Ba nhóm vấn đề cần gỡ khó cho thị trường bất động sản
Qua rà soát thị trường bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 3 nhóm khó khăn, vướng mắc chính là: Thể chế; Tổ chức thực hiện; Vốn, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng…
BA NHÓM VƯỚNG MẮC
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, qua rà soát thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 3 nhóm khó khăn, vướng mắc, bao gồm: Thể chế; Tổ chức thực hiện; Vốn, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng. Tổ công tác đã có khuyến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng ban hành nhiều văn bản. Trong đó nổi bật với Nghị quyết 33/NQ-CP về giải quyết khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đi vào giải pháp cho từng nhóm cụ thể, Thứ trưởng cho biết về thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và ngoài nước; các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai… Gần đây nhất, ngày 20/6 lại tiếp tục có Nghị định 35 hướng dẫn một số vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ còn trình Quốc hội các luật liên quan gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện, ngay sau khi Tổ công tác nhận được 108 văn bản từ các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp, Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Tổ công tác rất khẩn trương rà soát, chuyển văn bản tới UBND tỉnh/thành phố nếu thuộc thẩm quyền UBND tỉnh/thành phố. Đồng thời trực tiếp giải quyết nếu là trách nhiệm bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn...
Với thị trường vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của một số doanh nghiệp; Thông tư 03/2023/TT-NHNN hỗ trợ tín dụng và các ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu; triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Liên quan đến công tác này, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản hướng dẫn các địa phương xác định đối tượng, danh mục, điều kiện vay vốn; mặt khác tổ chức hội nghị trực tuyến cùng địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030", nhất là việc tiếp cận nguồn vốn 120.000 tỷ đồng.
GIẢI QUYẾT CỤ THỂ NHỮNG DỰ ÁN LỚN
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, Tổ công tác đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của các dự án. Thứ nhất là, đôn đốc địa phương có vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương phải chủ động giải quyết. Thứ hai, đề nghị các Bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Thứ ba, phối hợp cùng địa phương tham mưu Thủ tướng Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, ở một số địa phương như Đồng Nai, Tổ công tác tiến hành rà soát 7 dự án bất động sản lớn và xác định được nhiều vấn đề khó khăn không thuộc quy hoạch, hay không bố trí 20% nhà ở xã hội. Những nội dung này, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với phương án tham mưu của Tổ công tác và nhất trí triển khai vào thời gian tới.
Hay ở TP.HCM, Tổ công tác chủ động làm việc, giải quyết khoảng 30 kiến nghị. Trong đó, 10 kiến nghị liên quan đến nhà ở xã hội, 10 kiến nghị cải tạo chung cư, 4 nội dung về quy hoạch. Cơ bản, một số kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương nhưng địa phương chưa hiểu, chưa áp dụng pháp luật một cách đầy đủ. Tương tự, tại Bình Thuận, Tổ công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết các vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua, các địa phương rất tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để gỡ khó cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, do thời gian chưa nhiều mà những vấn đề tồn tại đã quá lâu nên cần thêm thời gian giải quyết. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ và đề nghị các Bộ, ngành địa phương tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 33, các công điện, công văn của Thủ tướng theo nguyên tắc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận