Bà mẹ 4 con làm vườn sân thượng ở Hà Nội, “bội thu” cả tạ dưa, rau ăn quanh năm
Tận dụng khoảng sân thượng rộng 30m2, chị Phượng bắt tay vào làm vườn trên cao, trồng đủ loại rau trái. Có vụ, chị “bội thu” hơn trăm cân dưa lưới, các loại rau xanh cũng cho thu hoạch thường xuyên.
Cách đây 6 năm, chị Nguyễn Phượng (SN 1987, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bắt tay vào làm vườn trên sân thượng vì mong muốn có khu vườn nhỏ cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình hàng ngày, đồng thời thỏa mãn sở thích trồng trọt cây cối để giải tỏa căng thẳng.
Chị Phượng cho biết, sân thượng có diện tích khoảng 30m2 nhưng được thiết kế, phân chia khoa học nên có thể trồng được vài chục loại rau trái cùng lúc. Trong đó, chị dành 1/3 diện tích để trồng một số cây ăn quả lâu năm như táo, ổi, sung mỹ, lựu Ấn Độ. Phần không gian còn lại, nữ gia chủ tận dụng làm góc trồng rau và chinh phục các giống dưa.
Một góc vườn sân thượng tràn ngập dưa lưới và các loại rau xanh của gia đình chị Phượng.
Bà mẹ bốn con ưu tiên trồng rau theo mùa để cho năng suất cao và hạn chế sâu bệnh gây hại.
Gia chủ trồng thêm nhiều loài hoa đa màu sắc giúp không gian vườn thêm bắt mắt, tăng tính thẩm mỹ cao.
Chị cho hay, dưa lưới là loại trái cây mà các thành viên trong gia đình đều yêu thích nên được ưu tiên trồng với số lượng nhiều. Tuy đây là giống cây ưa nắng, chỉ trồng được trong mùa hè nên chị Phượng quyết định trồng gối vụ xen kẽ để có dưa thu hoạch thường xuyên.
Mỗi mùa hè, người phụ nữ này chinh phục được 2 vụ dưa trên sân thượng, mỗi vụ khoảng 40 gốc. Thời gian còn lại là mùa mưa bão nên chị cho đất nghỉ và chuẩn bị cải tạo để trồng các loại rau trái mùa đông.
Chị Phượng làm giàn trồng dưa khoa học, vừa thuận tiện chăm sóc, vừa tạo bóng râm mát cho vườn.
Các giống dưa đều sai trĩu, quả nào quả nấy to tròn, vị ngọt đậm.
Theo chị Phượng, dưa lưới là giống cây khó trồng, khả năng kháng bệnh lại kém nên khi thời tiết không thuận lợi hoặc đất trồng xử lý không tốt sẽ khiến cây dễ nhiễm bệnh và bị chết trong quá trình nuôi quả. Để dưa lưới phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao, chị phải dành nhiều thời gian chăm sóc, quan sát hàng ngày
“Trước khi trồng, mình phải xử lý đất rất kỹ bằng vi sinh, nấm đối kháng, ủ kỹ 2-3 tháng. Sau đó bổ sung các loại phân hữu cơ sẵn có như phân gà, phân bò, phân dê, bột đậu tương hoặc bột bánh dầu cùng với lân vôi ủ tiếp 10 ngày. Trước khi trồng cây con, mình trộn thêm phân trùn quế vào đất để bổ sung dinh dưỡng và tạo độ tơi xốp cho đất...”, chị Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, chị cũng chú ý phun phòng các loại bọ trĩ, bọ phấn chích hút trên đọt lá. Đồng thời ưu tiên sử dụng các loại thuốc phun phòng dòng vi sinh và các loại dung dịch tự chế như dung dịch gừng tỏi ớt, dung dịch bồ hòn, thuốc lào. Cách làm này vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, vừa giúp dưa lưới phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao.
Theo định kỳ, chị Phượng bón thêm các loại phân hữu cơ như phân gà viên, phân cá, bánh dầu ủ,… cho dưa để cây đậu trái to, đạt chất lượng.
Ngoài dưa lưới, nữ gia chủ còn chinh phục thành công cả dưa lê, dưa hấu, dưa gang,…
Nhờ kinh nghiệm trồng dưa lưới khoa học và bài bản, kiên trì mà sau thời gian ngắn, chị Phượng cũng thu được trái ngọt với thành quả lao động đầy tự hào. Có vụ, chị thu hoạch được khoảng 60-70kg dưa lưới, còn tổng mỗi mùa trong một năm có thể đạt tới cả tạ dưa.
Không chỉ dưa, chị Phượng còn sắp xếp trồng xen kẽ một số giống rau quen thuộc như rau cải, bắp cải, súp lơ, su hào, ớt, cà chua, mướp đắng, rau thơm,... và các loại cây ăn trái khác như dâu tây, sung Mỹ, ổi ruby, ổi nữ hoàng. Nhờ đó mà gia đình chị có rau trái sử dụng quanh năm, hiếm khi phải đi chợ.
Trong vườn còn có nhiều loại rau, củ, quả như cà tím, su hào, súp lơ, bắp cải, cà chua, rau muống, mùng tơi, rau cải, ớt,...
Rau được trồng trong chậu, bài trí ngay ngắn thẳng hàng giúp gia chủ thuận tiện chăm sóc và dễ dàng vệ sinh vườn.
Mỗi lần thu hoạch, chị Phượng vừa để rau trái sử dụng, vừa đem biếu tặng bạn bè, người thân.
Sở hữu khu vườn sân thượng “trong mơ” nhưng bà mẹ bốn con thừa nhận, công việc làm “nông dân thành thị” không đơn giản. Nhất là giai đoạn đầu làm vườn trên cao, chị gặp nhiều khó khăn do chưa có đủ kinh nghiệm, từ cách xử lý đất, chọn giống, chọn phân bón phù hợp để phát triển theo hướng hữu cơ 100%.
"Trên sân thượng, điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa hè. Thời tiết quá nắng nóng làm cho cây cối không thể phát triển, thậm chí còn chết. Có lúc mình nghĩ đến chuyện từ bỏ nhưng rồi lại quyết tâm theo đuổi, kiên trì tìm ra cách khắc phục", chị Phượng nói.
Dù đặc thù công việc kinh doanh khá bận rộn, lại chăm sóc con nhỏ nhưng chị Phượng vẫn cố gắng dành khoảng 1-2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm và 1 giờ buổi chiều tối để chăm vườn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên cây cối.
Khu vườn trên cao trở thành chốn thư giãn lý tưởng của các thành viên trong gia đình chị Phượng mỗi ngày.
Sau đó, chị mạnh dạn tham gia vào các hội nhóm trên mạng, tìm kiếm những người cùng đam mê làm vườn, trồng rau sân thượng để học hỏi. Dần dần, chị tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm từ những anh chị đi trước nên gặt hái được thành công.
Với chị Phượng, khu vườn không chỉ cung cấp nguồn rau trái sạch mà còn là chốn thư giãn lý tưởng, giúp các thành viên xua tan mệt mỏi mỗi ngày. Vườn cây trái sum suê trên sân thượng cũng là nơi để các con chị thỏa trí tò mò, khám phá thiên nhiên, hiểu thêm về cách chăm sóc, quá trình sinh trưởng của cây cối.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận