Australia sẽ ngừng sản xuất vaccine của hãng AstraZeneca
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt xác nhận chính phủ liên bang sẽ không gia hạn hợp đồng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca với công ty CSL, ngoài 51 triệu liều đã thỏa thuận.
Ngày 14/10, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt xác nhận chính phủ liên bang sẽ không gia hạn hợp đồng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca với công ty CSL, ngoài 51 triệu liều đã thỏa thuận với công ty này.
Theo phóng viên TTXVN Sydney, nhà máy của CSL ở thành phố Melbourne hiện đang sản xuất khoảng 1 triệu liều mỗi tuần, trong đó hơn 800.000 liều được gửi tới các nước trong khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Người phát ngôn của CSL cho biết công ty đã sản xuất hơn 20 triệu trong số 51 triệu liều được giao, và dự kiến sẽ hoàn thành hợp đồng vào đầu năm sau.
Khoảng 12,5 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca đã được sử dụng trong nước cho người dân Australia, trong khi hơn 3,5 triệu liều đã được gửi đến các quốc đảo Thái Bình Dương và một số nước Đông Nam Á.
Theo quan chức cấp cao trong Bộ Y tế Australia, Giáo sư Brendan Murphy, chính phủ liên bang cam kết cung cấp tổng cộng 40 triệu liều vaccine cho các quốc gia khác và "một phần lớn" trong số này sẽ lấy từ nguồn 30 triệu liều mà công ty CSL vẫn đang có kế hoạch sản xuất.
Ngoài 40 triệu liều trên, Canberra còn cung cấp 20 triệu liều vaccine khác cho khu vực thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cũng cam kết đóng góp 100 triệu AUD (70 triệu USD) trong khuôn khổ sáng kiến của các quốc gia thành viên Đối thoại an ninh bốn bên (Nhóm "Bộ tứ" bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) để triển khai 1,2 tỷ liều vaccine cho các nước và vùng lãnh thổ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về chương trình tiêm chủng của Australia, tính đến ngày 13/10, 83,6% số người từ 16 tuổi trở lên (điều kiện tiêm chủng) tại nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 65,4% đã được tiêm đủ 2 mũi.
Ở cấp địa phương, sau khi mở cửa trở lại vào hôm 11/10, bang đông dân nhất là New South Wales đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi một là 91,4% và mũi hai là 77,8% trong cùng ngày.
Vùng lãnh thổ thủ đô Canberra (ACT) đạt tiêm chủng mũi một cao nhất ở Australia, với tỷ lệ là hơn 95%, và mũi hai là 77%. Trong khi đó, các bang và vùng lãnh thổ khác của Australia đều vượt qua ngưỡng tiêm chủng mũi một là 65% và mũi hai là 50%.
Tại bang Victoria, 87,1% người dân đủ điều kiện đã nhận được ít nhất một liều vaccine, trong đó 61,6% nhận được đủ hai liều. Cũng trong ngày 13/10, bang đông dân thứ hai ở Australia ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 hằng ngày cao nhất từ trước đến nay là 2.297 ca.
Mặc dù vậy, thủ hiến bang, ông Daniel Andrews, vẫn khẳng định số ca mắc hằng ngày sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở bang khi đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 70%, dự kiến trong tuần tới.
*Palau, quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương này, đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với hơn 99% người dân đủ điều kiện đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Theo số liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Palau, trong số 18.000 người dân nước này, 15.000 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho rằng điều này có nghĩa là hơn 99% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng.
Palau là một trong số ít quốc gia trên thế giới được cho là kiềm chế tương tối tốt dịch bệnh sau khi thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới từ sớm, bất chấp những thiệt hại lớn đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, Palau ghi nhận 8 ca mắc COVID-19./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận