Bài toán “hạ cánh mềm” của FED còn nan giải
Mục tiêu tránh suy thoái kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (FED) còn vướng nhiều khó khăn trong công cuộc chống lạm phát.
Lùi một bước, tiến hai bước
Rạng sáng ngày 21.9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định giữ lãi suất, tiếp tục duy trì mức cao nhất trong 22 năm. Bên cạnh đó, lãi suất cao sẽ được giữ trong một thời gian dài để hạ nhiệt lạm phát.
Chủ tịch FED Jerome Powell nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu cần. Chúng tôi dự định giữ chính sách ở mức hạn chế cho đến khi lạm phát đang tiến triển bền vững theo hướng mục tiêu”.
Sau 11 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm ngoái, lạm phát đã giảm mạnh nhưng vẫn bám sát mục tiêu dài hạn 2%/năm của FED. Quyết định giữ lãi suất ở 5,25-5,5% giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Động thái này phù hợp với kỳ vọng của thị trường, không làm trầm trọng thêm khó khăn hàng triệu người Mỹ đang trải qua.
“Chúng tôi rất chú ý đến những rủi ro mà lạm phát cao gây ra cho cả hai bên” - ông Powell đề cập đến nhiệm vụ kép là giải quyết cả lạm phát và thất nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế của CitiBank bình luận: “Xét về tổng thể, đây rõ ràng là một thông điệp cứng rắn”.
Lạm phát tại Mỹ đang dần chậm lại. Sẽ có 2 kịch bản: “hạ cánh mềm” - lạm phát về mục tiêu 2% mà không gây suy thoái kinh tế hoặc “hạ cánh cứng” - lạm phát về mức mục tiêu nhưng tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Một số quan chức FED lạc quan với kịch bản đầu tiên, nhưng Cục Dự trữ Liên bang vẫn phải đối mặt với một số bất ổn kinh tế trong những tháng tới. Có thể kể đến việc nối lại thanh toán khoản vay sinh viên, chi phí năng lượng tăng cao, tâm lý mệt mỏi của người tiêu dùng do lạm phát và những tác động chậm trễ của việc tăng lãi suất trước đó.
Mục tiêu “hạ cánh mềm”
Trong cuộc họp báo, Chủ tịch FED Powell một lần nữa khẳng định “hạ cánh mềm” là mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang. Nếu không làm giá cả trở lại ổn định, lạm phát sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, mục tiêu tránh suy thoái có thể bị ảnh hưởng bởi “các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát”.
Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể. Chi tiêu cho du lịch, dịch vụ vẫn mạnh mẽ, nhưng vẫn cần thời gian để chứng minh sức tăng trưởng ổn định.
Điều đó khiến các quan chức FED phải điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới.
Ông Powell nói: “Không phải GDP, việc làm và giá cả ổn định mới là nhiệm vụ chính”.
Các nhà kinh tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong năm nay, không rơi vào suy thoái.
Một rủi ro khác nổi lên gần đây là sự biến động trên thị trường năng lượng. Giá dầu mỏ lên cao do Ả rập Saudi và Nga cắt giảm sản lượng cũng như vụ vỡ đập tại Libya.
Theo AAA, giá xăng dầu hiện mức 3,88 USD/gallon - mức cao nhất kể từ tháng 10.2022. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,7% trong tháng 8 so với một năm trước đó, nguyên nhân chính do giá xăng dầu leo cao. Nếu tình trạng này kéo dài, lạm phát sẽ trở nên dai dẳng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải.
“Giá năng lượng tăng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu theo thời gian, có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát. Chúng ta có xu hướng xem xét sự biến động ngắn hạn và xem xét lạm phát cơ bản, vì vậy câu hỏi đặt ra là mức giá cao hơn đó sẽ duy trì được trong bao lâu?” - người đứng đầu FED phân tích.
Một số nhà kinh tế dự kiến nhu cầu sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm, giúp giảm bớt áp lực cho giá xăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận