Bài học từ câu chuyện “Con Khỉ” cho các nhà đầu tư
Đây là một câu chuyện về một đợt “khủng hoảng” tại một hòn đảo tuyệt đẹp với ước mơ làm giàu cháy bỏng của người dân trên đảo.
Chuyện như sau:
Ngày xưa, ở một đảo trù phú có một ngôi làng sống rất êm đềm và mọi người rất thương yêu dùm bọc lẫn nhau. Họ phân chia công việc tùy theo sở trường của mỗi người, người đi cày cấy, người chăn nuôi, dạy học, kinh doanh, buôn bán… Nơi đây được mệnh danh là thiên đường dưới trần gian mà ai cũng muốn đến sinh sống. Tuy nhiên, dân làng ở đây có một chút rắc rối nhỏ, đó là khu làng có rất nhiều Khỉ, chuyện tưởng bình thường, nhưng vì Khỉ sinh sản quá nhanh nên chúng xuất hiện khắp nơi và thỉnh thoảng phá hoại nông sản của làng. Vì vậy, mọi người trong làng thường không thích Khỉ, họ luôn tìm cách xua đuổi lũ Khỉ phá hoại này đi càng xa càng tốt.
Thời gian cứ trôi đi mãi đến một ngày kia, có 1 thương gia giàu có đến đảo, ông nghe hòn đảo này có nhiều Khỉ và tỏ ý muốn mua Khỉ và lập ra Công ty Thu Mua Khỉ, xây dựng 1 trang trại thật to trên đất của làng. Thế là ông thông báo cho dân làng trên đảo rằng: ông sẽ mua Khỉ với giá 20 đồng vàng/con. Điều này, thật tuyệt với dân trên đảo, với giá 20 đồng vàng gấp 10 lần giá Tivi họ đang xem, gấp 5 lần xe máy họ chạy. Thế là mọi người đi bắt Khỉ xung quanh nhà mình bán lại cho người thương gia. Người thương gia mua và trả tiền đầy đủ cho dân làng. Ông thông báo chỉ mua Khỉ thiên nhiên thôi, không mua Khỉ nuôi.
Thế rồi, ngoài công việc thường ngày kiếm sống, dân làng lại có thêm 1 nghề tay trái “bắt Khỉ”. Thu nhập từ việc bắt Khỉ đã giúp cho đời sống dân làng ngày được cải thiện tốt hơn. Họ có thể mua sắm nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn. Con Khỉ từ 1 con vật bị xua đuổi thành con vật quí đối với dân làng ở đây. Khỉ trở thành đề tài thảo luận của mọi người ở khắp làng xã thôn xóm.
Việc “bắt Khỉ” làm cho số lượng Khỉ càng giảm, việc tìm bắt Khỉ khó khăn hơn. Nhà thương gia tốt bụng quyết định tăng giá mua Khỉ nhằm hỗ trợ người dân bắt Khỉ với giá 40 đồng vàng. Vì giá Khỉ tăng cao, nên việc tìm “bắt Khỉ” ngày một được tham gia đông đảo của nhiều tầng lớp trong làng, từ Cô Bán Báo cho đến các Anh Kỹ Sư, Bác Sĩ, và có cả các Bô Lão có chức quyền. Khắp nơi “Người Người Bắt Khỉ, Nhà Nhà Bắt Khỉ” và nghề “Bắt Khỉ” trở thành nghề làm ăn phát đạt nhất, kiếm tiền dễ nhất. Nên mọi người bắt đầu vay tiền Ngân hàng, thế chấp nhà cửa đầu tư vào “Kinh Doanh Khỉ” với 1 lời 1. Ngân hàng kinh doanh cho vay cũng phát đạt hơn, nên khuyến khích hỗ trợ vốn cho “Kinh Doanh Khỉ”. Đồng thời, Ngân hàng cũng tăng cường đầu tư vào “Kinh Doanh Khỉ”. Tuy nhiên, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, Các Bô Lão đưa ra các LUẬT Kinh Doanh Khỉ và Điều Kiện Hành Nghề Kinh Doanh Khỉ rồi cấp Chứng chỉ. Do nhu cầu Xã Hội, Làng quyết định lập ra cả 1 “Đại Học Khỉ” nhằm dạy kỹ thuật “Bắt Khỉ” và nghiên cứu về Khỉ cũng như cấp Chứng Chỉ cho học viên Học về Khỉ để hành nghề “Bắt Khỉ”.
Khỉ càng lúc càng hiếm và quí hơn trong khi người “Bắt Khỉ” ngày một đông. Một lần nữa, người thương gia tốt bụng biết được khó khăn của người dân nên nâng giá Khỉ lên 80 đồng vàng và phối hợp với Ngân hàng địa phương hỗ trợ chi phí “Bắt Khỉ” thêm 20 đồng vàng. Con Khỉ từ không có giá trị giờ là 100 đồng vàng như 1 gia tài khổng lồ. Hòn đảo như đang sôi về Khỉ. Các anh/chị Bác Sĩ, Kỹ Sư, Nhà Giáo… chuyển sang nghề “Bắt Khỉ” thay vì làm nghề cũ biết bao giờ mà giàu. Được biết, hơn 90% dân cư của đảo đã chuyển sang hành nghề “Bắt Khỉ”.
Cứ thế, được 1 năm kể từ ngày ông thương gia tốt bụng đến đảo, giúp hòn đảo này phát triển phồn thịnh hơn bao giờ hết với việc mua lại hơn 10 triệu con Khỉ từ dân làng. Nay, ông cần về nhà giải quyết chuyện gia đình. Nên ông thông báo với cư dân đảo rằng ông sẽ giao quyền cho một anh thanh niên – đẹp trai và hiền lành tốt bụng để điều hành công việc thu mua Khỉ cho bà con. Được biết, anh thanh niên khá hiền, nên 1 số người ngỏ ý muốn mua 1 số Khỉ của Trang Trại với mục đính bán lại cho bà con đang rất cần Khỉ. Sau nhiều lần năn nỉ, đút lót cho anh thanh niên, anh tốt bụng bán rẻ lại cho Ngân hàng, Bô lão chức quyền số Khỉ với giá chỉ 75 đồng vàng. Với giá quá rẻ 75 đồng vàng, các Ngân hàng huy động vốn đầu tư mua Khỉ của anh thanh niên, Tổ chức cá nhân cũng đua nhau xếp hàng mua lại Khỉ. Chỉ trong hơn 1 tuần, gần 10 triệu con Khỉ được bán hết với giá ưu đãi 75 so với giá thị trường 100 đồng vàng.
Vào cuối tuần đó, Anh thanh niên “Biến Mất”. Cơ sở trang trại trống trơn…
Dân cư trên đảo vẫn giữ lại số Khỉ của chính họ nhưng với một tâm trạng hoàn toàn khác…Tất cả đều mang trong mình một tâm trạng hoang mang, lo sợ ai cũng muốn bán số Khỉ đó đi dù với bất cứ giá nào cũng được để lấy lại một phần vốn bỏ ra. Nhưng rất tiếc lúc đó ai cũng muốn bán, còn ông chủ mua Khỉ ngày nào đã mất tăm rồi. Bây giờ thả đi cũng phải mất tiền, dữ lại thì cũng chẳng làm được gì…”
Việt Nam ta tuy chưa có chuyện mua khỉ như vậy Nhưng chuyện mua tôm ỏ Bạc Liêu, mua khoai lang tím ở Cần Thơ, mua đỉa, ốc bươu vàng ở TPHCM, Nghệ An và nhiều tỉnh thành, mua dứa, mua rễ cây cũng không còn xa lạ gì với chúng ta nữa.
Đây là một câu chuyện vui nhưng mỗi nhà đầu tư chứng khoán, BĐS hay bất kỳ lĩnh vực đầu tư kinh doaanh nên chú ý kỹ hơn để tránh vì lòng tham mắc phải những chiếc bẫy như thế này.
“Hoạt động đầu tư là hoạt động dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn của vốn và mang lại phần lời lãi thỏa đáng. Các hoạt động không đáp ứng được các yêu cầu đó là hoạt động đầu cơ”
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận