Australia và Facebook đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc liên quan hạn chế chia sẻ tin tức
Chính quyền Australia và Facebook đã có các cuộc thảo luận cấp cao một ngày sau khi “Gã khổng lồ” công nghệ hạn chế chia sẻ tin tức của người dùng internet tại Australia, kéo theo sự chỉ trích mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết ngày 19/2 đã có cuộc gặp kéo dài khoảng 30 phút với “Ông chủ” Facebook Mark Zuckerberg để tìm cách thức thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo ông, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần này.
Cùng ngày, Thủ tướng Scott Morrison hối thúc Facebook chấm dứt điều mà ông gọi là “những lời đe dọa” và “quay trở lại bàn đàm phán”. Nhà lãnh đạo Scott Morrison đã mô tả động thái của Facebook ngăn người dùng tại Australia truy cập và chia sẻ tin tức là một mối đe dọa và làm “leo thang cuộc chiến”. Ông đồng thời cho biết đã thảo luận vấn đề với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Canada.
“Điều tôi hài lòng là Facebook đã trở lại bàn đàm phán. Đó là những gì chúng tôi muốn thấy. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này. Và vì vậy tôi hoan nghênh việc họ trở lại các cuộc thảo luận với Chính phủ như họ nên làm. Tôi đánh giá cao lời xin lỗi đã được cung cấp nhưng công việc của tôi bây giờ là đảm bảo rằng các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục và có thể đi tới một kết quả thành công. Quan điểm của chính phủ Australia là rất rõ ràng.”
Trước đó, phó Chủ tịch chính sách công của Facebook tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner đã đưa ra lời xin lỗi vì đã vô tình xóa các trang do các tổ chức từ thiện, cơ quan chính phủ và cơ quan y tế địa phương của nước này điều hành.
Báo chí Australia dẫn lời ông Milner cho rằng đây là hậu quả không mong muốn của quyết định cấm tin tức hàng loạt. Tuy nhiên, Facebook vẫn cho thấy lập trường khá quyết liệt liên quan tới Bộ Quy tắc thương lượng truyền thông mà Quốc hội Australia đang xem xét thông qua, khi cho rằng văn kiện “hoàn toàn phớt lờ” các mối quan hệ giữa nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông.
Nhiều nước đã chỉ trích mạnh mẽ sau khi Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức nhằm phản đối dự thảo luật này, vốn yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia nếu muốn chia sẻ tin tức.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 19/2 hối thúc các bên đặt lợi ích của người tiêu dùng lên cao nhất: “Tôi nghĩ rằng cần có một cuộc trò chuyện hợp lý giữa chính phủ và các công ty công nghệ về việc đảm bảo tin tức có sẵn theo cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất cho người tiêu dùng.”
Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương. Số lượng người xem các trang web truyền thông của Australia cũng giảm mạnh cả ở trong và ngoài nước, với lưu lượng truy cập ở nước ngoài giảm hơn 20% mỗi ngày./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận