Ba Lan mạnh tay chi 10 tỷ USD mua vũ khí Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/2 đã phê duyệt hợp đồng cung cấp hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cùng nhiều thiết bị quân sự khác với chi phí ước tính lên tới 10 tỷ USD.
Theo hợp đồng, Ba Lan sẽ nhận được 18 hệ thống HIMARS, 45 tên lửa thuộc hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) và 1.500 tên lửa thuộc hệ thống tên lửa phóng loạt (GMLRS) với nhiều biến thể khác nhau.
Thương vụ mua bán này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện năng lực tác chiến của quân đội Ba Lan, đồng thời tăng khả năng tương tác với Mỹ cũng như các đồng minh khác.
Hệ thống M142 HIMARS và tên lửa ATACMS.
Được biết, hợp đồng cũng sẽ cung cấp tất cả các thiết bị kỹ thuật liên quan, bao gồm trang thiết bị liên lạc, phụ tùng thay thế và sửa chữa, cũng như các dịch vụ hậu cần cần thiết để đảm bảo cho việc vận hành hệ thống, huấn luyện quân sự.
Tên lửa GMLRS phóng từ M142 HIMARS.
HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung, do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển. HIMARS có thể sử dụng để phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng đang có trong biên chế quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, ATACMS là hệ thống tên lửa tác chiến lục quân, do tập đoàn Lockheed Martin phát triển. Hệ thống tên lửa này được phát triển vào những năm 1980 nhằm mục đích phá hủy các mục tiêu mặt đất. ATACMS có thể tấn công những mục tiêu ở khoảng cách 300 km với đầu đạn chứa 170 kg thuốc nổ.
GMLRS là hệ thống tên lửa phóng loạt tăng tầm, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS kết hợp với dẫn đường quán tính. Hệ thống này được giới thiệu vào năm 2005 cùng với M30 và M31. So với ATACMS, GMLRS có tầm bắn chỉ bằng một nửa, khoảng 150 km.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận