Bài học từ Singapore cho tái thiết nền du lịch Việt
Du lịch thế hệ mới theo định hướng bền vững trong tương lai là điều mà Việt Nam có thể học hỏi được từ những kinh nghiệm phát triển ngành du lịch của Singapore.
Xem xét nghiêm túc vấn đề bền vững
Ngày 10/2/2021, Chính phủ Singapore đã công bố một phong trào toàn quốc mang tên "Kế hoạch xanh đến năm 2030" nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia Singapore về phát triển bền vững.
Lý giải về việc Singapore tập trung vào tính bền vững trong thời điểm hiện tại, bà Jeannie Lim, Tổng cục phó khối chính sách và kế hoạch của Tổng cục du lịch Singapore cho biết, càng ngày, con người càng nhận ra rằng tính bền vững không chỉ là một điều tốt, mà còn là điều đúng đắn.
“Với môi trường mà chúng ta đang sống, tôi nghĩ Covid-19 càng đề cao nhu cầu và sự cấp thiết của tính bền vững khi các biên giới đều đóng cửa và các chuỗi cung ứng đều bị gián đoạn. Đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét vấn đề về tính bền vững một cách nghiêm túc”, bà Jeannie Lim nói trong talk show "Nguy Cơ" do VnExpress và S-World phối hợp thực hiện.
Là một chủ doanh nghiệp đã sinh sống và làm việc hơn 25 năm tại Singapore, ông Lê Hữu Huy, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Vietnam Global Network tại Singapore cho biết, trước đây quốc gia này đã có các giải pháp về một môi trường xanh và sạch, thậm chí đã thực hiện từ trước khi kế hoạch phát triển bền vững được đưa ra.
Ông Huy cho rằng, đó không chỉ là hình mẫu cho Việt Nam mà còn cho cả Đông Nam Á, thậm chí cho cả thế giới.
Kế hoạch xanh đến năm 2030 của Singapore nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững toàn diện, trong đó thiết lập các mục tiêu “phủ xanh” 80% tất cả tòa nhà vào năm 2030 như một phần cam kết trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và thỏa thuận Paris.
Cụ thể, Bộ Môi trường bền vững trực thuộc chính phủ Singapore tập hợp nỗ lực của các cơ quan khác nhau, nhằm hướng tới một số mục tiêu chính như trồng thêm một triệu cây xanh, tăng gấp bốn lần sản lượng năng lượng mặt trời vào năm 2025, giảm 30% chất thải được đưa đến bãi chôn lấp đến năm 2030.
Theo bà Jeannie Lim, năm 2021 là giai đoạn đầu Singapore triển khai kế hoạch xanh, trong đó có năm mục tiêu chính được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm gồm: thành phố giữa thiên nhiên, cuộc sống bền vững, thiết lập lại mục tiêu năng lượng, nền kinh tế xanh và tương lai kiên cường.
Ngoài ra, bà Jeannie Lim cũng nhận định, Singapore là một quốc gia nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, vì vậy chính quyền Singapore ý thức rất rõ và khá chú trọng về nguồn nước kể từ những ngày đầu triển khai kế hoạch, đảm bảo Singapore có thể tự cung tự cấp nước, năng lượng, thực phẩm,...
Lấy đó làm tiền đề phát triển du lịch, bà Jeannie Lim cho biết người dân Singapore đã ý thức rõ hơn về tính bền vững và muốn cẩn thận lựa chọn các điểm đến bền vững khi đi du lịch.
Singapore và tầm nhìn du lịch bền vững vượt bậc
Hiện tại, Singapore đang tập trung sử dụng công nghệ để giúp các công ty du lịch đo lường nỗ lực và tiến độ. Điển hình, vào tháng 4/2020, Tổng cục Du lịch Singapore đã đưa ra chỉ số chuyển đổi du lịch.
Đây là một công cụ tự chẩn đoán mà các công ty có thể sử dụng để biết được tiến độ phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi đó. Chỉ số này gồm rất nhiều giải pháp kỹ thuật số và công nghệ, vị trí của công ty đó trong lĩnh vực số hóa và cách họ sử dụng các giải pháp cho các mục đích khác nhau, ví dụ như chuyển đổi kinh doanh, hoặc theo đuổi sự bền vững.
Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng thành phố giữa thiên nhiên là định hướng chung bước đầu của đảo quốc sư tử nhằm tạo ra sự cân bằng, hòa hợp song song với phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước thông qua hình thức phát triển du lịch.
Cụ thể, tính bền vững luôn được nhấn mạnh trong mỗi dự án du lịch của Singapore, tập trung vào yếu tố tự nhiên tại các danh thắng nổi tiếng hoặc địa điểm du lịch nổi bật như khu bảo tồn động vật hoang dã Singapore với vườn thú về đêm Night Safari, River Safari; hay khu nghỉ dưỡng tích hợp Marina Bay Sands. Đây cũng là định hướng chính trong khuôn khổ dự án phục hồi du lịch đảo quốc hậu đại dịch mang tên SingapoReimagine (hình dung lại, trải nghiệm mới) của Tổng cục Du lịch Singapore.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng có giải pháp dành cho các doanh nghiệp nhà nước theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điển hình, Tổng cục Du lịch sẽ đóng vai trò điều hành các đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch ở Singapore bằng cách phát triển hệ thống TRUST, tập trung vào travel (du lịch) và regulatory (quy định).
Đây là một hệ thống chuyên cấp và gia hạn giấy phép du lịch cũng như giấy phép hướng dẫn viên. Qua hệ thống được số hóa này, các đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch chỉ cần truy cập vào hệ thống trên điện thoại di động hoặc vào mạng để gia hạn và xem thời gian trả phí gia hạn giấy phép.
Vì vậy, các công ty du lịch ở Singapore, các khách sạn, điểm du lịch, trung tâm hội nghị đã bắt đầu suy nghĩ về cách điều hành cơ sở kinh doanh một cách bền vững, cũng như cách để giúp du khách ý thức được điều đó khi đến tham quan. Bên cạnh đó, một phần cốt lõi trong chiến lược du lịch bền vững là xem xét các phương thức để biến du lịch thành một trải nghiệm thú vị và có ý nghĩa đối với du khách.
Mở cửa và kết nối quốc tế - cơ hội cho láng giềng Việt Nam
Hơn một năm qua, do tác động nghiêm trọng từ dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hầu hết các công ty lữ hành buộc phải tạm ngừng hoạt động, hướng dẫn viên không có việc làm; cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí phải đóng cửa để cùng cả nước chung tay chống dịch.
Theo thống kê, ngành du lịch Việt Nam là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bốn lần dịch Covid-19 bùng phát và là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước đang rất cần một kịch bản hồi sinh sau “cơn bĩ cực” lần thứ tư. Hơn lúc nào hết, ngành du lịch Việt Nam đang cần “lấy hơi” để tái khởi động sau đại dịch.
Từ cuối tháng 9/2021, sau nhiều tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các tỉnh thành trên khắp Việt Nam đã dần mở lại các loại hình dịch vụ và ngừng yêu cầu giới nghiêm.
Đây là một dấu hiệu tích cực góp phần thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch.
Đây cũng là cơ hội để mở ra nhiều hướng đi mới cho Việt Nam, và hơn lúc nào hết, đây là lúc Việt Nam cần tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước láng giềng, nổi bật là Singapore.
Ông Huy cho rằng, thành công của Singapore phụ thuộc phần lớn vào ý thức và nỗ lực của người dân. Ngoài ra, ông hy vọng Việt Nam có thể triển khai những kế hoạch tương tự để cải thiện bức tranh chung của ngành du lịch Việt.
Qua đó, Việt Nam có thể triển khai mô hình du lịch MICE (Meeting - hội họp, gặp gỡ, Incentive - khen thưởng, Conference - hội nghị, hội thảo, Event - sự kiện, triển lãm) để tổ chức hội thảo hoặc workshop kết nối giữa doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, Singapore đã triển khai diễn đàn Đối thoại toàn cầu tái hình dung Singapore, trong đó kết hợp những hiểu biết liên quan đến du lịch với các ý kiến chuyên gia toàn cầu để tập hợp và hình dung lại ngành du lịch toàn cầu trong tương lai.
Bà Jeannie Lim hy vọng thông qua diễn đàn này, các chuyên gia toàn cầu có thể cung cấp một nền tảng để khán giả Việt Nam trao đổi các giải pháp và ý tưởng với nhau và với Singapore, đồng thời hình dung trải nghiệm du lịch thế hệ mới theo định hướng bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ tổ chức diễn đàn Kinh tế mới của Bloomberg tại Singapore từ ngày 16 - 19/11/2021 với thành phần tham dự là các nhà lãnh đạo tư tưởng cũng như các chính trị gia toàn cầu. Đó cũng là cơ hội để chia sẻ và trao đổi thông tin quan trọng liên quan đến các vấn đề như kiểm soát Covid-19 và khả năng phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.
Bà Jeannie Lim tin rằng có rất nhiều cơ hội để Singapore và Việt Nam tiếp tục hợp tác, và Việt Nam chắc chắn là một phần rất quan trọng của ASEAN và là một đối tác rất quan trọng của Singapore.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận