Bài học từ lạm phát Mỹ
Cơn ác mộng lạm phát sắp chấm dứt rồi. Giờ là lúc điểm lại những bài học từ nó
Bài học từ lạm phát Mỹ
Thử hình dung bạn phát hiện người thợ máy chuyên bảo dưỡng xe cho bạn suốt nhiều năm qua chỉ hiểu mơ hồ về cách hoạt động của một động cơ. Bạn cứ tưởng họ đã làm rất tốt nhưng hóa ra, họ chỉ ăn may.
Khi phát sinh sự cố lớn đầu tiên, họ không biết phải làm gì. Tiếp theo, bạn phải gọi Uber để đến chỗ làm và tự hỏi liệu giá xe cũ đã giảm hay chưa.
Điều tương tự đã xảy ra trong các "cửa hàng bảo dưỡng lạm phát" của toàn thế giới, còn gọi là các ngân hàng trung ương. Trong suốt 30 năm, cục Dự trữ liên bang (Fed), ngân hàng Anh và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng các tổ chức tiền nhiệm của họ luôn giám sát lạm phát ở mức thấp và ổn định. Đổi lại, giới hoạch định chính sách được khen ngợi vì đã vận dụng kiến thức chuyên môn lần phán đoán sáng suốt vì lợi ích chung.
Sự bùng nổ giá cả hậu đại dịch khiến giới quan chức tiền tệ bị nhìn nhận bằng con mắt khắt khe hơn. Các ngân hàng trung ương đã không lường được lạm phát, để khi nó đến, họ bảo đó chỉ là "tạm thời." Khi lạm phát mãi không hết, họ đối phó bằng những công cụ sai lầm khi thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất với rủi ro gây ra suy thoái, khủng hoảng tài chính hoặc thậm chí cả hai.
Trong quá trình đó, cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xây dựng một khung chính sách tiền tệ dài hạn mới để rồi phải tự mình hủy bỏ nó, khi việc cho phép lạm phát vượt quá mục tiêu 2% được chứng minh là một quyết định thiếu khôn ngoan. Chưa kể vụ việc ba quan chức hàng đầu của Fed phải rời ghế sau khi những hoạt động giao dịch của họ gây ra những quan ngại về mặt đạo đức bị lộ ra ngoài.
Những thất bại này để lại nhiều hậu quả. Trên khắp nước Mỹ và châu Âu, các hộ gia đình đối mặt giá cả sinh hoạt tăng cao vượt xa thu nhập, một loại "thuế lạm phát" làm giảm chất lượng cuộc sống.
Giờ đây, khi lạm phát cuối cùng cũng giảm dần về mức mục tiêu, chủ tịch Fed là Jerome Powell cùng các đồng nghiệp sẵn sàng tuyên bố họ đã "hoàn thành nhiệm vụ" và đầu không ngoảnh lại. Nhưng điều họ (lẫn chúng ta) nên làm là kiểm điểm lại những gì đã sai, để có thể ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa.
Trong hệ thống hiện tại của chúng ta, các ngân hàng trung ương độc lập là những chiến binh chống lạm phát duy nhất và vũ khí ưa dùng của họ là lãi suất. Tại sao lại độc lập? Vì khi các chính trị gia ra quyết định, họ luôn gặp áp lực phải tạo ra tăng trưởng ngay trước mỗi cuộc bầu cử. Kết quả là họ đưa ra những quyết định ngắn hạn, chẳng hạn giảm lãi suất (trong khi lẽ ra cần tăng), khiến giá cả cao hơn, dễ biến động hơn.
Nếu được cách ly khỏi bàn tay can thiệp của chính trị, các ngân hàng trung ương độc lập có thể tập trung vào mục tiêu ổn định giá cả. Khi đã đạt được thành tích tốt, một chu kỳ tích cực có thể diễn ra. Dự đoán lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp, người lao động tiết chế yêu sách tăng lương còn các doanh nghiệp hạn chế tăng giá sản phẩm. Nói theo ngôn ngữ của giới ngân hàng trung ương: Kỳ vọng lạm phát được neo chắc.
Giới ngân hàng trung ương sẽ bảo bạn rằng cách làm này là lý do cho việc tại sao suốt 30 năm qua, giá cả luôn ổn định một cách chưa từng có tiền lệ và chỉ bị chấm dứt bởi đại dịch. Nhưng có thật đây là "công sức" của họ không?
Bất cứ ai quan sát không thiên kiến đều dễ thấy còn đó những tác nhân khác song hành. Đúng là những năm 1990 đánh dấu sự ra đời của các ngân hàng trung ương độc lập. Nhưng những năm 1990 cũng kết thúc thời Chiến tranh Lạnh, sự biến đổi Trung Quốc thành dây chuyền lắp ráp, gia công giá rẻ của thế giới, sự áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin và tự động hóa và sự sụp đổ liên tục của thế lực công đoàn.
Bên cạnh đó, vai trò của chuỗi cung ứng bị phá vỡ trong việc thúc đẩy lạm phát đặt ra một câu hỏi khác: Liệu các ngân hàng trung ương có các công cụ phù hợp để kiềm chế lạm phát không? Lãi suất là một công cụ mạnh mẽ, nhưng nó không hiệu quả khi đối phó với những cú sốc về nguồn cung, vốn là lý do chính khiến giá cả tăng vọt vào năm 2021-2022.
Ban đầu là thiết hụt nguyên liệu bán dẫn rồi đến dầu và khí đốt sau khi xe tăng Nga lăn bánh vào lãnh thổ Ukraine. Tăng lãi suất không làm tăng nguồn cung của bất cứ thứ hàng hóa nào vừa nêu. Thậm chí, nó chỉ làm cho việc đầu tư vào tăng cường sản xuất bị đắt đỏ hơn, gây tác dụng hoàn toàn ngược lại.
Tuy nhiên, như kinh tế gia đoạt giải Nobel Paul Romer từng nói: Khủng hoảng là dịp không được để phí. Đầu tiên, giới hoạch định chính sách cần thừa nhận họ đã phạm sai lầm và cam kết học hỏi từ những bài học đó. Năng lực tiên đoán giá cả của các ngân hàng trung ương cũng chỉ ngang ngửa các ngân hàng ở Phố Wall. Tuy nhiên, giới ngân hàng ở Phố Wall không có nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và họ không thuê mướn đến hàng trăm kinh tế gia có học vị tiến sĩ để làm việc đó.
Ngân hàng Anh vừa hoàn thành một cuộc đánh giá độc lập, dù chỉ tập trung hẹp vào quá trình dự báo của riêng họ. Fed và ECB cũng nên làm thế, nhưng với một nhiệm vụ rộng hơn: Một trong những điều đầu tiên cần sửa chữa là tránh tư duy đồng thuận bằng cách bao gồm nhiều ý kiến phản biện hơn trong quá trình ra chính sách.
Ngoài ra cần tăng cường trách nhiệm giải trình. Nếu một giám đốc điều hành, một nhà quản lý danh mục đầu tư hoặc, như với vấn đề này, một thợ máy ô tô bỏ lỗ mục tiêu hiệu suất với mức độ sai lầm rộng khắp như các ngân hàng trung ương đã phạm phải, họ chắc chắn bị sa thải. Trước khi rút lui khỏi cuộc đua tranh cử, ông Joe Biden hứng chịu phần lớn chỉ trích vì người Mỹ đổ lỗi cho ông về sự tăng giá cả, nhưng Powell lại chưa đối mặt với bất cứ lời kêu gọi từ chức nào.
Có thể sẽ là hơi quá đáng nếu nói với Powell rằng "ông bị sa thải." Tuy nhiên, hiện tại với khung trách nhiệm theo kiểu "kiểm soát được lạm phát là do công trạng chúng tôi, còn không kiểm soát được lạm phát là do các thế lực ngoài tầm kiểm soát" đang không mấy có ích trong việc thúc đẩy hiệu quả công việc này.
Cuối cùng, chính sách kinh tế cần mang nhiều tính đồng đội hơn. Khi lạm phát đến từ đứt gãy trong chuỗi cung ứng (kịch bản ngày càng phổ biến vs sự nóng lên cả về nhiệt độ trái đất lẫn diễn biến quân sự, chính trị), tăng lãi suất không phải cách hiệu quả để kiểm soát lạm phát. Đã đến lúc chính phủ các nước phải đứng lên đối mặt thách thức này. Chính sách kinh tế của ông Biden (Bidenomics), với việc đầu tư vào sự bền vững trong chuỗi cung ứng, mở kho dự trữ dầu chiến lược và chống lại các tập đoàn độc quyền về giá chứa trong nó hạt mầm của một chiến lược chống lạm phát từ phía cung.
Ở châu Âu, việc lạm phát ở Pháp đạt đỉnh 7% còn ở Ý tận 12% (dù lãi suất hai nước này đều do ECB thiết lập) cho thấy các chính sách từ chính phủ vẫn tạo ra được khác biệt.
Cần làm nhiều hơn thế nữa. Ở Mỹ, việc giao cho giám đốc hội đồng Kinh tế quốc gia quyền giám sát và các công cụ không thuộc ngân hàng trung ương để chống lạm phát sẽ là bước đi vừa mang tính tượng trưng, vừa mang tính thực tiễn và đúng hướng. Vì khi chiếc xe của bạn bị hỏng và cửa hàng quen của bạn không thể sửa nó, bạn cần thử một số thợ máy mới.
Trích: Bloomberg
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận