menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Kiều Trang

Bài toán bình ổn thị trường khi xăng dầu tăng giá

Tăng cường kiểm soát để giữ ổn định thị trường dịp cuối năm

Xăng dầu đang vào đà tăng giá rất cao, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề “kiềm chế đà tăng” đã được đặt ra nhưng có dễ thực hiện?

Tăng theo giá thế giới hoặc giảm thuế

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021, theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, nếu không sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá (BOG), xăng E5RON92 sẽ tăng hơn 2.500 đồng/lít, xăng RON95 sẽ tăng gần 1.900 đồng/lít.

Từ đầu năm 2021, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, tránh gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định chi Quỹ BOG cho xăng E5RON92 ở tất cả các kỳ điều hành, xăng RON95 được chi 16/20 kỳ điều hành; các mặt hàng dầu được chi khoảng 50% số kỳ điều hành. Tổng mức chi Quỹ BOG đã lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Dù thế, giá các mặt hàng xăng dầu vẫn liên tục tăng và đã lên cao nhất trong vòng 7 năm nay vào kỳ điều hành mới nhất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, hiện nay giữ được giá xăng dầu hoặc giảm được là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất có thể. Tuy nhiên, việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành đang ngày càng hẹp. Hiện chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 “hoặc tăng theo giá thế giới hoặc phải giảm thuế” - ông Hải nói trong cuộc họp điều hành giá mới đây.

Được biết, Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về việc hiện cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xăng dầu (bao gồm các loại thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường). Trong khi đó, các dự báo đều cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và khả năng trong quý IV có thể tăng lên 105-110 USD/thùng.

Ông Hải khẳng định, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì cơ quan điều hành phải có dư địa để điều chỉnh. Còn nếu không có công cụ gì, giá xăng dầu trong nước sẽ phải tăng đúng theo giá thế giới.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, rất khó để “kìm” được đà tăng giá xăng dầu hiện nay vì phải theo thị trường thế giới. Tuy nhiên, tùy theo từng quốc gia, nếu có chính sách hợp lý thì có thể có mức tăng thấp hơn so với mức tăng của thế giới. Ở Việt Nam có 2 “van” điều hành là Quỹ BOG và chính sách tài chính. Quỹ BOG thì đang cạn kiệt, chỉ còn duy nhất công cụ là thuế.

Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho biết, các đơn vị đã có đề xuất cần giảm các mức thuế, để có thể giữ được mức tăng thấp nhất cho xăng dầu trong tình thế hiện nay.

“Chỉ có thể giảm bớt các mức thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu mới có thể “hạ nhiệt” được mức tăng trong thị trường nội địa, tránh tác động mạnh đến nhiều ngành, lĩnh vực sử dụng xăng dầu như một nguyên liệu đầu vào. Đó cũng là cách chia sẻ với người dân trong tình thế tất cả chúng ta đều đang khó khăn do dịch COVID-19” - đại diện một đơn vị kinh doanh xăng dầu chia sẻ.

Chủ động “giữ giá” trong dịp cuối năm

Nguyên nhân được nhận diện gây áp lực lên mặt bằng giá thời gian qua có thể kể đến như một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistic tăng; giá xăng dầu, LPG trong nước do tác động từ giá thế giới tăng mạnh khi nhu cầu chung thế giới tăng…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát năm 2021 đảm bảo nằm trong tầm kiểm soát và ở mức thấp. Nhưng điều này sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát năm 2022, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Do đó, cần phải có cơ chế điều hành linh hoạt trong giai đoạn hiện nay, để vừa giữ ổn định mặt bằng giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có đà cho điều hành giá năm tới.

Trước mắt, trong khi khó chủ động với mức tăng giá của xăng dầu thì có một số mặt hàng các nhà điều hành có thể “xử lý”. Cụ thể, đối với mặt hàng điện, Thứ trưởng Hải khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng không tăng giá điện để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống người dân dịp cuối năm (lần tăng giá điện gần đây nhất vào tháng 3/2018).

Riêng với các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường, vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương đều phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để rà soát nhằm đảm bảo được nguồn cung hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý để tránh các hiện tượng tăng giá vào giai đoạn nhạy cảm hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại