Arab Saudi không sớm gia tăng sản lượng, giá dầu bật tăng
Giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 2,1% và 1,9%.
Giá dầu tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch 15/7 sau khi một quan chức Mỹ chia sẻ với Reuters rằng Arab Saudi sẽ không sớm gia tăng sản lượng dầu ngay sau chuyến công du của ông Biden như kỳ vọng trước đó.
Giá dầu Brent tương lai tăng 2,06 USD, tương đương 2,1%, lên ngưỡng 101,16 USD/thùng. Giá dầu WTi tăng 1,81%, tương đương 1,9% lên 97,59 USD/thùng.
Chốt tuần, cả hai chỉ số giá dầu giảm mạnh nhất (theo tỷ lệ %) trong khoảng một tháng qua, bắt nguồn từ quan ngại về một cuộc suy thoái sẽ “hủy hoại” nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Trong tuần qua, giá dầu Brent giảm 5,5%, WTi giảm 6,9%. Đây là tuần thứ hai liên tiếp giá dầu WTI đi xuống.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới Trung Đông tại thời điểm công suất khai thác của phần lớn các thành viên OPEC đều gần chạm đỉnh.
“Thị trường được hỗ trợ một phần trước thực tế Arab Saudi không còn nhiều dư địa gia tăng sản lượng dầu mỏ”, theo John Kilduff tới từ Again Capital LLC có trụ sở tại New York.
Ông Biden tới Trung Đông với mục tiêu đích thuyết phục Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác bơm thêm dầu vào thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ không kỳ vọng Arab Saudi sẽ ngay lập tức có thể giúp Mỹ thực hiện được tham vọng của mình. Thay vào đó, họ đặt nhiều niềm tin vào kết quả cuộc họp vào ngày 3/8 tới của OPEC+, theo lời một quan chức của phái đoàn Mỹ.
“Nếu như thị trường kỳ vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Mohammed Bin Salman cùng lên tiếng thông báo thông tin sản lượng dầu tăng lên ngay lập tức, họ sẽ chỉ nhận về sự thất vọng”, theo Andrew Lipow tới từ Lipow Oil Associates.
“Nhưng tôi cho rằng trong một vài tuần tới, đặc biệt tại cuộc họp sắp tới của OPEC, các thành viên của tổ chức này có thể sẽ đồng thuận gia tăng sản lượng”, ông nói.
Trong khi đó, số lượng giàn khoan tại Mỹ, một chỉ dấu dự báo sản lượng dầu tương lai, tăng lên 599 giàn khoan trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.
Bộ trưởng dầu mỏ Libya thông báo hoạt động khai thác dầu mỏ tại quốc gia này sẽ sớm quay trở lại sau khi chính phủ tổ chức đàm phán với các nhóm vũ trang, hiện đang phong tỏa các cơ sở khai thác dầu của quốc gia này trong vài tháng qua.
Việc gỡ bỏ tình trạng bất khả kháng đối với hoạt động sản xuất dầu của quốc gia này đồng nghĩa với việc 850.000 thùng dầu mỗi ngày sẽ được bơm trở lại vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ở một diễn biến khác, một số quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp cuối tháng này, thấp hơn mức dự báo tăng 1% sau khi báo cáo lạm phát tháng 6 được công bố.
Quan ngại Fed tăng lãi suất 1% và một loạt các dữ liệu kinh tế yếu trong tuần qua đã kéo giảm giá dầu Brent và WTI hơn 5 USD/thùng, xuống ngưỡng thấp nhất kể từ ngày 23/2, một ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo giá dầu sẽ tiếp tục đối diện với áp lực giảm trước triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
“Giá dầu Brent thủng mốc 100 USD/thùng trong tuần này, và có khả năng tiếp tục giảm trong bối cảnh quan ngại suy thoái liên tục gia tăng”, theo báo cáo của Commerzbank.
Áp lực giá dầu giảm còn bắt nguồn từ tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc. Sản lượng đầu vào tại các nhà máy lọc dầu Trung Quốc giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó sản lượng nửa đầu năm giảm 6%, theo dữ liệu công bố ngày hôm qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận