Bài toán 'người nghèo mua được nhà ở'
Tương lai sẽ ra sao khi chúng ta chỉ bán cho nhau một thứ là nhà đất?
Nói về câu chuyện giá nhà đất ở Việt Nam, quan điểm của tôi là nếu nhìn trước, nhìn sau thì chúng ta sẽ thấy giá nhà đất trung tâm sẽ luôn cao, chỉ người tiền nhiều mới có thể mua được. Ngay cả khi có mở rộng trung tâm thể tăng thêm quỹ đất thì giá nhà đất khi xưa là vùng ven nay cũng lên theo, chứ không có chuyện hạ nhiệt.
Tất nhiên, nếu đi làm với thu nhập đủ sống mà đòi hỏi phải mua được đất ở trung tâm hay muốn giá trung tâm phải giảm đến độ ai cũng mua được nhà thì chỉ có trong giấc mơ mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn lại thực tế hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản bây giờ. Có thể thấy, nhà vùng ven hiện vẫn là sở hữu của những công ty bất động sản, họ nắm giữ trước so với người lao động, thu nhập thấp. Cho nên, việc muốn hạ giá nhà đất ở vùng ven giờ cũng đã rất khó.
Muốn giá nhà, đất thấp thì chỉ có nguồn từ Nhà nước xây dựng. Nếu nguồn cung này đủ lớn thì mới làm cho giá nhà đất kinh doanh giảm xuống. Tức là cung - cầu sẽ ảnh hưởng giá cả, nhưng khi có hai nguồn cung thì cầu ắt sẽ chuyển dịch vào bên nguồn cung hợp lý, giá thấp người thu nhập vừa đủ cũng có thể có nhà. Thị trường bất động sản lúc đó cũng sẽ bình ổn hơn bây giờ.
Quan điểm tất nhiên là của mỗi cá nhân, nhưng cần phải hiểu là bất động sản nhắm đến ai? Thị trường đóng băng là vì không có người mua (bởi giá bất hợp lý) chứ không phải không có người bán. Tức là khi một lúc nào đó cung lớn hơn cầu thì bất động sản phải giảm giá. Nhà đầu cơ trước sau cũng sẽ phải bán và thời gian tùy thuộc vào sức chịu đựng của người bán. Cho nên, bất động sản đóng băng, cho dù là bên nào thì rồi cũng sẽ phải trở lại do bên bán đuối sức mà thôi, và đóng băng càng lâu thì giá sẽ càng giảm.
Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế phân biệt rạch ròi bất động sản kinh doanh và bất động sản là tài sản tích lũy lâu dài. Các chính sách thuế cũng chỉ dựa theo quan điểm kiếm lời, nộp thuế, tăng thuế là xong. Hiện nay, chúng ta thường xem mua bán đất là một nghề. Mà đã là nghề thì cứ đem cái sản phẩm đó ra mua đi bán lại bằng cách đẩy giá, làm cho xã hội cứ phải đổ tiền, đổ công sức vào cái lỗ tự đào không bao giờ đầy.
Hiện nay, giá đất hàng năm tăng tới cả 100%, trong khi người lao động đi làm mỗi năm lương tăng ít hơn 5%. Vậy thì tương lai ai đi làm trong hãng xưởng để sản xuất hàng hóa, thực phẩm? Và tương lai sẽ ra sao khi chúng ta chỉ bán cho nhau một thứ mà từ đó nó làm cho xã hội khánh kiệt? Muốn để người nghèo có nhà thì cần suy nghĩ để đất không bị găm, tức dòng dịch chuyển của đất phải liên tục và nhanh chóng. Có vậy thì giá bất động sản mới thấp và người nghèo mới có thể tiếp cận.
Là người dân, tôi ủng hộ việc đánh thuế bất động sản. Nhưng cần hợp lý và đầy đủ từ người dân thường đến quan chức, từ hàng quán đến doanh nghiệp, từ môi giới đến công ty bất động sản. Còn không rốt ráo, không công bằng thì tốt nhất đừng làm. Khi đó giá nhà đất cho dù vẫn có cao, thấp nhưng sẽ hợp lý. Và những người nhiều nhà sẽ phải tự biết điều tiết hay từ bỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận