Ba sự sụp đổ của hệ thống đồng USD
Theo tạp chí "Tuần san châu Á" số 17/2022, lạm phát ngày càng tồi tệ, xu hướng “phi USD hóa” dần tích tụ trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần nhận định sai tình hình, hệ thống đồng USD đang đối diện với ba sự sup đổ: mất kiểm soát, mất niềm tin và mất trọng lượng dưới sự giáp công của hai mặt bên trong lẫn bên ngoài.
Lạm phát mất kiểm soát
Nền kinh tế Mỹ ở trong kỷ nguyên lãi suất thấp mấy thập niên qua, đồng USD ngày càng tràn ngập. USD nhiều hơn được Fed tạo ra, điều này phù hợp với lợi ích của hệ thống ngân hàng Mỹ. Sau cơn “sóng thần” tài chính năm 2008, chính sách tiền tệ mang tính mở rộng được thế chế hóa thông qua chương trình nới lỏng định lượng (QE), sự “béo phì” của đồng USD trở thành chứng bệnh mang tính thể chế. Năm 2014, Chủ tịch Fed thời điểm đó là ông Ben Bernanke từng tìm cách chấm dứt QE, nhưng sự suy thoái của thị trường lập tức ập đến, nên Fed phải củng cố QE.
Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến. Vào tháng Ba, Fed cắt giảm lãi suất hai lần, điều chưa từng có trong lịch sử, lãi suất thực tế gần như bằng 0%. Hơn nữa, sau khi vừa ra mắt gói QE 700 tỷ USD, thì một tuần sau Fed lại tuyên bố áp dụng chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn. Đến lúc này, USD đã khởi động mô hình “tăng cân”. Một năm sau, lạm phát của Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tuy nhiên, Fed hoàn toàn không “quyết đoán, cương quyết” như một năm trước đó, tuyên bố lạm phát chỉ là hiện tượng nhất thời và sẽ tự mất đi trong nửa cuối năm. Chắc chắn, đây là một sự nhận định sai lầm nghiêm trọng về tình hình.
Vào đầu năm nay, lạm phát của Mỹ tăng cao, Fed thay đổi hình tượng bồ câu (ôn hòa), mạnh mẽ tuyên bố chống lạm phát. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn kiên trì cho rằng lạm phát của Mỹ là do một loạt nhân tố ngắn hạn gây nên, là vấn đề mang tính chu kỳ. Thông điệp Fed chuyển tải hỗn tạp, không thể thông qua tường thuật chính sách rõ ràng để tác động đến kỳ vọng thị trường. Chắc chắn, đây là một sự xem thường chính sách có chủ ý.
Ngày 1/2, tổng nợ của Mỹ vượt ngưỡng 30.000 tỷ USD, tình hình lạm phát đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Giữa tháng Ba, Fed lấy lý do xung đột Nga-Ukraine nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, chứ không phải 50 điểm cơ bản như kỳ vọng của thị trường. Fed có khuynh hướng cho rằng xung đột Nga-Ukraine cũng là một nhân tố ngắn hạn, và lạm phát của Mỹ là vấn đề mang tính chu kỳ. Ngày 30/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ đảo ngược, điều này dự báo sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sẽ xuất hiện vào năm sau. Đến lúc này, Fed tiếp tục đánh giá sai tình hình, xem thường chiến tranh…, chắc chắn đã gây ra sự chậm trễ chính sách nghiêm trọng.
Ngày 20/4, chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba của Mỹ được công bố tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây, khiến thị trường hỗn loạn. Fed không tổ chức cuộc họp bất thường để tăng lãi suất sớm, mà vẫn để sang cuộc họp chính sách tháng sau. Tích cực phản đối thắt chặt, chậm trễ ứng phó với lạm phát, có lẽ Fed đã mất chỗ dựa, bỏ lỡ cơ hội. Quả thực, nền kinh tế “hạ cánh mềm” có lẽ đã trở nên hư ảo, dường như không có. Xuất phát từ nhận định lạm phát mang tính chu kỳ, chính sách chống lạm phát của Mỹ chắc chắc không đạt hiệu quả, ngược lại sẽ làm tổn hại tăng trưởng kinh tế dài hạn của Mỹ.
Đồng USD mất kiểm soát, dư thừa cuối cùng sẽ làm xói mòn mang tính lịch sử nền tảng giá trị của đồng USD, sự sụp đổ của đồng USD đến từ chính nó.
Sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, Nhà Trắng nhanh chóng thông qua “Đạo luật yêu nước” (Đạo luật Patriot) đầy tranh cãi, trao quyền lực đặc biệt cho Bộ Tài chính Mỹ, có thể cắt đứt kết nối các tổ chức tài chính liên quan với hệ thống tài chính Mỹ, “vũ khí hóa” đồng USD. Một khi đồng euro, bảng Anh, yen Nhật và franc Thụy Sỹ tham gia, biện pháp trừng phạt tài chính do đồng USD dẫn đầu sẽ có hiệu lực rất mạnh. Ukraine là nước đầu tiên chịu sự uy hiếp của “Đạo luật Patriot” do bị cáo buộc cho phép các phần tử tội phạm của Nga rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng của nước này, sự việc này cho thấy khả năng sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để cắt đứt trao đổi tài chính của Mỹ. Đối tượng bị trừng phạt tiếp theo là Ngân hàng trung ương Iran, ép buộc nước này chấp nhận đàm phán vấn đề hạt nhân.
Ngày 18/1 năm nay, Thượng viện Mỹ đề xuất “Đạo luật bảo vệ chủ quyền Ukraine”, đe dọa cắt đứt kênh USD của Nga. Sau khi bùng nổ xung đột Nga-Ukraine, một loạt quốc gia phương Tây bao gồm Thụy Sỹ đã tham gia trừng phạt Nga. Đóng băng các tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng trung ương Nga, đồng thời loại 7 ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT, phương Tây và Ukraine tự đóng băng và tịch thu tài sản ở nước ngoài của Nga, doanh nghiệp Nga và thậm chí là công dân Nga. So với tiền tệ là tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan bị đóng băng và lạm dụng, điều này thậm chí còn "biến tướng" nghiêm trọng hơn. Mỹ yêu cầu các nước chọn bên, đồng thời đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Từ trước đến nay, đặc quyền và bá quyền của đồng USD luôn gây khó chịu và phẫn nộ cho các nước khác. Cuộc chiến tiền tệ của các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga lần này đã khiến tất cả “Eurodollar” (USD được giữ trong tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng bên ngoài Mỹ, không thuộc thẩm quyền pháp lý của Fed) lo sợ, cảm thấy mối đe dọa rõ ràng của việc chính trị hóa hệ thống thanh toán bằng đồng USD, đặc biệt lo ngại quyền lợi tiền tệ của mình bi thiệt hại. Trước đó, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Trương Yến Linh đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, cũng như việc vũ khí hóa tài chính mà chúng ta chứng kiến sẽ “khiến Mỹ đánh mất uy tín, đồng thời làm suy yếu địa vị thống trị của đồng USD trên toàn cầu về lâu dài”. Trương Yến Linh kiến nghị Trung Quốc cần hỗ trợ thế giới “sớm thoát khỏi sự thống trị của đồng USD”.
Trên thực tế, nhiều nền kinh tế đã xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế của riêng mình để vượt qua SWIFT như CIPS (hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới) của Trung Quốc, INSTEX (cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại) của châu Âu, SPFS (hệ thống chuyển thông điệp tài chính) của Nga, SFMS (hệ thống giải pháp tài chính có cấu trúc) của Ấn Độ…, những cơ chế “dự phòng” của hệ thống thanh toán bằng đồng USD này đã hoạt động, hơn nữa đang ở trong quá trình không ngừng được củng cố và mở rộng. Có thể nói cuộc đọ sức giữa “vũ khí hóa” đồng USD và “phi USD hóa” là nước lên thì thuyền lên, sự mất uy tín của đồng USD đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Petro-dollar mất trọng lượng
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký “Sắc lệnh thanh toán bằng đồng ruble”, yêu cầu 48 quốc gia và khu vực "không thân thiện" phải sử dụng đồng ruble để thanh toán khi mua khí đốt tự nhiên từ ngày 1/4, hệ thống “khí đốt tự nhiên-ruble” ra đời. Ngày 20/4, Văn phòng điều phối trung ương về nhiên liệu và năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Nga đưa ra một bản thông báo bằng văn bản nhấn mạnh, kể từ ngày 8/4, ngừng cung cấp vô thời hạn số liệu thống kê sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời từ chối giải thích thêm. Là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, động thái này của Nga đồng nghĩa với việc tách hệ thống sản xuất và thương mại dầu mỏ toàn cầu thành hai hệ thống thanh toán bằng USD và không phải USD.
Cục diện thống trị của Mỹ bị phá vỡ
Thật trùng hợp, các quốc gia sản xuất dầu mỏ bao gồm Saudi Arabia từ chối yêu cầu tăng sản lượng do Mỹ đề xuất, đồng thời tìm cách sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán thương mại dầu thô với Trung Quốc. Trước đó, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất đã tiến vào thị trường các nước như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia…, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đảm nhận ở vùng Vịnh và Bắc Phi cũng liên tục được mở rộng. Trên thực tế, cục diện thống trị của Mỹ về thương mại vũ khí và dầu mỏ ở vùng Vịnh trong 50 năm qua đang bị phá vỡ, cục diện hàng hóa chiến lược định giá và thành toán bằng đồng USD do Petro-dollar đại diện đang bị rạn nứt. Do đó, ngay cả khi đồng USD vẫn mạnh mẽ, nhưng do các “ballast stone” giữ thăng bằng như thương mại dầu mỏ đang mất đi, nên xu thế mất trọng lượng của hệ thống USD quốc tế là điều chắc chắn.
Lỗ hổng lạm phát khổng lồ do đồng USD mất kiểm soát gây nên, làn sóng phi USD hóa trỗi dậy do đồng USD mất tín nhiệm, cũng như sự mất trọng lượng sau khi các “ballast stone” giữ thăng bằng như Petro-dollar không còn… đang khiến con thuyền USD đứng trước nguy cơ sụp đổ trong hành trình đầy sóng gió./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận