Australia: Hàng loạt hãng bán lẻ đóng cửa
Thị trường Australia đang chứng kiến làn sóng đóng cửa hàng loạt của các công ty bán lẻ, với nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thị trường khó khăn, áp lực từ cạnh tranh trực tuyến.
Thị trường Australia đang chứng kiến làn sóng đóng cửa hàng loạt của các công ty bán lẻ, với nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thị trường khó khăn, áp lực từ cạnh tranh trực tuyến cũng như tình trạng chậm thay đổi phương thức bán hàng.
Mới bước vào năm 2020 được nửa tháng nhưng hàng chục công ty bán lẻ nổi tiếng của Australia đã thông báo sẽ đóng cửa trong thời gian tới.
Ngày 7/1, công ty bách hóa Harris Scarfe thông báo sẽ đóng cửa 21 cửa hàng trên 5 bang trong vòng một tháng, sau khi công ty này nộp đơn xin thanh lý tự nguyên vào tháng 12/2019.
Chỉ vài ngày sau, McWilliam’s Wine, hãng rượu vang lớn thứ sáu của Australia, tuyên bố cũng đã bổ nhiệm các quản trị viên tự nguyện trong thời gian nộp đơn xin phá sản.
Tiếp đó, chuỗi cửa hàng kinh doanh thiết bị trò chơi điện tử nổi tiếng EB Games xác nhận sẽ đóng cửa ít nhất 19 cửa hàng trên toàn quốc trong vòng vài tuần, trong khi chuỗi thời trang Bardot cũng đang lên kế hoạch đóng cửa 58 cửa hàng trên toàn quốc vào tháng 3/2020.
Trong tuần này, công ty Curious Planet chuyên bán lẻ các sản phẩm giáo dục trước đây có tên là Australian Geographic, thuộc sở hữu của công ty Co-op Bookshop, cũng cho biết sẽ đóng 63 cửa hàng trên khắp Australia sau khi không tìm được người mua thương hiệu này.
Mới đây, ngày 15/1, chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang Jeanswest đã xin thanh lý tự nguyện, khiến 146 cửa hàng với 988 việc làm có nguy cơ phải đóng cửa.
Chuyên gia về bán lẻ của Đại học Công nghệ Queensland, Tiến sĩ Gary Mortimer, cho rằng các công ty bán lẻ kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc trong dịp lễ Giáng sinh nhưng điều đó đã không xảy ra.
Theo Tiến sĩ Mortimer, tình hình trên là một sự khởi đầu gây thất vọng cho thập kỷ mới và cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc. Ngành bán lẻ đang trải qua giai đoạn điều chỉnh của thị trường và một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi.
Theo hãng kiểm toán KPMG, nguyên nhân dẫn đến làn sóng đóng cửa hàng loạt công ty bán lẻ là do điều kiện thị trường khó khăn và áp lực từ cạnh tranh trực tuyến. Tuy nhiên, tình trạng chậm thay đổi phương thức bán hàng, hay “bán lẻ lười biếng” như cách gọi của của Tiến sĩ Mortimer, cũng là một nguyên nhân khiến một số công ty bán lẻ sụp đổ.
Chẳng hạn, hai siêu thị lớn ở Australia như Coles và Wooworths là những nhà bán lẻ lười biếng trong nhiều thập kỷ và không thực sự cạnh tranh với nhau. Họ không có cuộc chiến giá cả nào cho đến khi chuỗi siêu thị Aldi của Đức xuất hiện và buộc hai siêu thị lớn này phải nghĩ tới việc đầu tư vào các cửa hàng, cải thiện phân phối và mở rộng các nhãn hiệu riêng.
Trong thời gian gần đây, các hãng bán lẻ thời trang và giày dép không chỉ phải cạnh tranh với "thời trang nhanh", mà còn phải cạnh tranh về giá cả.
Tiến sĩ Mortimer nhận xét một số thương hiệu thời trang và giày dép đã sai lầm khi đặt kỳ vọng vào thương hiệu lâu đời của mình trên thị trường hoặc giảm giá mạnh để tăng tính cạnh tranh. Theo Tiến sĩ Mortimer, thay vì tìm nguồn cung ứng sản phẩm tốt hơn và tăng cường đào tạo nhân viên, các hãng bán lẻ này chỉ tập trung vào giảm giá, một cách lười biếng để đối phó với các mối đe dọa cạnh tranh.
Tiến sĩ Mortimer cho hay vào năm 1983, chuỗi cửa hàng bán lẻ Grace Brothers, nay có tên là Myer, đã đưa ra phương thức khuyến mại mới: chỉ giảm giá hai lần mỗi năm.
Nhưng hiện nay, các chiến dịch giảm giá từ 40-60% diễn ra trong suốt cả năm, khiến cho việc bán hàng giảm giá trở thành một tiêu chuẩn và khách hàng đang trở nên quen với việc mua hàng giảm giá.
Tiến sĩ Mortimer cho rằng sẽ có thêm nhiều hãng bán lẻ khác thất thủ trong tháng Một và tháng Hai, trừ các thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu được hỗ trợ lớn về tài chính./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận