menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Bài học từ sự tách rời kinh tế Mỹ - Trung

Từ những suy nghĩ về sự tách rời kinh tế Trung – Mỹ liệu tốt/xấu như thế nào đối với Trung Quốc, đến đọc Joel Mokyr bàn luận về Định luật Cardwell, rồi những trải nghiệm khi làm việc với tập đoàn, các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, và sự tự trải nghiệm chính bản thân mình trong công việc của chính mình, thấy có được rất nhiều bài học đáng phải suy ngẫm kỹ nên viết ra vừa là để chia sẻ, vừa tìm kiếm sự tranh luận, cũng như gợi mở những tìm tòi sâu hơn.

Cuộc chiến Trung – Mỹ hiện nay, trong đó có hai chủ điểm đáng chú ý ở đây, là cuộc chiến công nghệ và sự tách rời kinh tế Trung – Mỹ, nhìn trước mắt, có thể thấy những tổn thất, những rủi ro và cả những điều không tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách toàn cục, điều này lại rất tốt và cần thiết cho sự phát triển của Trung Quốc trong vai trò mới – một cường quốc. Đây thực sự là một cuộc cách mạng Trung Quốc cần phải trải qua để lột xác thực sự, vứt bỏ được lớp vỏ hiện tại đang kìm hãm sự phát triển thực chất của Trung Quốc để đạt tới một chất lượng phát triển mới dựa trên sự tự chủ, độc lập và hoàn thiện những nền tảng cơ bản nhất cho sự phát triển.

Tại sao lại vậy? Trả lời câu hỏi này một cách hợp lý sẽ cho thấy những bài học rất hay, và tôi sẽ lồng ghép nó vào những câu chuyện về các tập đoàn, các doanh nghiệp Việt Nam, về chính bản thân mình và sử dụng những luận bàn của Mokyr về Định luật Cardwell.

Bất kỳ sự phát triển nào của “một kẻ đi sau” sẽ luôn và không thể tách rời những nền tảng của “những kẻ đi trước”. Chính mối quan hệ biện chứng này, tạo nên một sự đan xen chặt chẽ các mối quan hệ ràng buộc nhau trong sự phát triển. Bản chất của toàn cầu hóa và đi cùng đó là các nền tảng liên kết toàn cầu chính là tạo nên mảnh đất màu mỡ cho việc nuôi dưỡng những mối quan hệ này, mà nhờ đó tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu. Toàn cầu hóa đã giúp thúc đẩy một cách mạnh mẽ sự phát triển của công nghệ và kỹ nghệ sản xuất toàn cầu, khi các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị gia tăng, chuỗi công nghệ và chuỗi tài chính cho phép tổ hợp nên nhanh hơn và hiệu quả hơn các phương thức sản xuất, cung ứng, dịch vụ và giá trị cho các nước tham gia vào cuộc chơi toàn cầu này. Toàn cầu hóa đã cho phép chúng ta sử dụng được nhiều “giá trị sử dụng” hơn với nguồn lực như nhau. Nhưng, toàn cầu hóa, cũng tạo nên những carten độc quyền ở cấp độ toàn cầu. Và theo Định luật của Cardwell – không một nước nào nắm giữ vai trò lãnh đạo về công nghệ trong một thời gian quá dài – dưới cách luận giải của Mokyr, việc mất đi sự cạnh tranh sẽ tạo ra các lợi ích được đảm bảo bởi các công nghệ hiện tại, và những lợi ích này tạo ra nỗ lực ngăn chặn các công nghệ mới, những thứ sẽ đào thải chúng theo cùng cách mà chúng đã loại bỏ thế hệ công nghệ trước đó. Trong cái cách mà toàn cầu hóa tạo nên sự độc quyền ở cấp độ toàn cầu trong sự phụ thuộc nhau một cách mong manh, với những cơ chế tinh vi của các quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền công nghệ, nó đã ngầm tạo ra những “ảo tưởng vị thế độc quyền tự nhiên”. Cuộc chiến công nghệ trong lĩnh vực 5G là một ví dụ tuyệt vời cho vấn đề này.

Khi phương Tây giật mình với những thành tựu về công nghệ 5G và sự chi phối của những gã khổng lồ Trung Quốc như Huawei, ZTE, họ đã thấy được sự thất thế của mình và những rủi ro mà họ có thể phải gánh chịu. Chính toàn cầu hóa đã làm mất đi những động lực đổi mới sáng tạo về công nghệ 5G tại các nước phương Tây bởi những lợi ích được đảm bảo bởi sự độc quyền ở cấp độ toàn cầu mong manh của sự sắp đặt các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, chuỗi công nghệ và chuỗi tài chính đã tạo ra. Đối với bản thân Trung Quốc, sự tỉnh thức của phương Tây cũng có một ý nghĩa quan trọng trong việc thức tỉnh chính Trung Quốc và các gã khổng lồ của mình về sự mong mang của vị thế thượng phong do độc quyền ở cấp độ toàn cầu đó tạo ra. Bởi chính cái carten tạo ra vị thế độc quyền đó, thực ra lại rất mong manh, khi nó phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác nhau, và những quyết định chính trị lên kinh tế có thể làm vỡ vụn cái vị thế độc quyền đó. Khi Chính quyền Trump ra những quyết định ngăn cản về bí quyết công nghệ, cung ứng linh kiện và cả cản trở quyền tham gia thị trường của Huawei, chúng ta đã thấy rõ điều này.

Sự tách rời kinh tế Trung – Mỹ này, do vậy, có một ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sức ép cạnh tranh mới mà theo Mokyr, điều đó làm mất đi ý nghĩa của Định luật của Cardwell. Với phương Tây, nó sẽ thúc đẩy những đổi mới sáng tạo để bù lấp vào khoảng trống mà họ vừa tạo ra, và tạo nên một vị thế cạnh tranh với Trung Quốc. Với Trung Quốc, điều này lại có ý nghĩa tích cực trong việc tạo ra một cú shock cho phép Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy các tập đoàn của mình phải “thực sự lớn lên trên đôi chân của mình” và không được ngủ quên trên những lợi thế và lợi ích đạt được nhờ vị thế độc quyền mong manh mà toàn cầu hóa tạo ra. Trong một điều kiện bình thường, điều này là rất khó, bởi sẽ chẳng có động lực để cho các tập đoàn này chuyển đổi khi họ vẫn đang hưởng lợi và tạo ra hiệu quả từ cái cách họ vẫn đang làm, cho dù họ ý thức được sự mong manh của nó. Cú shock này có ý nghĩa quan trọng, một bước lùi để tiến vững chắc, không những chỉ tạo ra động lực thúc đẩy chuyển đổi thực sự bởi sự sống còn tạo ra sức ép, nó còn cho phép tạo nên một cơ hội tuyệt vời để tái cấu trúc lại toàn bộ cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc, trong đó lấy chuỗi cung ứng nội bộ làm chủ đạo, lấy thị trường nội địa làm nền tảng và sự tự chủ về công nghệ làm cơ sở để khẳng định vị thế cường quốc của mình. Xin phép giải thích một cách sơ lược vấn đề để nắm ý được vậy.

Nhìn vào các tập đoàn, các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay qua những tiếp xúc, trải nghiệm và hiểu biết của mình, tôi thấy rõ yếu điểm lớn nhất của chúng chính là nằm ở đây, ở cái vị thế “độc quyền tự nhiên” mà các tập đoàn, các doanh nghiệp có được, và nhờ đó “ăn nên làm ra” nhưng nó cũng là rào cản lớn nhất cho sự đổi mới thực sự của các tập đoàn, các doanh nghiệp này. Thị trường Việt Nam có một nghịch lý, sự cạnh tranh khốc liệt ở các tầng thấp của thị trường, nhưng càng lên cao tính độc quyền càng cao, và bản thân sự cạnh tranh “khốc liệt” giữa các tập đoàn lớn với nhau, thực sự cũng không phải là một sự cạnh tranh mang tính chất thị trường, mà là một sự cạnh tranh trong việc thương lượng để “phân chia” và “thao túng” thị trường. Doanh nghiệp càng nhỏ, càng phải cạnh tranh khốc liệt, do vậy, nhu cầu đổi mới, sáng tạo và thay đổi của họ rất lớn, nhưng vì nhỏ, họ lại không có khả năng có được các nguồn lực, các điều kiện để làm tốt việc này. Các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, ngược lại, có nhiều nguồn lực, có nhiều điều kiện, nhưng vì các miếng bánh đang thuận lợi cho họ nên việc gặm các miếng bánh đó đối với họ là tốt rồi và không cần thiết phải có những sự đổi mới, sáng tạo thực sự để làm gì, và họ không có nhu cầu phải đổi mới, sáng tạo. Đây là một trở ngại rất lớn đưa đến một thực trạng chung:

+ Việt Nam chưa có và khó có một công ty quốc tế, chứ chưa nói đến công ty toàn cầu.

+ Điểm yếu cốt tử của các tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam nằm ở năng lực quản trị, nó thực sự chủ yếu là “đi mượn”, “bắt chước”, chứ hầu như không có những “công nghệ lõi” tạo nên tính cạnh tranh thực sự từ năng lực quản trị, và sự yếu kém trong năng lực quản trị được bù lấp bởi hiệu quả từ sự thuận lợi mang tính “độc quyền do vị thế” kia tạo ra, tạo ra một cảm giác cũng cần phải thay đổi đấy, nhưng sự thay đổi đa phần chỉ dừng lại ở ý nghĩ và hình thức.

+ Các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào “bên ngoài”, tức là rất khó để “thực sự lớn trên đôi chân của mình” ở tầm quốc tế.

Và tự chính sự trải nghiệm từ chính bản thân mình, trong những ngày tháng cam go đầy thử thách mà tôi phải trải qua thời gian cho đến giờ đã buộc tôi phải điều chỉnh những phương thức hết sức “phức tạp” của mình bởi sự dựa dẫm vào vị thế mà nó sinh ra, để rồi đem nó ra thực tiễn, áp dụng và “kiếm sống” cho sự tồn tại của mình, khiến nó ngày một “giản đơn” hơn. Chính sức ép của cuộc sống đã buộc tôi phải không ngừng đổi mới, sáng tạo phương thức của mình để thích nghi với thực tiễn, sống còn được bởi nó. Và mỗi lần khi bắt đầu có thể xuôi xuôi được một chút, thì những thách thức mới lại tạo ra sức ép mới, khiến tôi phải không ngừng thay đổi tiếp tục.

Như vậy, có thể rút ra bài học: Để thực sự lớn trên đôi chân của mình, kể cả khi có những sự hỗ trợ đằng sau, bạn thực sự phải bị đẩy vào một sức ép của sự sống còn đến tận cùng. Các tập đoàn của Trung Quốc có thể phát triển và lớn mạnh nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, nhưng để lớn thực sự và để trở thành những đội quân tiên phong cho Giấc mộng Trung Hoa, họ phải thực sự lớn bằng năng lực tự chủ của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, giờ không phải là lúc bàn về việc kinh tế thị trường là gì và câu chuyện giữa tư nhân hay nhà nước, vì về bản chất, doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước ở Việt Nam, đôi khi sự quản trị chẳng khác gì nhau là mấy, để kinh tế Việt Nam thực sự phát triển, để có cái gọi là kinh tế thị trường thực sự ở Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải được đẩy vào một cuộc chiến sinh tử mà ở đó năng lực quản trị và tự chủ công nghệ phải trở thành trung tâm cạnh tranh giữa các tập đoàn, các doanh nghiệp với nhau. Và với chính bản thân mình, tôi thấm hiểu hơn để có thể thực hiện được sứ mệnh vận hành cái hệ thống khổng lồ mà mình được dự định, thì điều quan trọng là mình phải có khả năng sống còn và vượt lên trong mọi hoàn cảnh, chỉ như vậy mới có đủ ý chí, bản lĩnh và trình độ để vận hành, chứ không phải là sự ảo tưởng về năng lực và tri thức.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại