menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Bài học từ lịch sử phát triển

Nhân việc rất nhiều người đang bàn tán về một biểu đồ số liệu của WB cho thấy vào giữa những năm 1980 thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc và Việt Nam tương đương nhau, nhưng đến nay Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần Việt Nam, và cũng thực sự chưa có sự phân tích nào hệ thống và thỏa đáng về điều này, phần nhiều vẫn là sự mỉa mai, và đa phần là những kiểu “tại không nghe này nọ” của các trí thức Tây học.

Tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình về đề này một cách hệ thống hơn, nhằm lắng nghe những sự phản biện và góp ý để hoàn thiện hơn cách chúng tôi nhận thức về những vấn đề phát triển của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với Trung Quốc. Do hạn chế về trình bày, tôi sẽ chủ yếu nêu kết luận mà sẽ không trình bày các phân tích một cách chi tiết.

Nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia đòi hỏi cho nó phải có một “hình mẫu mục tiêu” làm đối tượng cạnh tranh – đối thủ/kẻ thù. Thực tế, lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh thực tiễn này rất rõ rệt, nhưng nó chủ yếu nằm trong những phân tích kinh tế chính trị, mà không nằm trong những phân tích, nghiên cứu về kinh tế học và kinh tế phát triển, do vậy, các vấn đề về phát triển vẫn chỉ chủ yếu xoay quanh các vấn đề “kỹ thuật” mang tính nội tại và tương quan giữa các chủ thể phát triển [quốc gia] mà không được xem xét từ góc độ tương quan cục diện toàn cầu về sức mạnh quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc gia trong việc xác lập các trật tự toàn cầu. Nước Mỹ để phát triển được như ngày hôm nay, gốc rễ là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Anh và châu Âu lục địa trong việc xác lập vị thế bá chủ toàn cầu, cuộc chiến bắt đầu hiện rõ từ 1911 và đến sau 1945 thì Mỹ đã giành được phần chủ đạo với việc kiểm soát được những trụ cột quan trọng nhất: tiền tệ, trật tự cho các dàn xếp quốc tế giữa các quốc gia theo một đồng thuận chung (Đồng thuận Washington), và sự chi phối về mặt tư tưởng (các học thuyết kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... mang tính chi phối, chủ lưu) để đặt định ra các định chuẩn cho toàn cầu.

Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai, với sức mạnh và ý chí của một bên chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã thách thức vị thế này của Mỹ, nhưng Liên Xô đã không giành được ưu thế trong cả ba trụ cột này nên đã thất bại và dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 và theo đó là cả hệ thống các nước XHCN tại Đông Âu.

Trung Quốc, sau khi phát triển theo đường hưởng của cải cách từ cuối những năm 1970 và “thấm đòn” của sự kiện Thiên An Môn, đã nhận thức rất rõ cách thức để Trung Quốc có thể trỗi dậy, đó là phải thách thức được vị thế của nước Mỹ, và coi đó là định hướng phát triển chủ đạo của mình, là động lực và cũng là cách thức để linh hoạt thiết lập cách thức phát triển cho chính mình. Năm 1994, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức tuyên bố Mỹ là kẻ thù số một của mình, một điều được ghi khắc vào mọi văn kiện một cách chính thức và không chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và với tình thế còn yếu kém của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã kiên trì quan điểm “nằm im chờ thời”, nhưng mọi hoạch định chiến lược phát triển của Trung Quốc đều lấy Mỹ làm trung tâm cho định hướng của mình.

Trung Quốc đã làm gì? Xác lập có 4 trụ cột chính, và bản thân rút kinh nghiệm từ đau thương của Thế kỷ ô nhục, khi cuộc chiến tranh Nha phiến và sự xâm lược của các đế quốc xâu xé Trung Quốc trong thế kỷ 19, Trung Quốc đã nhận thức: 1) Phải từng bước nắm được và làm chủ về mặt khoa học – công nghệ - kỹ thuật, bám chặt lấy Mỹ và các nước phương Tây vừa học hỏi, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh; 2) Làm chủ được tài chính – tiền tệ; 3) Khôi phục được nền tảng tư tưởng Trung Hoa thông qua cái mà sau này Tập Cận Bình hệ thống hoàn chỉnh thành Giấc mộng Trung Hoa, trong đó có sự khôi phục những giá trị truyền thống theo hướng tích cực; học tập những thành tựu và tiến bộ của nhân loại; chuyển hóa thành một hệ tư tưởng mới cho sự phát triển của Trung Quốc một cách tiến bộ; 4) Từng bước thách thức trật tự quốc tế do Đồng thuận Washington tạo nên bằng cách tham gia, tham gia tích cực, từng bước chi phối, rồi thiết lập một hệ thống song song để vừa thay thế, vừa tiếp quản hệ thống này một cách có lợi nhất cho Trung Quốc – Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cùng một loạt thể chế quốc tế khác do Trung Quốc thiết lập như AIIB, Quỹ Con đường Tơ lụa... Các phe phái trong nước có thể cạnh tranh nhau về chính trị, cho dù có khốc liệt, nhưng những gì thuộc về đường hướng phát triển của một cường quốc Trung Hoa thì tuyệt nhiên không hề thay đổi, mà sẽ luôn được tiếp thu, duy trì và phát triển ngày một tốt hơn ở các lớp đi sau. Chính vì thế mà có những con người như Vương Hộ Ninh, ba đời làm công tác lý luận và xây dựng các đường lối phát triển cho ba đời Tổng bí thư đều hiệu quả là vì thế.

Đến nay Trung Quốc đã thực hiện được cả 4 trụ cột trên và đang từng bước củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế, trong việc tham gia thiết lập trật tự quốc tế và tham gia vào các công tác quản lý toàn cầu. Do vậy, sự phát triển của Trung Quốc trong tương quan so sánh với Việt Nam có sự cách biệt như vậy là một điều hết sức bình thường. Cái không bình thường là họ tiến quá nhanh, quá xa, mà chúng ta thì có tiến, nhưng tiến rất chậm và càng tiến thì càng tạo ra thêm nhiều trở ngại cho những bước tiến tiếp sau. Đó thực là điều đáng cần bàn, cần nghĩ và cần có giải pháp.

Việt Nam thiếu một định hướng phát triển chủ đạo, tôi muốn nói đến phát triển theo nghĩa tổng thể, chứ không phải chỉ là phát triển kinh tế. Chúng ta chưa có một phương thức phát triển hoàn thiện, nhưng cũng lại thiếu một “đối tượng” mục tiêu. Trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta không thể coi họ là kẻ thù, nhưng thực tiễn trong dân chúng lại nuôi dưỡng quan điểm họ như một kẻ thù, để rồi, chúng ta bảo học họ thì cũng không tới, quan hệ một cách tích cực để nương theo sự phát triển của họ mà phát triển mình thì cũng không tới, vì xu hướng dư luận trong nước ta như vậy, chỉ luôn kích động đối phương “kiềm hãm” chúng ta nhiều hơn là “bắt tay” với chúng ta. Với Mỹ, với các nước EU, với Nga, với các nước Đông Á, chúng ta đều cũng dừng ở tình trạng nửa chừng, bắt chước nhưng đều không tới nơi, cũng không coi ai là đối thủ cạnh tranh hay đối tượng mục tiêu được.

Rốt cuộc, với cái tư tưởng dĩ hòa vi quý cả làng, đi dây cân bằng, chúng ta không thể tìm ra được cho mình thực sự con đường phát triển của mình là đâu. Và điều quan trọng nhất, không phải là cứ áp dụng các lý thuyết phát triển hay kinh tế thị trường tự do thì chúng ta sẽ phát triển được – đó là một ảo tưởng do phương Tây tạo dựng ra để kiềm hãm các nước kém và đang phát triển, bẫy thu nhập trung bình tồn tại là vì đó. Để phát triển được, cần phải tham dự được vào việc sắp đặt tương quan toàn cầu về vị thế giữa các quốc gia. Những chỉ số phát triển về GDP, về các chỉ số A, B, C... nào đó chỉ là ảo ảnh về cảm giác phát triển mà thôi. Nếu không tham dự được vào tương quan kia, chúng ta càng phát triển sẽ càng phụ thuộc, càng phát triển càng bị thao túng sâu hơn, và càng để lâu, chúng ta càng lún sâu vào vị thế của một nước phụ thuộc, một đối tượng để “vắt chanh” hay một “đàn cừu” mà thôi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại