Ba kịch bản án phạt chống độc quyền đối với các “ông lớn” công nghệ Mỹ
Chẻ nhỏ công ty, nộp các mức phạt tiền khổng lồ hoặc buộc phải hỗ trợ đối thủ cạnh trạnh là ba kịch bản án phạt mà các “ông lớn” công nghệ Mỹ bao gồm Facebook, Google, Amazon đang đối mặt trong các cuộc điều tra chống độc quyền của cơ quan liên bang và các bang nước Mỹ.
Hôm 9-9, một liên minh gồm các tổng chưởng lý ở 48 bang cùng đặc khu Washington, D.C và lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ thông báo sẽ mở cuộc điều tra về các cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền.
Cuộc điều tra sẽ được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Tổng chưởng lý bang Texas, Ken Paxton và Tổng chưởng lý đặc khu liên bang Columbia (Washington, D.C.), Karl Racine. Cuộc điều tra sẽ tập trung vào sự thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.
Cuộc điều tra diễn ra giữa lúc Google và các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác như Facebook và Amazon đang đối mặt với một loạt cuộc điều tra khác ở cấp liên bang về nghi vấn vi phạm các luật chống độc quyền. Hồi tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền rộng rãi nhằm vào các nền tảng công nghệ số hóa lớn ở nước này liên quan đến các lĩnh vực tìm kiếm, mạng xã hội và dịch vụ bán lẻ trực tuyến.
Một tháng sau đó, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) phát động cuộc điều tra về các thương vụ thâu tóm của Facebook vì nghi ngờ công ty mạng xã hội này bóp nghẹt cạnh tranh bằng cách mua lại các đối thủ tiềm tàng.
Đến hồi đầu tháng 9, Google tiết lộ hồi cuối tháng 8, DOJ đã yêu cầu Google cung cấp các tài liệu và thông tin để phục vụ cuộc điều tra chống độc quyền tại Mỹ và những nơi khác.
Các cuộc điều tra trên có thể dẫn đến ba kịch bản án phạt đối với các “ông lớn” công nghệ Mỹ.
Chẻ nhỏ công ty
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, nhiều lần cam kết chẻ nhỏ Amazon, Google và Facebook nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong ngành công nghệ nếu bà đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Trong khi một số nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ chẻ nhỏ các công ty công nghệ, một án phạt như vậy không được tán thành rộng rãi tại Washington.
Các công ty công nghệ Mỹ nằm trong số những nhà tài trợ chính trị lớn nhất. Google chi 21 triệu đô la Mỹ để phục vụ các cuộc vận động hàng lang chính trị trong năm 2018, trong khi đó, con số này của Amazon và Facebook lần lượt là 14,2 triệu đô la và 12,62 triệu đô la.
Bà Warren và các nghị sĩ khác lập luận, các tập đoàn công nghệ Mỹ bóp nghẹt các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp mà họ xem là những mối đe dọa cạnh tranh tiềm tàng. Chris Hughes, một trong những đồng sáng lập Facebook, cũng nhận định công ty mạng xã hội này nắm quyền lực quá lớn đối và sẵn sàng bỏ qua các ưu tiên về an ninh và quyền dân sự (của người dùng) để kiếm “click” (cú nhấp chuột).
Hughes cho rằng quyền lực mà Facebook và người đồng sáng lập Mark Zuckerberg, người bạn đại học cũ của ông, đang nắm giữ là “chưa có tiền lệ”. Ông kết luận: “Đã đến lúc phải giải thể Facebook”.
Tuy nhiên, luật chống độc quyền của Mỹ khiến cho đề xuất trên khó thực thi vì nó đòi hỏi chính quyền phải kiện các công ty công nghệ ra tòa và phải thắng trong một vụ kiện chống độc quyền. Việc giải thể một tập đoàn lớn ở Mỹ ít khi xảy ra nhưng đã có vài tiền lệ chẳng hạn tập đoàn năng lượng Standard Oil từng bị chẻ nhỏ thành 34 công ty vào năm 1911 và tập đoàn viễn thông AT&T bị buộc phải tách thành 8 công ty vào năm 1984 để chấm dứt sự độc quyền.
Năm 2000, DOJ giành thắng lợi ở cấp tòa sơ thẩm trong vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Microsoft và yêu cầu chẻ nhỏ công ty này. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết, sau đó DOJ và Microsoft đã thương lượng dàn xếp khép lại vụ kiện, giúp công ty Microsoft vẫn được giữ nguyên trạng.
Phạt tiền nặng
Bảng quảng cáo vận động tranh cử của thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, ở TP. San Francisco, Mỹ, kêu gọi chẻ nhỏ các “ông lớn” công nghệ. Ảnh: NY Times |
Trong một vụ dàn xếp gần đây với FTC về các cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng, Facebook nhất trí nộp phạt 5 tỉ đô la Mỹ sau khi bị kết luận chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng.
Facebook, công ty đang sở hữu hai nền tảng Instagram và Whatsapp, cũng cam kết sẽ nỗ lực hơn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Song thỏa thuận nộp phạt trên bị các cơ quan quản lý khác và các nghị sĩ Mỹ chỉ trích là chưa đủ sức răn đe Facebook và kìm hãm sức mạnh của công ty này.
Trong khi phán quyết phạt của FTC và DOJ hoặc các tổng chưởng lý có thể là con số khổng lồ, các công ty như Facebook, Google, Amazon với các mức vốn hóa thị trường lớn hàng đầu thế giới sẽ dễ dàng chấp hành. Các công ty này cũng có mức doanh thu hàng năm trên 50 tỉ đô la.
Buộc phải hỗ trợ các đối thủ cạnh tranh
Các nghị sĩ đảng Dân chủ nhiều lần gợi ý một phương án chấn chỉnh quyền lực thị trường quá lớn của các “ông lớn” công nghệ đối với mạng xã hội bằng cách buộc họ cho phép người dùng dễ dàng chuyển dữ liệu như hình ảnh và danh sách bạn bè sang một nền tảng khác. Phương án có thể mở ra cho các đối thủ công nghệ mới cơ hội cạnh tranh với những công ty như Facebook.
Ý tưởng trên, vốn là một phần trong luật của Liên minh châu Âu, được thượng nghị sĩ Mark Warner và hạ nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, ủng hộ mạnh mẽ.
Cicilline cho rằng cho phép người sử dụng quyền chuyển dữ liệu sẽ thúc đẩy sự phát triển của các mạng xã hội thay thế với các tính năng hạn chế quảng cáo và bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt hơn. Tuần trước, Facebook công bố sách trắng về chuyển dữ liệu, trong đó khẳng định Facebook ủng hộ nguyên tắc chuyển dữ liệu nhưng không vạch ra các hành động cụ thể trong tương lai.
Theo Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận