Bà bán rau, cá, thịt heo ở chợ bắt đầu lên mạng mở sạp bán online
Nhiều tiểu thương bán cá, thịt heo, rau củ quả tại các chợ Bà Chiểu, Hòa Hưng, Tân Mỹ, Tân Bình (TP.HCM) đã bắt đầu bán hàng online, thay vì chỉ ngồi trực tiếp bán tại chợ như từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam - cho biết: Hiện dịch vụ đi chợ hộ mang tên GrabMart của ứng dụng này đã kết nối được gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM để đưa hàng lên ứng dụng này bán online.
Cụ thể, khu vực Hà Nội, nhiều tiểu thương các chợ Bưởi, Nghĩa Tân, Thành Công, Ngọc Khánh, Hữu Tiệp, Linh Lang, Cống Vị; Đà Nẵng có chợ Hàn và chợ Cồn; TP.HCM có các chợ Bà Chiểu, Hòa Hưng, Tân Mỹ, Tân Bình đã tham gia hợp tác với Grab, đưa hàng lên ứng dụng này để bán cho người dùng.
Trước đây, dịch vụ đi chợ hộ của Grab mới bắt đầu hỗ trợ người dùng mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hiện người dùng có thể mua thêm các mặt hàng thiết yếu đa dạng như rau, củ, quả, thịt, cá, sữa, hoa tươi… từ sạp hàng tại chợ truyền thống.
Các tiểu thương mở sạp online sẽ được thông báo đơn hàng trên ứng dụng khi có người đặt mua. Họ sẽ chuẩn bị đơn để chờ tài xế đến lấy. Grab cũng tính toán việc có đội ngũ gom đơn giúp tài xế, với những khách hàng đặt đơn cùng lúc nhiều sạp trong trường hợp nhiều tiểu thương trong cùng một chợ gia nhập nền tảng.
Với việc mở rộng hợp tác với tiểu thương chợ truyền thống, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn; trong khi đó, phía Grab cho rằng đây là ý tưởng số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online. Grab kỳ vọng sẽ tăng số lượng tiểu thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021.
"Dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực chuyển đổi số cho mọi thành phần trong nền kinh tế, nhất là với các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp nhỏ vốn chủ yếu hoạt động offline", bà Nguyễn Thái Hải Vân nhận định.
Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho rằng Covid-19 vừa là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để đưa hàng từ truyền thống lên online. Theo bà, khó khăn nhất của những tiểu thương chợ truyền thống là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số.
Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực Đông Nam Á mà ứng dụng này triển khai số hóa chợ truyền thống.
Trên thị trường hiện nay, nhiều nền tảng khác như Now, be, Chopp, Lomart… cũng đã triển khai dịch vụ đi chợ hộ. Tuy vậy, các đối tác liên kết của những ứng dụng này là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ thực phẩm chứ chưa nhắm đến tiểu thương truyền thống.
Cũng liên quan "số hóa" loại hình bán lẻ truyền thống, năm nay, ứng dụng VinShop của Tập đoàn One Mount Group (công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ra đời nhằm kết nối các tiệm tạp hóa trên cả nước. Qua ứng dụng, tiệm tạp hóa có thể đặt hàng từ các thương hiệu và nhà cung cấp, tối ưu hiệu quả quản lý gian hàng và được hỗ trợ thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận