Bài học đắt giá từ những sai lầm ‘chết người’ gây tổn thất hàng trăm triệu USD của các tỷ phú
Dù có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nhưng không ít các tỷ phú vẫn mắc sai lầm "chết người" khiến họ tổn thất hàng trăm triệu USD.
Trong mắt hầu hết mọi người, các tỷ phú là những doanh nhân thành đạt, biết hết các ngóc ngách của thị trường cũng như những mánh khóe kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, ngay cả khi họ khôn ngoan và kinh nghiệm, họ vẫn không thể tránh khỏi việc phạm những sai lầm đau đớn.
Tỷ phú Jeff Bezos
"Những sai lầm của tôi tại amazon.com đã tiêu tốn hàng tỷ USD", Jeff Bezos phát biểu tại hội nghị của Bussiness Insider hồi năm 2014.
Từ những ngày đầu của Amazon, Bezos đã nuôi tham vọng biến đế chế của mình thành "cửa hàng bán mọi thứ". Đến năm 1998, Amazon bán sách, nhạc, phim và nhanh chóng trở thành công ty trực tuyến hàng đầu trong những lĩnh vực này. Bước tiếp theo, Jeff Bezos muốn lấn sân sang thị trường đồ chơi.
Để làm được điều này, Amazon sẽ phải mua hàng từ hàng loạt nhà sản xuất, trữ chúng trong kho và hy vọng sẽ tiêu thụ hết hàng. Mọi giám đốc cấp cao của Amazon kịch liệt phản đối, nhưng Bezos kiên quyết chi 120 triệu USD để mua đồ chơi, tuyên bố: "Tôi sẽ tự lái xe đến bãi rác" nếu chúng không bán hết.
Sau dịp Giáng sinh 1998, Amazon còn thừa lượng đồ chơi trị giá 50 triệu USD, không có chỗ chứa và không chắc sẽ có người mua. Lúc này lựa chọn dễ nhất là vứt đống đồ chơi này đi, đúng như lời Bezos nói. Cuối cùng Amazon tặng đồ chơi cho các tổ chức từ thiện và bán phần còn lại cho các nhà xuất khẩu với giá rẻ mạt.
Năm 2017 có thể xem là một năm khởi sắc với Jeff Bezos, khi Chủ tịch Amazon chính thức soán ngôi Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ông cho ra sản phẩm Fire Phone, thứ được cho là "canh bạc" thất bại lớn nhất của Bezos.
Bezos có thói quen thử nghiệm các sản phẩm mới, và Fire Phone cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sản phẩm này đã khiến Amazon mất trắng 170 triệu USD, phải dừng sản xuất Fire Phone chỉ sau một thời gian ngắn. Tại một buổi hội thảo ở New York, Jeff Bezos nói rằng: "Những sai lầm của tôi đã khiến cho Amazon mất hàng tỷ USD là ít". Với ông, thất bại này giống như phải "lấy tủy răng mà không dùng thuốc tê vậy".
Tỷ phú Bill Gates
Vào khoảng đầu những năm 1990, Apple đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn sắp phá sản. Trong khi đó, Microsoft của Bill Gates lúc này lại đang lên như "diều gặp gió", doanh thu đạt mức 1,1 tỷ USD vào năm 1990. Đứng trước nguy cơ phải đóng cửa công ty, vào năm 1997, Apple đã đi tới thỏa thuận hợp tác với Microsoft. Apple sẽ bán lượng cổ phần tương đương với số tiền 150 triệu USD cho Microsoft, đổi lại công ty này sẽ cung cấp phần mềm cho Apple.
Khi đó, bước đi của Bill Gates được coi là một nước cờ thông minh, bởi nó giúp Chính phủ Mỹ bớt lo lắng về việc Microsoft đang thực hiện hành vi chống lại sự cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh kinh doanh lâu dài, đây lại chưa hẳn là một bước đi đúng đắn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phi vụ vào năm 1997 đã khiến Microsoft thiệt nhiều hơn được. Nhờ khoản tiền 150 triệu USD này, Steve Jobs không chỉ vực dậy công ty mình và còn đưa Apple vượt mặt Microsoft trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó là smartphone.
Tỷ phú Warren Buffett
Warren Buffett được mệnh danh là "nhà hiền triết xứ Omaha", với khả năng đầu tư thần sầu. Tuy nhiên, một cá nhân xuất chúng như ông cũng có lúc vấp phải sai lầm.
Vị tỷ phú 90 tuổi này có một nguyên tắc đầu tư lâu năm, đó là tránh đầu tư vào các công ty công nghệ. Tuy nhiên, vào năm 2011, ông đã rót một khoản tiền lớn vào IBM, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia. Khi đó, ông đánh giá sự thành công ở việc đầu tư vào IBM sẽ được đền đáp bởi doanh thu tương lai của tập đoàn này.
Buffett tiếp tục đầu tư vào IBM cho tới năm 2017, tuy nhiên IBM đã phải vật lộn để thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ suốt thập kỷ qua. Khi đó, CEO của Berkshire Hathaway cũng phải thừa nhận rằng: "Tôi không còn đánh giá IBM giống như cách mà tôi đã làm cách đây sáu năm khi bắt đầu mua. Tôi đã đánh giá lại nó và có phần hơi thấp. IBM là một công ty lớn, mạnh, nhưng họ cũng có những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ."
Tính đến tháng 12/2017, giá cổ phiếu của IBM là 153 USD, thấp hơn hẳn mức giá cổ phiếu trung bình mà Warren Buffett thường mua là 167 USD – 197 USD.
Tỷ phú Richard Branson
Dù bản thân là một nhà kinh doanh sành sỏi, nhưng giống như bao con người khác, con đường sự nghiệp của Richard Branson cũng lát bằng vô số thất bại và sai lầm. Trong một bài viết trên blog, Branson đã chia sẻ: "Trải nghiệm thất bại là một phần không thể thiếu trong bộ gen của mọi doanh nhân thành công, và bản thân tôi cũng không nằm ngoài số đó".
Sự thất bại của ông là hai lần đầu tư Virgon Cola và Virgin Brides. Virgin Cola được kì vọng sẽ là đối thủ của Coca Cola, chỉ chiếm 0,5% thị phần và cứ thế chết dần dần chết mòn rồi biến mất khỏi thị trường. Rất may là người ta vẫn nhớ đến Richard Branson nhờ những câu chuyện thành công hơn là sai lầm đau đớn này.
Tỷ phú Oprah Winfrey
Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey cũng không phải là ngoại lệ, khi bà từng mắc phải sai lầm "chí mạng" khi ra mắt kênh truyền hình Oprah Winfrey Network. Sau nhiều năm "làm mưa làm gió" trên sóng truyền hình Mỹ, bà quyết định rút khỏi thương trường, hưởng thụ cuộc sống an nhàn ở thời điểm chương trình The Oprah Winfrey Show kết thúc.
Tuy nhiên, nữ doanh nhân gốc Phi vẫn mong muốn được vươn tới mục tiêu cao hơn. Tháng 1/2011, Oprah cho ra mắt kênh truyền hình của riêng mình, mang tên Oprah Winfrey Network (OWN). Những tưởng đây là bước thành công tiếp theo của bà, nhưng sự thật lại vô cùng phũ phàng.
OWN đã gặp rất nhiều khó khăn trước khi có thể phát sóng, và ngay cả khi đó vẫn liên tục gặp thất bại. Nữ tỷ phú từng thú nhận trên CBS News rằng: "Tôi mà biết việc thành lập kênh truyền hình khó khăn thế này, thì chắc tôi đã làm cái gì đó khác rồi".
Ước tính, OWN đã khiến bà thiệt hại gần 330 triệu USD, khiến bà mắc bệnh suy nhược thần kinh. Oprah nhận định, bà đã ra mắt kênh truyền hình trước khi nó kịp sẵn sàng, và phải nhận lấy thất bại đau đớn. Rất may là cuối cùng Oprah Winfrey cũng vượt qua lần thất bại này và giữ cho OWN vẫn còn tồn tại đến hôm nay.
Tỷ phú Jamie Dimon và Cá voi London
Jamie Dimon là một trong những người giàu nhất ngành ngân hàng. Theo Forbes, vị CEO của JPMorgan sở hữu số tài sản 1,6 tỷ USD. Kể từ khi Dimon lên nắm quyền từ năm 2006, tài sản của JPMorgan tăng 100% còn giá cổ phiếu tăng gần gấp 4 lần.
Tuy nhiên, một lãnh đạo khôn ngoan như Dimon cũng không tránh khỏi sai lầm. Ông từng bị bẽ mặt và giảm nửa lương bởi cách xử lý sai lầm trong vụ bê bối "Cá voi London" khiến JPMorgan lỗ 6,2 tỷ USD.
Tháng 4/2012, Bloomberg và Wall Street Journal đăng tin rằng văn phòng đầu tư của JPMorgan đang ở trong vị thế cực kỳ rủi ro bởi những khoản đặt cược cực lớn vào các công cụ phái sinh tín dụng. Những giao dịch này bắt nguồn từ văn phòng London của JPMorgan. Người chịu trách nhiệm chính là Bruno Iksil - một nhà đầu tư mà sau này sẽ bị gán với biệt danh "cá voi".
Thay vì kiểm tra kỹ tình hình, Dimon phủi tay và nói rằng hai tờ báo trên khiến "chuyện bé xé ra to". Chưa đầy một tháng sau, Dimon dịu giọng và mô tả giao dịch của JPMorgan là "sai sót, phức tạp, không được xem xét kỹ, thực thi kém và giám sát kém".
Vụ bê bối này dẫn đến tổn thất nặng nề cho ngân hàng, hàng loạt phiên điều trần của Quốc hội và báo cáo gay gắt của tiểu ban Thượng viện.
Trong lá thư gửi cổ đông tháng 4/2013, Dimon cay đắng thừa nhận: "Cá voi London là tình huống ngu ngốc và đáng xấu hổ nhất mà tôi từng tham gia".
Bài học xương máu rút ra cho JPMorgan và ngành tài chính nói chung là cẩn trọng, làm việc phù hợp với chuyên môn và không giao tiền cho một kẻ liều lĩnh được mệnh danh "cá voi". Bởi vì giống với câu nói yêu thích của Warren Buffett: "Khi cá voi trồi lên mặt nước, nó sẽ bị trúng lao".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận