24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bám khu công nghiệp phát triển nhà ở

Sự bùng nổ của lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đang mang đến cơ hội lớn cho phân khúc ngách: Bất động sản liền kề các khu công nghiệp.

Lời giải cho hạ tầng, nguồn lực

Bám lấy các khu công nghiệp mới triển khai để tạo lập quỹ đất phát triển các dự án nhà ở liền kề đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Lấy ví dụ, chỉ tính riêng tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), đã có ít nhất 4 dự án nhà ở “ăn theo” Nhà máy Samsung Thái Nguyên, bao gồm Khu dân cư Đông Tây, Khu đô thị Tân Việt, Khu đô thị Tấn Đức và Khu đô thị Phú Đại Cát. Hay với Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, một loạt dự án bất động sản nhà ở được triển khai xung quanh khu công nghiệp nhà như các dự án đất nền Đại Vi, Đại Trung, Đại Đồng, DTA Garden House; Khu đô thị Belhomes, Khu đô thị Centa City; dự án nhà phố thương mại Sing Garden…

Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp và làn sóng đầu tư mới được kỳ vọng đổ vào mạnh mẽ sau dịch, bất động sản liền kề khu công nghiệp đang trở thành lĩnh vực rất tiềm năng. Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh TNI Holdings Vietnam đánh giá, bất động sản liền kề khu công nghiệp có thể nói là cấp độ cao nhất của loại hình bất động sản công nghiệp, bên cạnh loại hình truyền thống (chỉ bán đất) hay loại hình phức hợp (gồm đất, nhà xưởng cho thuê…).

“Bất động sản liền kề khu công nghiệp sẽ giúp chủ đầu tư giải bài toán về phát triển hạ tầng xã hội cho bất động sản công nghiệp, tối ưu hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ khi không chỉ cung cấp đất công nghiệp, mà còn đáp ứng được các nhu cầu khác như nhà ở cho chuyên gia, nhà ở công nhân…”, bà Hằng nhấn mạnh.

Phát triển bất động sản liền kề khu công nghiệp vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho chuyên gia, người lao động và các tiện ích liên quan khác, vừa giúp các khu công nghiệp tăng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khách thuê.

Còn theo bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam, việc phát triển hạ tầng đồng bộ và kịp thời để đón đầu sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp là cần thiết. Hạ tầng đồng bộ ở đây không chỉ là hệ thống kết nối giao thông, hải cảng…, mà còn bao gồm hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như các tiện ích khác theo các chỉ tiêu trong quy hoạch đô thị.

“Điều mà nhiều khu công nghiệp còn đang thiếu hiện nay là khu nhà ở cho chuyên gia, người lao động và các tiện ích liên quan khác, nếu phát triển bất động sản liền kề khu công nghiệp sẽ đáp ứng được các tiêu chí này. Đây cũng là yếu tố giúp các khu công nghiệp tăng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khách thuê”, bà Trân đánh giá.

Chứng kiến sự chuyển mình của lĩnh vực bất động sản công nghiệp thời gian qua, ông Đặng Trọng Đức, Tổng giám đốc KTG Industrial cho hay, trước đây, các chủ đầu tư khu công nghiệp chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng và cho thuê đất công nghiệp thuần túy. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng này đã thay đổi, nhiều khu công nghiệp được quy hoạch đồng bộ, phát triển thêm những tiện ích đi kèm nhằm tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng như khu dân cư, ký túc xá, trường dạy nghề, khu dịch vụ có bưu điện, ngân hàng, cửa hàng tiện lợi, văn phòng cho thuê… để dần tiến tới mô hình tổ hợp công nghiệp (industrial complex), đồng thời các đơn vị phát triển khu công nghiệp cũng chú trọng hơn tới yếu tố môi trường (eco-industrial park) và sự thông minh (smart industrial park).

“Đây là sự thay đổi rất tích cực và có thể mang lại sự bùng nổ cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói chung, bất động sản liền kề khu công nghiệp nói riêng trong thời gian tới”, ông Đức nói.

Quan trọng là hợp túi tiền

Từ nhu cầu tự thân của các chủ đầu tư, đến nay, bất động sản phục vụ nhóm khách hàng từ các khu công nghiệp đã trở thành một phân khúc được nhiều doanh nghiệp địa ốc quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cần lưu ý điều gì khi phát triển các dự án bất động sản liền kề khu công nghiệp và đâu là sản phẩm phù hợp?

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Huỳnh Bửu Trân cho rằng, trên thực tế, không ít chủ đầu tư dự án bất động sản liền kề khu công nghiệp đang tập trung phát triển phân khúc trung và cao cấp, điều này “lệch pha” với nhu cầu thực sự của thị trường, khi nhu cầu nhà ở bình dân phục vụ công nhân, người lao động trong khu công nghiệp rất lớn. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây chính là bài toán lợi nhuận kỳ vọng của chủ đầu tư, bởi sản phẩm trung - cao cấp thường mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm bình dân.

Để có được các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu của người lao động, theo bà Trân, rất cần sự hỗ trợ kết nối của Nhà nước. Bà Trân gợi ý, vì hiệu quả đầu tư nhà ở thấp tầng không cao, nên các chủ đầu tư có thể hướng tới việc xây nhà ở cao tầng, có diện tích vừa và nhỏ, cùng với đó là chính sách hỗ trợ từ ngân hàng để người lao động trong khu công nghiệp được vay vốn ưu đãi và để làm được điều này thì không thể thiếu vai trò kết nối của Nhà nước.

“Ở nhiều nước trên thế giới, các chủ sử dụng lao động sẽ đứng ra bảo lãnh cho công nhân vay vốn ngân hàng mua nhà, giúp họ dễ dàng tiếp cận nhà ở để yên tâm cống hiến. Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng, đơn vị phát triển dự án nhà ở, khách thuê và người lao động, đồng thời giúp chủ đầu tư khu công nghiệp giữ chân người lao động, ổn định được nhân sự”, bà Trân nói.

Còn theo bà Vũ Thị Thu Hằng, dù bất động sản liền kề khu công nghiệp có tiềm năng, nhưng để phát triển loại hình bất động sản này thì cần đảm bảo có đủ quỹ đất tại mỗi địa phương, hành lang pháp lý, điều kiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông…, đều là những yếu tố không dễ đạt được ở thời điểm này. Riêng về loại hình sản phẩm, bà Hằng cho rằng, các chủ đầu tư nên ưu tiên các sản phẩm như nhà ở chuyên gia, nhà ở cho công nhân, khu dịch vụ thương mại, hoạt động thể thao…

Chính bởi không dễ phát triển các dự án kiểu này nên các chủ đầu tư bằng những cách khác nhau để giải bài toán nhu cầu nhà ở. Đơn cử, chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh xin phép UBND tỉnh Bắc Ninh chuyển nhượng một phần đất được cấp cho 5 đối tác để phát triển các dự án nhà ở quanh nhà máy, trong khi nhiều chủ đầu tư khác lại tự phát triển cho riêng mình các hạng mục hậu cần như nhà ở, khu dịch vụ…

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp Minh Hưng - Sikico cho biết, Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico có 19,6 ha đất phát triển khu thương mại dịch vụ để phục vụ nhu cầu nhà ở, khu mua sắm, giải trí… ngay trong khu công nghiệp cho chuyên gia và người lao động.

“Khách thuê thường có xu hướng quan tâm tới các khu công nghiệp đã có sẵn khu nhà ở chuyên gia đi kèm với các dịch vụ như quán cafe, nhà hàng, cửa hàng mua sắm… để các chuyên gia của họ có thể yên tâm sinh sống và làm việc lâu dài. Nắm rõ xu hướng này, Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico đang lên kế hoạch phát triển khu thương mại, dịch vụ có đầy đủ các hạng mục như nhà ở chuyên gia, shophouse, nhà hàng, cafe… để có thể phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các chuyên gia và người lao động trong khu công nghiệp”, vị này nói.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả