN được hưởng do được giảm đóng từ 1% xuống 0% Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (tính đến hết 30/9/2022 và mức được giảm tương đương gần), doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thêm thủ tục hành chính nào khác. Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu của DN, hằng tháng sẽ thông báo số tiền phải nộp, trong đó đã loại trừ khoản đóng 1% Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận