menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy An

Australia tăng tốc quan hệ với vùng Thái Bình Dương, cạnh tranh với Trung Quốc

Ngoại trưởng Australia Penny Wong và phái đoàn lưỡng đảng nước này đang có chuyến công du 3 nước khu vực Thái Bình Dương gồm có Vanuatu, Nhà nước Liên bang Micronesia và Palau nhằm đẩy mạnh quan hệ với vùng này, cạnh tranh với Trung Quốc.

Thỏa thuận an ninh quan trọng đạt được tại điểm dừng chân đầu tiên Vanuatu đã cho thấy xu hướng ngày càng gắn kết giữa Australia và các quốc đảo trong khu vực.

Trong bối cảnh Thái Bình Dương đang là điểm đến chiến lược của nhiều nước lớn, Australia cũng đang có cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại đây, liệu chuyến công du lần này sẽ mang lại những thế mạnh nào cho Canberra?

Kỳ vọng và mục tiêu chiến lược của Ngoại trưởng Penny Wong

Ngoại trưởng Australia Penny Wong đang có chuyến thăm 3 nước Thái Bình Dương gồm Vanuatu, Nhà nước liên bang Micronesia và Palau. Trong đó, tại điểm dừng đầu tiên là Vanuatu, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã cùng với Thủ tướng nước chủ nhà Ishmael Kalsakau ký thỏa thuận hợp tác an ninh giữa hai nước.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh sự hiện diện và ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon hồi đầu năm nay cũng như quan hệ nguội lạnh giữa chính quyền trước đây tại Australia với khu vực thì việc Australia và Vanuatu ký thỏa thuận an ninh song phương đúng là một tín hiệu tích cực khi nó củng cố mối quan hệ sẵn có giữa nước này không chỉ với Vanuatu mà với cả khu vực.

Thỏa thuận này cũng cho thấy các quốc gia Thái Bình Dương đang gia tăng niềm tin và muốn gắn kết hơn với Australia. Đồng thời nó cũng là minh chứng về việc nếu Australia có cách tiếp cận phù hợp thì nước này sẽ vẫn có chỗ đứng trong khu vực.

Trong lúc Australia đang nỗ lực củng cố ảnh hưởng, cải thiện quan hệ và gia tăng lòng tin với các quốc đảo Thái Bình Dương, thỏa thuận an ninh mà nước này vừa ký với Vanuatu và trước đó là thỏa thuận an ninh ký với Fiji cũng như việc nâng cấp thỏa thuận an ninh, quốc phòng với Papua New Guinea cùng trong tháng 10 vừa qua cũng cho thấy Australia đang đi đúng hướng và cách tiếp cận của chính quyền mới tại nước này phù hợp và đáp ứng được mong đợi của khu vực.

Chính sách nhất quán của Australia

Trong chuyến thăm 3 quốc đảo Thái Bình Dương lần này của Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương Pat Conroy còn có sự tham gia của lãnh đạo đảng Tự do đối lập, thượng nghị sĩ Simon Birmingham và người phụ trách vấn đề Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của đảng Tự do đối lập, nghị sĩ Michael McCormack.

Việc đại diện 2 đảng phái chính trị lớn nhất Australia cùng đến khu vực Thái Bình Dương đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ đối với khu vực về một chính sách nhất quán và lâu dài của Australia với khu vực rằng việc chính quyền Australia của Thủ tướng Anthony Albanese đã thay đổi các tiếp cận theo hướng lắng nghe và chia sẻ với các quốc gia Thái Bình Dương và chính sách này có được sự ủng hộ từ phía đảng đối lập.

Điều này là rất quan trọng khi mà chính quyền trước tại Australia không có nhiều sự tin cậy cũng như mối liên kết chặt chẽ với khu vực nên đã tạo ra một khoảng trống đáng kể để Trung Quốc có thể nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng trong khoảng thời gian ngắn.

Trong bối cảnh này, việc đoàn đại biểu của lưỡng đảng tại Australia đến khu vực cho thấy đây có thể sẽ là chính sách ổn định trong một khoảng thời gian nhất định và có thể sẽ không thay đổi cho dù Australia thay đổi chính quyền. Và đây là sự đảm bảo cần thiết, khiến cho các quốc gia Thái Bình Dương yên tâm hơn khi đẩy mạnh hơn sự hợp tác với Australia cũng như đặt niềm tin về một giai đoạn hợp tác thuận lợi, ổn định ở phía trước.

Thế mạnh của Australia trong cuộc đua chiến lược với Trung Quốc

Là một quốc gia tầm trung, Australia chưa bao giờ muốn và cũng không đủ sức mạnh và năng lực để có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là một trong những cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay, cho dù là ở ngay khu vực Thái Bình Dương, nơi nhiều năm qua nước này có mối quan hệ chặt chẽ.

Việc Trung Quốc đầu tư 5,3 tỷ USD, cấp hơn 2,7 tỷ USD vốn viện trợ phát triển cho khu vực Thái Bình Dương trong những năm gần đây đã khiến cho Australia cảm thấy lo lắng. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, vào đầu năm nay, Trung Quốc và quần đảo Solomon còn bất ngờ ký thỏa thuận an ninh khiến cho Australia càng cảm thấy bất an hơn khi những lời đồn đoán trong khu vực cho rằng thỏa thuận này có thể mở đường cho việc Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự tại Quần đảo Solomon, nơi cách Australia chưa đầy 2.000 km. Thỏa thuận này chính là động lực để Australia phải nhìn nhận lại chính sách đối với khu vực trong những năm gần đây và quyết định thay đổi cách tiếp cận để cải thiện được lòng tin của khu vực và củng cố quan hệ với khu vực.

Việc các quan chức cấp cao trong chính quyền mới tại Australia liên tục tới thăm khu vực Thái Bình Dương trong 6 tháng qua cho thấy nước này đang nỗ lực níu giữ những mỗi quan hệ còn lại trước khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng sâu và rộng hơn trong khu vực.

Nói về lợi thế của Australia thì điều có thể thấy rõ nhất đó là nước này là quốc gia trong khu vực cho nên lợi ích gắn chặt với khu vực và hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng chính là lợi ích của nước này vì thế các nước trong khu vực hoàn toàn có thể tin tưởng việc hợp tác với Australia là nhằm mục tiêu chung này.

Thứ hai, Australia không phải là đối tác lạ lẫm với các quốc gia trong khu vực. Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, ảnh hưởng của Australia đã lan rộng và gia tăng mạnh mẽ vì thế sự hiểu biết, mối quan hệ nhiều mặt từ chính trị tới kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Australia với khu vực đều không có gì lạ lẫm.

Thứ ba, mặc dù Australia không thể cạnh tranh với Trung Quốc song nước này đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, Nhật Bản và New Zealand trong việc đẩy mạnh quan hệ với khu vực. Đồng thời, Australia cũng đang lôi kéo các quốc gia khác như Pháp, Anh tham gia nhiều hơn vào các vấn đề trong khu vực khiến cho vị thế của Australia được củng cố, làm tiền để các nước trong khu vực yên tâm hơn khi đẩy mạnh quan hệ với Australia trong lúc Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực để thiết lập quan hệ và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại