24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ba ngân hàng bị mua lại bắt buộc vẫn chưa thoát lỗ

Sau 5 năm cơ cấu lại, 3 ngân hàng bị mua lại bắt buộc vẫn lỗ chồng lỗ, nên rất khó thu hút đầu tư.

Lỗ chồng lỗ

Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ocean Bank cho biết, trong năm 2019, hoạt động xử lý thu hồi nợ xấu của Ngân hàng vượt 47% kế hoạch trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Công tác xử lý nợ ngày càng khó khăn và diễn biến phức tạp, khách hàng chây ỳ, thiếu thiện chí hợp tác.

Trong khi đó, hoạt động của GPBank vẫn là ẩn số. Theo ông Phạm Huy Thông, Tổng giám đốc GPBank, tính đến ngày 30/6/2019, số dư huy động vốn của GPBank trên thị trường 1 đã tăng đáng kể so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, con số xử lý nợ xấu đến thời điểm này vẫn chưa được GPBank tiết lộ. GPBank gặp nhiều khó khăn với khối nợ xấu khổng lồ và tốc độ thu hồi chậm chạp.

Theo Báo cáo kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng của Kiểm toán Nhà nước năm 2017, thực trạng tài chính của GPBank không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.

Tính tới cuối năm 2016, GPBank âm vốn chủ sở hữu gần 10.400 tỷ đồng, cao hơn hàng trăm tỷ đồng so với thời điểm bị mua lại bắt buộc (7/7/2015) do thua lỗ thêm. Nợ xấu của GPBank còn rất lớn, tới 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ.

Đến cuối năm 2019, CBBank đạt tổng giá trị tài sản trên 20.000 tỷ đồng. Công tác xử lý, thu hồi nợ xấu được coi là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu CBBank, với số liệu lũy kế đến ngày 30/11/2019 đạt trên 5.500 tỷ đồng đối với nhóm nợ thu hồi theo bản án và trên 800 tỷ đồng thu hồi nhóm nợ nhỏ lẻ.

Nếu theo con số lỗ lũy kế 27.500 tỷ đồng của ngân hàng này ở thời điểm bị mua bắt buộc, thì dõi theo thông tin các phiên tòa 3 năm qua, những con số hàng ngàn tỷ đồng cũng chưa biết đi đâu về đâu.

Hơn 3 năm qua, các phiên tòa xét xử những vụ án nhiều ngàn tỷ đồng của những nhóm nợ lớn thuộc CBBank đều liên quan đến những tên tuổi lớn như Phương Trang, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh…

Muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng bị mua lại bắt buộc, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan.

Vụ Hứa Thị Phấn giai đoạn I, từ chỗ 27.000 tỷ đồng có tài sản đảm bảo, tòa tuyên CBBank trả hết tài sản cho Phương Trang và thu hồi 6.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, 6.400 tỷ đồng thi hành bản án hình sự này tưởng chừng được trả về cho CBBank, nhưng hiện Thi hành án quận 3 (TP.HCM) đang giữ lại hơn 3.000 tỷ đồng để xử lý trong một bản án dân sự khác liên quan giữa ngân hàng này và Tân Hiệp Phát.

Hơn 16.000 tỷ đồng được tuyên thuộc trách nhiệm trả nợ của Hứa Thị Phấn (bà chủ TrusBank - nay là CBBank). Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm vụ Hứa Thị Phấn (giai đoạn II) đã xác định 114 bất động sản được Phấn “sang tay” bị cáo Phạm Công Danh khi mua bán ngân hàng. Nhưng làm thế nào để “đòi” được 16.000 tỷ đồng này khi bị cáo Phấn luôn vắng mặt ở hầu hết các phiên tòa và hiện không còn sở hữu bất kỳ tài sản nào.

Trong khi đó, với những nhóm nợ khổng lồ có nguy cơ mất vốn, ước tính số lỗ lũy kế của CBBank đến nay có thể lên trên 34.000 tỷ đồng.

Khó hút nhà đầu tư

Thực tế, các ngân hàng yếu kém chưa thoát khỏi sự “sa lầy” bởi những món thất thoát “khổng lồ”. Trong rất nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, chưa có ngân hàng nào trong số 3 ngân hàng bị mua lại bắt buộc được chấp thuận đề án tái cơ cấu. Quý I/2019, có thông tin Ngân hàng J Trust (Nhật Bản) muốn mua lại CBBank, nhưng đến nay, vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào về thương vụ này.

Cuối năm 2019, GPBank công khai đăng thông báo tìm đối tác để tái cơ cấu. Đây là động thái mới nhất của GPBank trong việc kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN. Nhưng đến nay, GPBank vẫn loay hoay tìm lối thoát thời kỳ hậu dàn lãnh đạo vướng vòng lao lý.

Trên thực tế, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đang gặp nhiều khó khăn, kể cả khi các ngân hàng này tìm được đối tác chiến lược. Theo quy định hiện hành, các phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém phải xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Đồng thời, việc xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan tốn rất nhiều thời gian, nên cơ hội hợp tác với nhà đầu tư chiến lược, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ bị bỏ lỡ.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng bị mua lại bắt buộc, một mình NHNN không làm được, mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan. Đối với quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ liên quan đến các vụ án kinh tế, cần phối hợp với nhiều cơ quan chức năng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, để vực dậy các ngân hàng bị mua lại bắt buộc, cần đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc các nhà băng này, nhưng không nên dùng ngân sách để tái cơ cấu, mà kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, đã đến lúc NHNN “buông” các ngân hàng bị mua lại bắt buộc và tập trung thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu.

Nhưng thực tế, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu các nhà băng trên là không dễ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả