ASEAN 2020: Các nước thành viên khẳng định ý nghĩa của RCEP
Sau khi 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ký RCEP, lãnh đạo nhiều nước đã khẳng định ý nghĩa của hiệp định này đối với kinh tế mỗi nước cũng hoạt động thương mại-đầu tư toàn khu vực.
Ngày 15/11, sau khi 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), lãnh đạo nhiều nước đã khẳng định ý nghĩa của hiệp định này đối với kinh tế mỗi nước cũng hoạt động thương mại-đầu tư toàn khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã mô tả sự kiện này là "kết quả quan trọng nhất" của Chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhằm cải thiện mối quan hệ chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á và cũng là cơ hội để Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế "đi đầu".
Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, đây là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 quốc gia chiếm 1/3 Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thế giới.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu khi tham dự Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ tư theo hình thức trực tuyến, do Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng việc ký kết RCEP không chỉ là một thành tựu quan trọng mang tính bước ngoặt trong hợp tác khu vực Đông Á, mà còn là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu với truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham đánh giá cao ý nghĩa của RCEP, nêu rõ "đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu".
Ông Birmingham nhấn mạnh "việc ký thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và hữu hình rằng khu vực của chúng ta, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng".
Đây là lần đầu tiên các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cùng tham gia vào một thỏa thuận, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương hiện có.
Về lợi ích của RCEP đối với Australia, ông Birmingham cho biết các doanh nghiệp nước này trong các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, y tế, kế toán, kỹ thuật và pháp lý sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận trên.
Thỏa thuận công nhận bằng cấp và cấp phép, đồng thời cho phép các doanh nghiệp dịch vụ hoạt động từ xa và thành lập văn phòng trên toàn khu vực RCEP.
Cũng theo Bộ trưởng Thương mại Australia, RCEP sẽ giúp một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Australia giao dịch ra nước ngoài dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.
Với sự gia tăng của các nhóm thu nhập trung bình tại nhiều quốc gia RCEP, nhu cầu sẽ ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế, giáo dục và an toàn, chất lượng cao và các dịch vụ khác mà Australia có đủ khả năng cung cấp.
Bện cạnh đó, thỏa thuận này cũng sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và thiết lập các quy tắc thương mại điện tử mới trong toàn khu vực.
Cùng chung quan điểm trên, ông Jeffrey Wilson, một chuyên gia thương mại thuộc trung tâm Perth USAsia cho hay trước những ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, RCEP sẽ là hiệp định thương mại khu vực quan trọng nhất từng được ký và sẽ làm thay đổi bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận