Bắc Kinh yêu cầu Big Tech bảo vệ shipper, tài xế công nghệ tốt hơn
Quan chức chính phủ Trung Quốc đã gặp 11 nền tảng Internet lớn của nước này, yêu cầu họ làm nhiều điều hơn để giúp đỡ những nhân viên giao hàng (shipper), tài xế công nghệ.
Tại cuộc họp do 4 cơ quan nhà nước cùng tổ chức, 11 công ty Internet lớn của Trung Quốc đã được triệu tập. Theo thông báo của Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội (MHRSS), chính phủ hướng dẫn doanh nghiệp phải có “ý thức về chính trị, tư tưởng và hành động” đối với các nhân viên không chính thức (gig worker). Dù các công ty đã đạt được một số tiến bộ trong việc thi hành quy định mới về quyền lợi người lao động, họ vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo SCMP, nhiều tên tuổi công nghệ lớn đã có mặt trong cuộc họp, bao gồm Alibaba, Tencent, Didi Chuxing, Cao Cao Mobility, Meituan, Ele.me. Bên cạnh MHRSS, còn có Bộ Giao thông, Cục Điều tiết thị trường (SAMR), Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc tham gia.
Nhà chức trách cho biết, các nền tảng cần hiểu biết sâu sắc nhu cầu của người lao động, tăng cường giám sát việc bảo vệ quyền lợi của họ, tiếp tục cải thiện thuật toán và quy định lao động, nâng cao thể chế để bảo vệ quyền và lợi ích.
Đây là một phần trong việc đánh giá quyền lợi người lao động sau khi 7 cơ quan chính phủ công bố hướng dẫn hồi tháng 7/2021. Hướng dẫn nhằm bảo đảm quyền lợi cơ bản của người lao động trong “các hình thức tuyển dụng mới”, trong đó có tài xế giao đồ ăn, tài xế taxi/ xe ôm công nghệ và các công việc tạm thời khác. Cũng trong tháng 7, SAMR và 6 cơ quan khác công khai chính sách riêng biệt để bảo vệ quyền lợi của nhân viên giao đồ ăn, nhắc đến những vấn đề như thu nhập cơ bản, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, bảo hiểm.
Bắc Kinh đang tăng cường siết quản lý các hãng công nghệ lớn, nhấn mạnh đến quyền lợi người tiêu dùng và người lao động. Năm 2021, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa “thịnh vượng chung” là mục tiêu chính sách quan trọng, nhằm phân phối tài sản cho nhiều người hơn.
Khiếu nại từ gig worker gia tăng trong vài năm qua, nhiều người nói họ thiếu các biện pháp bảo vệ hợp lý. Năm 2020, tạp chí Renwu công bố báo cáo bộc lộ những rủi ro mà tài xế giao đồ ăn gặp phải khi phải chạy đua với thời gian giao hàng sít sao mà thuật toán các công ty đặt ra. Một năm trước đó, một trong những nhân viên giao hàng của Meituan đã đâm chết một nhân viên siêu thị, làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội về áp lực mà những người này phải chịu. Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc có khoảng 84 triệu nhân viên thời vụ như vậy, theo MHRSS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận