Bài học số 1: Cắt lỗ trong đầu tư chứng khoán
Cắt lỗ là gì? Tại sao phải cắt lỗ?
Khái niệm “cắt lỗ" trong đầu tư chứng khoán chắc chắn không hề xa lạ với các nhà đầu tư. Dù không thực sự mong muốn, nhưng không nhà đầu tư nào có thể tránh khỏi tình huống này. Nếu đã không thể né tránh, chi bằng ta nên học cách chấp nhận, đối diện và chinh phục nó thật nhẹ nhàng, điệu nghệ để bảo toàn nguồn năng lượng cho cuộc chiến trường kì phía trước.
Cắt lỗ là việc chủ động đóng vị thế và chấp nhận 1 khoản lỗ khi cổ phiếu giao dịch không như dự tính ban đầu. Việc cắt lỗ sẽ giúp nhà đầu tư có thể bảo vệ được nguồn vốn và kiểm soát rủi ro.
Nếu không hành động kịp thời và dứt khoát thì thành quả đầu tư sẽ khó có thể giữ được. Khi rơi vào cảnh “cắt lỗ”, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì số tiền đầu tư sẽ được bảo vệ bấy nhiêu.
Vấn đề ở đây nằm ở tính “tự tin thái quá” của mỗi người.
Khi bước chân vào thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng mình đủ thông minh và với vốn kiến thức “uyên bác” này, họ có thể dễ dàng chiến thắng.
Cùng với đó là “cái tôi quá cao”, “tính ngoan cố quá lớn” sẽ khiến bạn không dễ dàng gì tuân theo nguyên tắc “cắt lỗ” ngay từ đầu.
Khi thấy cổ phiếu đang nắm giữ giảm giá, bạn thường mắc sai lầm xem nhẹ và lờ đi số % lỗ ít ỏi, cũng như không lên kế hoạch để bảo vệ khoản đầu tư của mình nên không thấy được hậu quả của hành vi “ôm lỗ” mang lại.
Xin trích “Câu chuyện ông lão bắt gà tây” – một ví dụ minh họa hoàn hảo cho tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường khi phải quyết định bán cổ phiếu:
“Truyện kể rằng có một ông lão đi vào rừng để bẫy gà tây.
Ông lão vào rừng, chọn được một chỗ gà tây thường đi đến kiếm ăn.
Ông ta làm một cái bẫy đơn giản, gồm một cái hộp lớn có cửa gắn bản lề ở trên đỉnh. Cánh cửa được giữ mở lên bằng một thanh chống có cột đoạn dây nối dài khoảng hơn 20m về phía sau tới chỗ người canh gác cái bẫy.
Một ít hạt bắp được ông lão rải dọc đường đi để nhử lũ gà tây vào bẫy.
Khi lũ gà tây chui vào bẫy, ông lão sẽ giật mạnh thanh chống để cánh cửa sập xuống. Khi cánh cửa bẫy sập xuống, lũ gà tây còn ẩn nấp bên ngoài sẽ sợ hãi và chạy mất. Thời điểm giật thanh chống là khi có nhiều gà tây nhất chui vào bẫy, theo như mong đợi của ông lão.
Đến chiều, có một đàn 10 con gà tây chui vào bẫy của ông ta.
Sau đó 1 con bước ra, còn lại 9 con. “Uổng quá, phải chi mình giật sợi dây khi còn đủ 10 con ở trong đó” – ông lão nghĩ, ” Mình sẽ chờ thêm 1 phút, có thể con kia sẽ quay trở vào.”
2 con gà tây nữa lại bước ra khỏi bẫy. “Đáng lẽ mình phải biết hài lòng với 9 con,” – ông lão nghĩ – “Ngay khi một con nữa quay trở lại, mình sẽ giật dây”.
Thêm 3 con nữa bước ra ngoài, và ông lão vẫn chờ đợi.
Với việc từng chứng kiến 10 con gà tây nằm gọn trong bẫy của mình, ông không muốn về nhà với ít hơn 6 con gà. Ông không thể từ bỏ ý nghĩ rằng một vài con gà ban đầu sẽ quay trở lại.
Cuối cùng chỉ còn sót một con gà tây duy nhất ở trong bẫy, ông lão nghĩ, “Mình sẽ đợi đến khi nào nó đi ra hoặc một con khác bước vào, rồi mình sẽ về”.
Con gà tây cô độc còn lại chạy vội theo đàn, ông lão trở về trắng tay.”
Đây là một câu chuyện đáng suy ngẫm. Thực tế, tâm lý nhà đầu tư không khác gì so với suy nghĩ của ông lão bẫy gà tây kia.
Mỗi NĐT có phương pháp đầu tư khác nhau và hãy lựa chọn cho mình một phương pháp để cắt lỗ cho khoản đầu tư. Ai cũng sai lầm trên thị trường, điều quan trọng nhất là khi bạn sai bạn mất bao nhiêu, khi bạn đúng bạn kiếm được bao nhiêu. Nếu cắt lỗ sớm khoản lỗ của bạn sẽ được hạn chế và chỉ cần một vài lần đúng đã có cơ hội gỡ lại tài khoản.
Warrent Buffett từng nói:
“Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.
Chúc NĐT đầu tư thành công!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận