Ba kịch bản hành động tiếp theo của Nga tại Ukraine
Nga có thể chỉ dừng ở giúp phe ly khai bảo vệ khu vực họ kiểm soát, nhưng vẫn tồn tại lo ngại Moskva triển khai lực lượng trên quy mô lớn tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai khu vực ly khai thuộc vùng Donbass tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này. Ông cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới đây để "gìn giữ hòa bình", nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm bắt đầu nhiệm vụ.
Diễn biến này đặt ra câu hỏi động thái tiếp theo của Nga với Ukraine là gì. Những tuần qua, phương Tây liên tục cảnh báo Nga có thể đang chuẩn bị triển khai lực lượng trên quy mô lớn vào nước láng giềng, với hơn 100.000 binh sĩ đang tập trung sát biên giới.
Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc, khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh. Những động thái của Moskva tới nay được đánh giá cũng chưa chạm ngưỡng kịch bản đó.
Theo nhiều nhà phân tích, chỉ đạo điều quân đến các vùng lãnh thổ do phe ly khai tại Ukraine kiểm soát của ông Putin có thể là điểm dừng sau những diễn biến căng thẳng vài tháng qua, hoặc ít nhất là điểm dừng về mặt hành động trên thực địa.
"Kịch bản này giúp ông Putin thoát khỏi tình huống bị dồn vào chân tường và không còn cách nào khác ngoài đưa quân vào Ukraine. Ông ấy đã đạt thành quả và có thể tuyên bố chiến thắng", Tim Ripley, tác giả cuốn sách "Những cuộc chiến của Putin từ năm 2014", nhận định.
Ripley tin rằng thay vì ngay lập tức cố gắng kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn, Nga khả năng cao sẽ nỗ lực gây sức ép lên Ukraine theo những cách khác, như phong tỏa các cảng của nước này dọc Biển Đen. Bằng cách duy trì một cuộc khủng hoảng thường trực, Moskva có thể khiến Kiev dè chừng, đồng thời cho thấy các đồng minh phương Tây của họ chỉ là "hổ giấy", không thực sự giúp đỡ được nhiều.
Ngoài ra, Nga vốn đã đạt được một số mục tiêu lớn, như buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công khai xác nhận họ sẽ không đưa quân đến bảo vệ Ukraine, hay đảm bảo được đồn trú một lực lượng lớn vô thời hạn tại Belarus, quốc gia cũng chung biên giới với Ukraine.
Kịch bản thứ hai mà giới phân tích đưa ra là Nga có thể tìm cách mở rộng vùng lãnh thổ do phe ly khai Ukraine kiểm soát, nhưng vẫn giới hạn quy mô xung đột ở miền đông.
Lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine kiểm soát chưa đến một nửa khu vực tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk mà họ tuyên bố chủ quyền, trong khi quân chính phủ Ukraine vẫn vững vàng trên tiền tuyến. Vì vậy, một số người nghĩ đến kịch bản thứ hai, đặc biệt sau khi Tổng thống Putin nói rõ rằng Moskva công nhận độc lập của toàn bộ lãnh thổ hành chính tỉnh Donestk và Lugansk, trong đó có khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát.
"Chúng tôi công nhận họ, đồng nghĩa với công nhận tất cả tài liệu cơ bản của họ, trong đó có hiến pháp. Hiến pháp đã vạch rõ các đường biên giới trong khu vực Donetsk và Lugansk vào thời điểm họ còn là một phần của Ukraine", Putin phát biểu hôm 22/2.
Một mục tiêu giới phân tích suy đoán Nga có thể quan tâm là Mariupol, cảng chính ở miền đông Ukraine mà phe ly khai đã ngừng nhắm đến vào giai đoạn 2014-2015. Kiểm soát được cảng này sẽ mở đường cho Nga kết nối bán đảo Crimea với các khu vực ly khai Ukraine, đảm bảo kiểm soát hoàn toàn vùng ven Biển Azov, mục tiêu chiến lược có thể gia tăng áp lực kinh tế lên Kiev.
Tuy nhiên, viễn cảnh tranh giành lãnh thổ gia tăng ở miền đông Ukraine được đánh giá không đem lại cho Nga nhiều lợi ích chiến lược. "Kiểm soát thêm vài ngôi làng bên ngoài Donetsk chẳng thay đổi được gì", Ripley nêu quan điểm.
Kịch bản cuối cùng được giới phân tích dự đoán là Nga có thể triển khai lực lượng tại Ukraine trên quy mô lớn. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, vài tuần qua không ngừng cảnh báo nguy cơ Nga tiến hành chiến dịch lớn hơn nhiều nhằm kiểm soát toàn bộ Ukraine, hoặc ít nhất là tiến đến Kiev để lật đổ chính phủ tại đây.
Theo một số bình luận viên, bài phát biểu thông báo công nhận hai vùng ly khai Ukraine độc lập của ông Putin hôm 21/2 cho thấy Tổng thống Nga sẽ không hài lòng trừ khi Ukraine được điều hành bởi một chính phủ thân Nga.
"Dường như ông Putin có nhiều suy tính hơn so với kịch bản đơn giản là chỉ kiểm soát một phần miền đông Ukraine", Shaun Walker, bình luận viên của Guardian và từng viết sách về Putin, đánh giá.
Trước nhiều suy đoán về các kịch bản tương lai tại Ukraine, Tổng thống Putin trong cuộc họp báo hôm 22/2 cho hay quyết định điều quân đến miền đông Ukraine phụ thuộc vào tình hình thực địa.
"Tôi không nói rằng quân đội sẽ tới đó ngay sau cuộc họp báo này. Thêm vào đó, không thể dự đoán bất cứ điều cụ thể nào về những hành động có khả năng xảy ra. Chúng phụ thuộc vào diễn biến trên thực địa", ông nói.
Ông chủ Điện Kremlin cũng khẳng định Moskva không có kế hoạch giành lại các phần lãnh thổ từ thời đế quốc Nga, bác bỏ "những nhận định rằng Nga định khôi phục đường biên giới thời phong kiến". Ông nói tình hình Ukraine hiện nay là "trường hợp ngoại lệ do ảnh hưởng từ nước ngoài".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận