Bắc Kinh bị cáo buộc cản trở điều tra nguồn gốc Covid-19
Mỹ tung tài liệu mới cáo buộc Bắc Kinh cản trở cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, tin rằng một số nhà nghiên cứu Trung Quốc mắc Covid-19 vào mùa thu năm 2019.
Tài liệu mới, với tựa đề “Fact Sheet: Activity at the Wuhan Institute of Virology (tạm dịch: Tài liệu: Hoạt động tại Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV)”, được đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15.1 (giờ Mỹ). Tài liệu viết rằng trong hơn một năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), phía Trung Quốc “đã cản trở một cách có hệ thống một cuộc điều tra minh bạch và rốt ráo về nguồn gốc của đại dịch, thay vào đó sử dụng nguồn lực khổng lồ để lừa dối và cung cấp thông tin sai lệch”.
Hơn 2 triệu người đã tử vong vì Covid-19
Nhân viên y tế đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đến nhà xác ở TP.El Paso (bang Texas, Mỹ). Ảnh: Reuters
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 16.1, số ca tử vong do Covid-19 trên thế giới đã vượt qua 2 triệu. Thế giới mất 9 tháng để ghi nhận 1 triệu ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, song chỉ mất 3 tháng để tăng lên con số 2 triệu ca. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ngày càng tăng. Hiện trung bình có hơn 11.900 người chết vì Covid-19 mỗi ngày, tương ứng cứ 8 giây có 1 ca tử vong trên thế giới, theo thống kê của Hãng Reuters.
“Thế giới đã chạm đến một cột mốc đáng buồn”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và viện trợ trong chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19.
Mỹ có tổng số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 392.000 người tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 sau Mỹ là Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, đến nay ghi nhận hơn 615.000 ca tử vong, chiếm gần 31% tổng số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu.
Trong tài liệu mới, Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu của WIV đã ngã bệnh vào mùa thu năm 2019 (từ tháng 9 - 11), trước khi Trung Quốc ghi nhận ca đầu tiên của dịch bệnh... Điều này khiến chúng ta phải đặt nghi vấn về tính xác thực của tuyên bố từ nhà nghiên cứu kỳ cựu WIV Thạch Chính Lệ rằng “không có ca lây nhiễm” SARS-CoV-2 (gây Covid-19) hoặc vi rút có liên quan đến SARS trong số các nhân viên của phòng thí nghiệm cũng như các sinh viên tại đây”.
Theo tài liệu, phía Trung Quốc đã cản trở các nhà báo độc lập, các nhà điều tra và giới chức y tế toàn cầu phỏng vấn những nhà nghiên cứu tại WIV, kể cả những người mắc bệnh vào mùa thu năm 2019, trong khi một cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 cần phải có những cuộc phỏng vấn như thế.
Cũng theo tài liệu mới, WIV đã tiến hành các cuộc thử nghiệm liên quan vi rút Corona từ dơi RaTG13 từ ít nhất năm 2016 cho đến trước khi Covid-19 bùng phát và đến tháng 2.2020, WIV xác định RaTG13 là mẫu gần nhất với SARS-CoV-2. WIV cũng đã tham gia các nghiên cứu thuộc dạng tuyệt mật có liên quan đến quân đội Trung Quốc, ít nhất từ năm 2017, theo tài liệu.
Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu trên một ngày sau khi nhóm chuyên gia y tế thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2. Nhóm này dự kiến tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các nhà khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán trong lúc họ trải qua quá trình cách ly.
Tuy nhiên, trưởng nhóm Maria Van Kerkhove hôm 15.1 cho rằng thế giới có thể sẽ không bao giờ tìm ra được "bệnh nhân số 0" trong quá trình điều tra nguồn gốc của Covid-19, theo Reuters.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận