Ba ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp của FDI
Việt Nam cần tập trung vào môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống hành chính mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, gia tăng đóng góp của khu vực này vào phát triển.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2019 mới đây, Việt Nam được nhận định có cơ hội thuận lợi để xây dựng nền kinh tế bền vững như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Hội nhập toàn cầu tạo ra cơ hội để Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn có lợi cho Việt Nam cũng như thu hút đầu tư nước ngoài như mong muốn. Các hiệp định thương mại đã được tham gia có thể đảm bảo thành công của Việt Nam trong hội nhập thương mại.
Tuy vậy, quá trình hội nhập cũng dẫn đến những lo ngại về thâm hụt thương mại, ảnh hưởng đến sự ổn định tiền tệ, việc làm của khu vực trong nước, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF, đánh giá.
Do vậy, Việt Nam được nhận định cần thiết lập các hệ thống chuẩn bị cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội trong dài hạn.
Theo bà Virginia Foote, Việt Nam cần tập trung vào ba vấn đề ưu tiên quan trọng để phát huy đóng góp, vai trò của FDI cho tăng trưởng bền vững.
FDI có thể giúp Chính phủ và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, mất ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính. Do đó, Việt Nam trước hết cần xây dựng môi trường kinh doanh tuân thủ các thông lệ quốc tế, các tiêu chuẩn toàn vẹn trong kinh doanh, cạnh tranh mở, hệ thống thanh toán toàn cầu, cơ chế giảm sử dụng tiền mặt, giảm tham nhũng, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách có thể dự báo được.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là hiển nhiên và cấp bách.
Việc giải quyết chất lượng không khí bị ô nhiễm và suy thoái môi trường do quản lý chất thải kém hiệu quả không chỉ cấp bách đối với sự bền vững mà còn là cơ hội to lớn đối với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đồng thời hướng đến mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam cần ưu tiên tối ưu hóa sử dụng năng lượng tái tạo, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Việc quản lý và tái chế chất thải là tiềm năng khổng lồ ở thị trường Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam thuộc tốp đầu các quốc gia có lượng chất thải nhựa ra đại dương, trong khi Việt Nam đang phải nhập khẩu nhựa và giấy - 2 loại nguyên liệu mà lẽ ra nên được tái chế trong nước.
Theo Vị Đồng Chủ tịch VBF, FDI sẽ bị thu hút bởi các chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và do vậy, cần phát triển theo hướng này.
Thứ ba, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng hệ thống hành chính mạnh, khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn vốn FDI, tập trung đổi mới liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân.
FDI và khu vực tư nhân có thể phối hợp, hiện đại hóa và bồi dưỡng nhân tài Việt Nam trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin, công nghệ trong tài chính (fintech), y tế và tiêu dùng.
“Đổi mới sáng tạo là cơ hội tuyệt vời để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Việc khuyến khích cả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào nghiên cứu, phát triển đổi mới, ở cả các tổ chức học thuật và trong các công ty, dẫn tới yêu cầu phải kiểm tra chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng có thể giúp mở ra chương tiếp theo cho thành công của Việt Nam”, bà Virginia Foote nhấn mạnh.
Phát biểu tại VBF cuối kỳ năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng khi vốn giải ngân các dự án FDI lập kỷ lục 20,4 tỷ USD, tổng vốn đăng ký cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với hơn 38 tỷ USD.
Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước ngưỡng cửa của thập niên mới, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam lựa chọn khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo làm xung lực tăng trưởng mới.
Ông cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận