24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Anh Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ba huyện ở TP HCM muốn lên thành phố

Giá đất tại đây lại tăng mạnh!

Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi đều định hướng phát triển lên thành phố trong giai đoạn tới chứ không thành quận như huyện Nhà Bè và Hóc Môn.

Theo Sở Nội vụ TP HCM, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ chủ yếu ở vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những năm qua, các địa phương này tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.

Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố; chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là cần thiết, phù hợp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Ba huyện ở TP HCM muốn lên thành phố
5 huyện ở TP HCM muốn chuyển đổi lên thành phố và quận. Đồ họa: Khánh Hoàng

Trong 5 huyện ngoại thành, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận nhất với 26/30, Cần Giờ đạt 19/30, theo kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030, do UBND thành phố ban hành hồi tháng 1 vừa qua.

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính của huyện, xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội Bình Chánh nên huyện đặt mục tiêu chuyển lên thành phố vào năm 2025.

Theo ông Nam, Bình Chánh nằm ở vị trí cửa ngõ, diện tích rộng thứ 3 thành phố (sau Cần Giờ và Củ Chi). Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa không đều, trong khi xã Bình Hưng phát triển nhà cửa rất nhanh thì xã Bình Lợi thuần nông. Điều này phù hợp tiêu chí của thành phố là vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính là phường.

Để thực hiện mục tiêu lên thành phố, Bí thư Bình Chánh cho rằng huyện cần đổi mới phương thức quản lý, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên. Địa phương sẽ tập trung giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt lĩnh vực nhà đất...

Về lộ trình triển khai, Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư 4 năm tới, ước tính kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học... khoảng 44.000 tỷ đồng. Để huy động nguồn lực này, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.

Trong khi đó, nói về định hướng phát triển của Củ Chi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quyết Thắng cho biết địa phương này sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, là thành phố trực thuộc TP HCM chứ không lên quận. Củ Chi sẽ đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái.

Theo ông Thắng, lên thành phố Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp. Địa phương này có nguồn lực đất đai kết hợp nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

"Củ Chi phải thu hút được nguồn lực, nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch", ông Thắng nói. Sắp tới địa phương này không khuyến khích những ngành nghề nguy cơ gây ô nhiễm, sử dụng quá nhiều lao động.

Tương tự, định hướng của TP HCM đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch. Huyện đang phối hợp các sở ngành xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.

"Huyện Cần Giờ chỉ có hai đầu phát triển là Bắc - Nam, nếu chỉ lên quận muốn phát triển sẽ gặp hạn chế. Địa phương sẽ là nơi phát triển đô thị lớn, hiện đại, đồng thời đảm bảo khu dự trữ sinh quyển không bị ảnh hưởng", Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nói tại hội thảo TP HCM- tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế tổ chức tháng 3 năm ngoái.

Ba huyện ở TP HCM muốn lên thành phố
Khu vực thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ, tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Đề cập vấn đề nhiều huyện muốn lên thành phố, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn nói rằng đang có xu hướng các huyện muốn lên thành phố vì "dễ hơn lên quận". Tuy nhiên với một địa phương chưa đủ điều kiện lên quận thì không nên lên thành phố. "Đây không phải là chuyện cấp bách và TP HCM không nên 'ép' vì đã có tiêu chí cụ thể cho việc này", ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, tất cả địa phương trở thành quận, sẽ đẩy nhanh phát triển đô thị, chưa chắc là tốt với TP HCM. Bởi nông nghiệp không chỉ đơn thuần là làm lúa mà còn trồng cây cảnh, rau xanh... cung cấp cho hơn 10 triệu dân thành phố. Chưa kể, tại khu vực nội thành, không gian xanh chỉ có 0,5 m2 trên mỗi người. Các huyện lên quận hay thành phố đều vội vã bê tông hóa sẽ tác động đến môi trường.

Chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng cho rằng trong vấn đề huyện lên thành phố, phía được lợi lớn nhất không phải người dân mà là những dự án địa ốc. Khi lên thành phố, dự án ở đây tăng giá, cơ hội sở hữu nhà cửa của người dân càng xa vời.

"TP Thủ Đức lên thành phố hơn một năm, giá đất lên rất cao nhưng kinh tế chưa khởi sắc và nhiều đóng góp cho TP HCM như kỳ vọng", ông Sơn nói và cho biết việc nhiều huyện lên thành phố sẽ cần vốn đầu tư hạ tầng trong bối cảnh ngân sách TP HCM đang thiếu.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), cho rằng thành phố đang có cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị, nên trong thành phố có thành phố trực thuộc là chuyện bình thường. Việc lập các thành phố trực thuộc là điều cần thiết để giãn dân, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi những nơi đây có địa hình cao.

Theo ông Châu, thành phố có những tiêu chí khác với quận. Do đó khi lên thành phố, địa phương có thể chủ động được các định hướng chỉ tiêu, mức độ đô thị hóa riêng, phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo đô thị.

Tuy nhiên, để các thành phố phát huy tác dụng cần một cơ chế đột phá để thu hút đầu tư hạ tầng, khai thác các quỹ đất, phát triển y tế, giáo dục... tương xứng. Ví dụ các thành phố mới sẽ được phân quyền cấp sổ đỏ cho người dân, doanh nghiệp mà không cần thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết người đứng đầu thành phố chuyển đổi cần được giao nhiều thẩm quyền về tự quyết ngân sách, bổ nhiệm cán bộ... so với quyền hạn của chủ tịch các quận, huyện. Chứ như TP Thủ Đức hiện chỉ là một "siêu quận" chứ chưa có chính sách riêng, đột biến để chủ động phát triển.

TP HCM rộng hơn 2.060 km2, gần 9 triệu dân (thống kê năm 2019), có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố (Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện. Quá trình phát triển, thành phố nhiều lần tách nhập, chuyển đổi đơn vị hành chính, gần nhất là sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức.

Trước đó năm 1997, TP HCM lập các quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức trên cơ sở tách một phần từ huyện Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn; năm 2003 lập thêm quận Tân Phú (tách từ quận Tân Bình), Bình Tân (tách từ huyện Bình Chánh).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả