“Băm nát” Công viên Tuổi trẻ thủ đô: Vì sao không xử lý dứt điểm?
Mặc dù lãnh đạo thành phố Hà Nội nhiều lần khẳng định sẽ xử lý dứt điểm sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tuy nhiên cả chục năm qua, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại đây về trật tự xây dựng, quy hoạch, sử dụng sai mục đích vẫn không được xử lý dứt điểm. Gần 30ha đất công viên ngay giữa trung tâm thành phố khi nào mới trở thành công viên đúng nghĩa phục vụ cộng đồng?
Tiệc cưới, nhà hàng mãi “xập xình” trên đất công viên
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô quy mô gần 30ha bị lấn chiếm hàng chục năm trước sự bức xúc của người dân.
Nêu ý kiến trong nhiều phiên tiếp xúc cử tri, ông Trịnh Bá Lạc, Trưởng Ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư số 4, phường Thanh Nhàn bức xúc: Công viên thì bị chiếm dụng, biến tướng thành các công trình thu lợi, còn người dân thì sống bất an vì nằm trong quy hoạch treo của dự án. “Rất mong cơ quan chức năng sớm điều chỉnh dự án để người dân được xin cấp “sổ đỏ”, xây nhà, ổn định cuộc sống”, ông Lạc nói.
Chị Vũ Phương Nhung (ngõ 100 Võ Thị Sáu) cho biết, là người thường xuyên tập thể dục quanh hồ nhưng với chị công viên rộng nhưng chỗ để đi dạo lại quá ít. Thay vào đó là những đống sắt của các công trình bỏ hoang rất lãng phí. “Ô tô xe máy đi vào gửi xe hoặc vào nhà hàng tiệc cưới liên tục, đi lại trong công viên mà như đi dưới lòng đường”, chị Nhung nói.
Ghi nhận tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, các thiết bị vui chơi như hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay bị bỏ hoang đến gỉ sét. Vòng đu quay khổng lồ như một cẩu tháp hoang phế, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Sai phạm tràn lan tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhưng ít được xử lý. Ảnh: P.V
Bên trong công viên, hàng loạt nhà hàng tiệc cưới lớn được mở ra như: Queen Bee, Cung Xuân, Siêu thị, phòng tập thể hình… Cổng công viên phía tiếp giáp với đường Thanh Nhàn được tận dụng là nơi gửi ô tô xe máy cho người dân quanh khu vực. Mặc dù trước đó có thời điểm UBND quận Hai Bà Trưng đã giải phóng mặt bằng, thế nhưng đến thời điểm này phía đường Võ Thị Sáu lại bị tái lấn chiếm bởi hàng loạt hàng quán, gara ô tô, bãi xe.
Sai phạm chồng lên sai phạm và ngày càng nghiêm trọng, nhức nhối. Trước đó, ngay từ tháng 10/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã xác định 8 hạng mục công trình đang khai thác sử dụng không phù hợp với quy hoạch.
Cụ thể, theo quy hoạch, khu đất đã xây dựng Nhà hàng Queen Bee (gần khu ống trượt nước cảm giác mạnh) là đất cây xanh công viên (ô số 17). Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2012, công trình nhà 2 tầng kinh doanh nhà hàng ăn uống vẫn đang hoạt động trên khu đất này. Công trình sai phạm thứ hai là khu nhà văn phòng công ty.
Công trình sai phạm thứ ba là sân tennis. Theo quy hoạch, công viên Tuổi trẻ xác định có 4 sân tennis ngoài trời, song trên thực tế có tới 4 sân tennis có mái che và 8 sân tennis ngoài trời tại lô đất dành làm vườn cây xanh theo chủ đề. Công trình sai phạm thứ tư là sân bóng đá mini.
Công trình sai phạm thứ năm là sân tennis có mái che 1.500 chỗ được quy hoạch làm chỗ để xe, không sử dụng kinh doanh dịch vụ. Công trình sai phạm thứ sáu là tầng hầm nhà hát ngoài trời có mái che (Cung Tân Xuân) được bố trí là chỗ để xe. Không kinh doanh dịch vụ nhưng tầng hầm này đã bị chuyển đổi mục đích sang làm không gian phục vụ và bổ sung diện tích sàn sinh hoạt văn hóa thể thao cho thanh thiếu niên...
Công trình sai phạm thứ bảy là khu đất giáp đường Võ Thị Sáu tại góc phía Tây Bắc công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Công trình sai phạm thứ tám là phần diện tích đất UBND quận Hai Bà Trưng đã thực hiện GPMB, hiện tại đang biến thành 3 bãi trông giữ ô tô ngày/đêm. Phần diện tích này theo quy hoạch là đất cây xanh, thảm cỏ.
Ai bao che cho sai phạm?
Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công viên Tuổi trẻ đã được nhiều cơ quan của thành phố làm rõ.Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Nhằm khắc phục tồn tại trong quản lý công viên Tuổi trẻ, năm 2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1702 thực hiện chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội. Thành phố giao Sở Nội vụ hướng dẫn Tổng Công ty Du lịch Hà Nội thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức mới đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội theo quy định hiện hành, làm cơ sở bàn giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô và phá sản doanh nghiệp.
Thành phố cũng giao Sở Xây dựng tổ chức xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô và chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, kết quả xử lý; phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng và các đơn vị có liên quan xử lý dứt điểm vi phạm trật tự trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo thẩm quyền và theo chỉ đạo của thành phố.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Công ty Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội vẫn chưa thực hiện thủ tục phá sản. Công ty này cũng vẫn đang quản lý Công viên Tuổi trẻ. Về thủ tục nhận Công viên về, đại diện Cty Cây xanh cho rằng: “Không thể làm được”, lý do bởi Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đang có quá nhiều khoản nợ xấu kéo dài, cùng với đó là hàng loạt vi phạm quy định về trật tự xây dựng qua nhiều năm không được xử lý dứt điểm.
Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được phê duyệt quy hoạch từ cuối năm 2000, quy mô 26,4ha với tính chất là công viên cấp thành phố. Không những triển khai chậm trễ, dự án này còn gây nhiều bức xúc bởi có quá nhiều sai phạm trong quá trình triển khai. Ðáng chú ý, các sai phạm này được đánh giá là có tính hệ thống và kéo dài trong nhiều năm. “Ðối với Công viên Tuổi trẻ, phải nói rằng theo quy hoạch ban đầu đây là công viên có chất lượng dành cho tuổi trẻ. Quy hoạch công viên còn được đánh giá là 1 trong những đề án kiến trúc tốt, đạt được giải thưởng…”, ông Ðào Ngọc Nghiêm nói. Hai lần chất vấn rồi… chìm xuồng? Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã tốn khá nhiều giấy mực của nhiều tờ báo. Hàng trăm bài báo đã đề cập đến những sai phạm tại công viên lên tới gần 30 ha tại trung tâm thành phố kéo dài trong cả chục năm qua. Ngay như HÐND thành phố cũng đã hai lần đưa ra chất vấn tại kỳ họp giữa năm và cuối năm 2012 trước nhiều bức xúc, kiến nghị của cử tri. Ðại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã đứng trước HÐND thành phố thừa nhận rằng: “Nguyên nhân sai phạm là Công ty Ðầu tư và Dịch vụ Tuổi Trẻ không đủ năng lực, yếu kém trong quản lý. UBND quận Hai Bà Trưng lại chưa sát sao xử lý vi phạm trật tự xây dựng”. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã từng hứa sẽ xử lý dứt điểm các công trình sai phạm ngay trong quý I/2013! Tiếp theo, trong nhiều kỳ họp HÐND thành phố, trả lời đại biểu và PV báo chí, không ít vị đại diện UBND thành phố và Sở Xây dựng, quận Hai Bà Trưng khẳng định “sẽ sớm xử lý” nhưng rồi đâu lại vào đấy, sai phạm chồng lên sai phạm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận