Ba yếu tố đẩy giá dầu mỏ tăng cao
Giá dầu mỏ tăng diễn ra trong bối cảnh giá cả các nguyên liệu nói chung, từ kim loại đồng đến ngô, cũng bùng nổ do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, trong khi nguồn cung vẫn hạn chế.
Ngày 6/3/2020, Saudi Arabia và Nga đã không đạt được thỏa thuận về hạn chế sản xuất dầu mỏ. Hậu quả là một cuộc chiến giá dầu đã diễn ra sau đó với việc hai "gã khổng lồ" tung ra hàng triệu thùng dầu đúng lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến nhiều nước phải phong tỏa biên giới và nhu cầu dầu mỏ bốc hơi.
Đến tháng 3/2021, mọi chuyện đã thay đổi và Saudi Arabia cùng các nhà sản xuất dầu mỏ khác đã phải hạn chế sản xuất, giữa bối cảnh nhu cầu tăng. Điều này đẩy giá dầu thô Brent nhanh chóng leo lên trên ngưỡng 70 USD/thùng trong ngày 8/3 lần đầu tiên kể từ tháng 5/2019.
Giá dầu mỏ tăng diễn ra trong bối cảnh giá cả các nguyên liệu nói chung, từ kim loại đồng đến ngô, cũng bùng nổ do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, trong khi nguồn cung vẫn hạn chế. Tuy nhiên, sự leo thang của giá dầu diễn ra đặc biệt nhanh chóng.
Hồi tháng 4/2020, giá dầu Brent đã giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng và có thời điểm giá dầu hợp đồng tương lai của Mỹ đã rơi xuống mức âm. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 10/2020, giá dầu thô Brent đã tăng gần 100%. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs cho rằng đến quý III/2021, giá dầu Brent sẽ có thể đạt mức 80 USD/thùng.
Theo tạp chí Economist của Anh, có ba sự kiện liên tiếp diễn ra khiến giá dầu tăng mạnh trong tháng 3/2021.
Thứ nhất, ngày 4/3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay được gọi là OPEC+, đã gây bất ngờ cho thị trường khi đồng ý gia hạn việc cắt giảm sản lượng đến tháng 4/2021.
Thứ hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành chương trình kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Đạo luật này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế ở quốc gia vẫn là nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới.
Thứ ba là những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung khi cuối tuần qua, nhóm phiến quân Houthis đã cố gắng tấn công thành phố Ras Tanura của Saudi Arabia, nơi đặt 3 trạm xuất khẩu dầu khổng lồ và 1 nhà máy lọc dầu cung cấp đến 1/4 nhiên liệu của Vương quốc này.
Không có thiệt hại xảy ra đối với Ras Tanura, nhưng cuộc tấn công này là đáng chú ý nhất kể từ tháng 9/2019, khi các cuộc tấn công đã làm "vô hiệu hóa" đến 50% sản lượng của Saudi Arabia trong một thời gian ngắn. Do đó, nỗ lực nhằm vào Ras Tanura đã làm chao đảo những thị trường vốn đã mong manh vì các cuộc không kích của Mỹ gần đây tại Syria.
Ngoài nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Saudi Arabia, một nguyên nhân nữa khiến giá dầu tăng là những quan ngại liên quan đến việc Mỹ sẽ không sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, quốc gia vốn là một nhà sản xuất dầu khổng lồ, nhưng hiện nay lượng xuất khẩu đã giảm xuống mức chỉ còn như nhỏ giọt.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) lưu ý rằng sau các cuộc tấn công vào năm 2019, giá dầu đã tăng nhanh chóng trước khi giảm xuống trong bối cảnh thị trường tin rằng nguồn cung sẽ dồi dào.
Tuy nhiên, thị trường giờ đây có vẻ căng thẳng hơn nhiều. Công ty nghiên cứu Rystad Energy dự đoán rằng Mỹ có thể sẽ không đạt được mức sản xuất trước đại dịch cho đến cuối năm 2023.
Hiện tại, OPEC+ có vẻ cũng bị kiềm chế như vậy. Trong khi Saudi Arabia vẫn đặc biệt đề phòng việc tăng sản lượng quá sớm với thông báo chỉ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 4/2021, thì Nga tỏ ra ít thận trọng hơn một chút với thông báo tăng sản lượng ở mức khiêm tốn là 130.000 thùng/ngày.
Moskva có một lý do để giữ cho giá dầu tăng bởi chi tiêu xã hội cao hơn đồng nghĩa với việc Nga muốn giá dầu ở mức 64 USD/thùng để cân bằng ngân sách, tăng so với mức trung bình 51 USD/thùng trong năm 2018 và 2019, theo ước tính của công ty dữ liệu S&P Global Platts./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận