menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đức Anh

ASEAN-New Zealand: Nỗ lực ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy RCEP sớm được phê chuẩn và có hiệu lực

Sáng ngày 5/8 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – New Zealand.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonnn, trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - New Zealand và Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta đồng chủ trì Hội nghị này.

Bộ trưởng Nanaia Mahuta khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, mong cùng ASEAN kế thừa và phát huy nền tảng quan hệ đối tác hơn 45 năm qua, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, đề cao hợp tác đa phương, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

Bộ trưởng New Zealand cam kết phối hợp với ASEAN giảm thiểu các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi bền vững, đồng thời thông báo đóng góp 1 triệu đô la New Zealand (NZD) cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, tài trợ 29 triệu NZD hỗ trợ ASEAN ứng phó và giải quyết các tác động của dịch bệnh, trong đó dành 17 triệu NZD hỗ trợ cung ứng vaccine đồng đều trong khu vực.

Bộ trưởng Nanaia Mahuta cho biết thêm New Zealand, thành viên sáng lập của viện Mekong, dành nhiều quan tâm tới phát triển bền vững trên sông Mekong và có những cam kết mạnh mẽ, cụ thể về phát triển hợp tác giữa New Zealand với tiểu vùng Mekong.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia thay mặt ASEAN hoan nghênh những tiến triển trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - New Zealand, nhấn mạnh nhu cầu phối hợp triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung được thông qua tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - New Zealand năm 2020, tập trung thúc đẩy các trụ cột hợp tác vì hoà bình, thịnh vượng, con người và hành tinh.

Các nước ASEAN đánh giá cao New Zealand tích cực hỗ trợ ứng phó Covid-19 và phục hồi bền vững, đồng thời mong muốn phối hợp chặt chẽ với New Zealand làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, thúc đẩy đối thoại, hợp tác duy trì ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức nổi lên.

Hai bên nhất trí triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn mới 2021-2025, ưu tiên hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó đại dịch và phục hồi bền vững, tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng khu vực, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, giáo dục, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, nông nghiệp thông minh, thu hẹp khoảng cách phát triển và hợp tác phát triển tiểu vùng trong đó có tiểu vùng Mekong.

Hai bên khẳng định tiếp tục nỗ lực ủng hộ hệ thống thương mại đa phương quốc tế rộng mở, công bằng, dựa trên luật lệ và đẩy mạnh liên kết khu vực thông qua nâng cấp Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sớm được phê chuẩn và có hiệu lực.

Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, ASEAN và New Zealand khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì và bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

New Zealand nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

New Zealand hoan nghênh vai trò và những nỗ lực của ASEAN chủ động thúc đẩy hòa giải, đối thoại, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình, khẳng định ủng hộ ASEAN triển khai thành công Đồng thuận 5 điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN.

ASEAN-New Zealand: Nỗ lực ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy RCEP sớm được phê chuẩn và có hiệu lực
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị ASEAN-New Zealand. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - New Zealand đối với hoà bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững tại khu vực.

Việt Nam đề nghị New Zealand hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực ứng phó Covid-19, tiếp cận vaccine kịp thời và đồng đều; giảm thiểu các tác động do đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua duy trì thị trường mở và các chuỗi cung ứng.

Việt Nam cũng mong hai bên sớm nâng cấp Hiệp định AANZFTA và hoàn tất Hiệp định dịch vụ hàng không khu vực ASEAN - New Zealand. Việt Nam khuyến khích New Zealand hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững tại các tiểu vùng, trong đó có Mekong.

Về Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, các nước ASEAN và New Zealand chia sẻ lợi ích và trách nhiệm duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.

Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông. ASEAN tích cực cùng Trung Quốc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Kết thúc Hội nghị, Brunei chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN – New Zealand trong giai đoạn 2021-2024.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại